"Cuộc chiến 6 ngày" định hình bàn cờ Trung Đông 50 năm trước

Thứ Năm, 07/12/2017, 12:24
Cuộc chiến chớp nhoáng giữa Israel và các nước Arab tại Trung Đông năm 1967 chỉ kéo dài 6 ngày nhưng vô cùng ác liệt, với nhiều tổn thất. Đây được coi là cuộc chiến định hình thế cờ tại "chảo lửa" của thế giới trong suốt 50 năm qua.

Cuộc chiến tranh 6 ngày giữa Israel và các “láng giềng” Ai Cập, Jordan và Syria diễn ra từ ngày 5 đến ngày 10-6-1967. Dù chỉ diễn ra trong vòng 6 ngày, song nó là kết quả của những xung đột ngầm diễn ra trong khoảng thời gian dài trước đó.

Sau cuộc chiến Israel- các nước Arab năm 1956, theo nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), 3.400 lính “ mũ nồi xanh” của LHQ từ các nước Scandinaver, Canada, Brazil và Nam Tư được bố trí tại biên giới Israel- Ai cập trên bán đảo Sinai để lập vùng đệm giữa các bên.

Xe tăng của Israel trong "Cuộc chiến 6 ngày". Ảnh : ITN

Tính từ thời điểm đó, tại biên giới giữa các nước về cơ bản không có xung đột lớn ngoài vài cuộc đấu súng hay tấn công bộc phát. Nhưng mọi việc bắt đầu nóng trở lại vào đầu năm 1967, khi mà cả Israel và các nước Arab trong khu vực tin rằng đối thủ sắp tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn để tiêu diệt mình.

Tới đầu tháng 4-1967, theo các tài liệu mới được giải mật, Syria đã nhận được tin tình báo rằng Israel sắp tấn công họ. Thông tin này nhanh chóng được Damacus chuyển tới cho đồng minh Ai Cập.

Vào ngày 7-4-1967, Syria bất ngờ nã pháo vào các khu vực dân cư của Israel. Tel Aviv đáp trả bằng những đòn không kích vào các trận địa pháo của Syria trên cao nguyên Golan. Máy bay của Israel thậm chí đã bay thẳng vào thủ đô Damacus của Syria để tiến hành một số vụ tấn công dằn mặt.

Máy bay Israel trong các vụ không kích nhằm vào quân đội Syria.

Không để đồng minh Syria chờ lâu, Ai Cập bất ngờ yêu cầu quân LHQ rút lui khỏi Bán đảo Sinai. Họ cũng đóng đóng cửa Eo biển Tiran với tàu thuyền “mang cờ Israel hoặc chuyên chở vật liệu chiến lược”. Trong khoảng thời gian này, khoảng 100.000 quân cùng hơn 1000 xe tăng đã được quốc gia này điều tới sát biên giới Israel.

Cho rằng mình có nguy cơ bị tấn công và thậm chí xóa sổ khỏi thế giới một lần nữa, Bộ Tổng tham mưu Israel dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng quốc phòng mới – Tướng Moshe Daian đã ra quyết định tấn công phủ đầu các đối thủ để giành thế chủ động hoàn toàn.

Ngày 5-6-1967, Israel bắt đầu hành động. Chiến dịch đầu tiên và cũng là đòn phủ đầu mang tính quyết định của Israel chính là cuộc tấn công vào Không quân Ai Cập. Trong số các quốc gia Arab thời đó, Không quân Ai Cập là lực lượng đông và hiện đại nhất đã bị phía Israel gần như "xóa sổ" hoàn toàn. Phần lớn các máy bay của Ai Cập bị phá hủy khi chúng còn đang nằm dưới mặt đất.

Nhiều máy bay của Ai Cập bị phá hủy khi chưa kịp cất cánh. Ảnh: AP

Tới ngày 9-6-1967, Israel đã chiếm hoàn toàn vùng đệm tại biên giới với Ai Cập, Jordan và Syria. Sức mạnh quân sự của 3 nước Arab gần như bị đè bẹp hoàn toàn. Theo số liệu thống kê, trong "Cuộc chiến tranh sáu ngày" này, Ai Cập có trên 10.000 binh sĩ thiệt mạng, 5.000 người bị bắt làm tù binh, gần 800 xe tăng cùng một khối lượng lớn các phương tiện quân sự bị phá hủy hoặc tịch thu.

Trong cuộc chiến này, Jordan đã thiệt hại gần 200 xe tăng cùng hàng nghìn binh sĩ. Riêng Quân đội Syria, tuy đã triển khai kế hoạch phòng thủ chu đáo nhưng cũng bị thiệt hại nặng.

Đến ngày 10-6-1967, hai bên chính thức ngừng bắn khi người Israel chiến thắng, trả được món nợ năm 1948, chiếm đóng gần như toàn bộ “vùng đất thánh” Jerusalem, dải Gaza, bán đảo Sinai, Bờ Tây và Cao nguyên Golan.

Binh lính Israel tràn vào Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967. Ảnh: ITN

Sau cuộc chiến này, người Israel coi Jerusalem, bao gồm thành cổ và vùng ngoại ô phía Đông, là thủ đô "vĩnh cửu và không thể phân chia" của họ, bất chấp việc người Palestine coi phía Đông Jerusalem là thủ đô cho quốc gia tương lai.

Nhiều thập kỷ đã trôi qua kể từ năm 1967, tại Trung Đông cũng đã diễn ra nhiều sự thay đổi về nhân khẩu học, bạo lực hay những tranh cãi xung quanh các vấn đề ở Jerusalem. 

Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận rằng kết quả của cuộc chiến này chính là yếu tố mấu chốt ảnh hưởng đến địa thế chính trị của toàn Trung Đông cho tới tận ngày nay.

Thiện Nhân (Tổng hợp)
.
.
.