Cuộc đời của TNS John McCain và chuyện bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ

Chủ Nhật, 26/08/2018, 17:33
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, người vừa qua đời ở tuổi 81 sau hơn một năm chống chọi với căn bệnh ung thư não ác tính. Ông John McCain được đánh giá là một nhân vật có nhiều đóng góp cho quan hệ ngày càng nồng ấm giữa Việt Nam và Mỹ.

Nhìn ngược lại thời gian, cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc quá 40 năm, còn mối quan hệ giữa nước ta và Mỹ cũng sắp chạm mốc 1/4 thế kỷ với sự nồng ấm trông thấy trong những năm gần đây. 

Để có được kết quả ấy là sự nỗ lực rất lớn từ phía Việt Nam và cả phía Mỹ, trong đó có những đóng góp to lớn của những cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam như ông John McCain.

Thượng nghị sĩ John McCain trong một cuộc vận động ở North Carolina năm 2008. Ảnh: Reuters.

Theo thông báo từ văn phòng của ông, Thượng nghị sĩ John McCain đã qua đời lúc 16h28 giờ Phoenix ngày 25-8 (rạng sáng 26-8 theo giờ Việt Nam). Ông đã chiến đấu với căn bệnh ung thư não ác tính từ tháng 7-2017.

Đời binh nghiệp nhiều biến động

Sinh năm 1936, trong một gia đình danh giá với cả cha và ông nội đều là Đô đốc hải quân 4 sao, John McCain ngay từ nhỏ đã được hưởng một nền giáo dục toàn diện và chịu ảnh hưởng của gia đình giàu truyền thống binh nghiệp.

John McCain có tuổi thơ đầy đủ và bình yên bên gia đình, song ông lại được đánh giá là người cá tính, ưa mạo hiểm. Khi trưởng thành, McCain quyết định theo học Học viện Hải quân Mỹ. Ông tốt nghiệp trường này vào năm 1958 và trở thành phi công hải quân sau 2 năm.

John McCain cùng đồng đội bên một chiếc chiến cơ trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: AP

Sau khi phục vụ quân đội Mỹ chưa lâu, ông ta đã sang Việt Nam tham chiến với tư cách là một phi công hải quân. Ngày 26-10-1967, khi John McCain điều khiển chiếc A-4E Skyhawk, được coi là niềm tự hào của Mỹ, từ một hàng không mẫu hạm đậu trên Thái Bình Dương, bay vào vùng trời Hà Nội nhắm tới các mục tiêu trọng yếu, thì máy bay của ông ta đã bị bắn trúng.

John McCain được chăm sóc y tế tại Hà Nội sau khi máy bay của ông ta bị bắn rơi. Ảnh: ITN

John McCain sau đó đã kịp thời bung dù khỏi chiếc máy bay đang bốc cháy và rơi xuống hồ Trúc Bạch. Dù bị nhiều mảnh kim loại do vụ nổ gây ra găm vào người nhưng John McCain đã được lực lượng bộ đội, Công an cứu vớt khỏi hồ Trúc Bạch, chăm sóc y tế.

McCain cùng nhiều tù binh Mỹ khác được trao trả ngày 14-3-1973, hai tháng sau khi Hiệp định Paris được ký kết và 6 năm từ ngày được đưa vào “Khách sạn vỡ tim” (tên gọi nhà tù Hoả Lò do chính những tù binh phi công Mỹ đặt).

Đóng góp tích cực cho quan hệ Việt - Mỹ

Sau khi trở về Mỹ, John McCain vẫn tiếp tục phục vụ trong quân ngũ. Tuy nhiên, những gì mà ông nhận được từ Việt Nam sau quãng thời gian dài vừa tham chiến, vừa ngồi tù đã khiến McCain thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về chiến tranh cũng như về Việt Nam.

John McCain (áo trắng) dẫn đầu đoàn tù binh Mỹ được Việt Nam trao trả cho Mỹ vào năm 1973. Ảnh: AP

Song song với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam trong việc tìm kiếm các mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, ông McCain cũng là người có vai trò tích cực trong việc phát triển mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington.

Cùng với Thượng nghị sĩ John Kerry (Ngoại trưởng Mỹ trong chính quyền cựu Tổng thống Obama), người từng phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam trong những thập niên 60-70 của thế kỉ trước, John McCain đã tác động, thúc đẩy chính quyền Tổng thống Clinton dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận nhằm vào Việt Nam để tiến tới bình thường hoá quan hệ.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho tiến trình này, hai ông hối thúc hai bên khởi động các vấn đề nhân đạo như rà phá vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, hỗ trợ những người bị khuyết tật do hậu quả chiến tranh, tẩy độc tại các khu vực bị nhiễm dioxin...

Ông John McCain và ông John Kerry trong một chuyến đi tới Việt Nam. Ảnh: AP

Kết quả cho các nỗ lực ấy là vào năm 1994, Thượng viện thông qua đề nghị của hai Thượng nghị sỹ Kerry và McCain yêu cầu gỡ bỏ cấm vận Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình bình thường hóa Việt - Mỹ. Tới năm 1995, Việt Nam và Mỹ cùng tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao, gác lại quá khứ và mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm uỷ ban đối ngoại Quốc hội và là nhà ngoại giao lâu năm của Việt Nam, khi nói về quá trình bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ từng nhận định: “Trong bình thường hoá, chúng ta may mắn có hai anh bạn John. Đó là Thượng nghị sĩ John Kerry và Thượng nghị sĩ John McCain. Một người là phe Cộng hoà, một người là phe Dân chủ, chúng ta có sự ủng hộ quan trọng từ cả lưỡng đảng”.

Trong khi đó, nhân một bài phát biểu vào khoảng thời gian hai nước bình thường hoá quan hệ, McCain khẳng định việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam là điều rất cần thiết, một phần vì "đã đến lúc hàn gắn... đó là một cách để kết thúc chiến tranh, đến lúc nhìn về phía trước", một phần bởi đó là điều cốt yếu vì lợi ích quốc gia của Mỹ.

Ông McCain (thứ hai từ phải sang) xem lại các bức ảnh của chính mình khi bị giam trong nhà tù ở Hà Nội.

Tại lễ kỷ niệm 15 năm ngày bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, McCain một lần nữa nhấn mạnh: “Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất, nhiều hứa hẹn nhất của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Theo ông, “quan hệ hai nước không dừng lại ở chỗ bình thường hóa mà đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc” và “sẽ còn tiến xa hơn nữa”.

Nhiều người đều cho rằng, nhận định đó đến nay vẫn hoàn toàn phù hợp, vì Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, luôn mong muốn tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước, trong đó có Mỹ. Còn hầu hết các thành viên của cả hai chính đảng tại Mỹ cũng luôn dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho mối bang giao Việt Nam - Mỹ để tiếp tục thúc đẩy hai nước tăng cường quan hệ trong tương lai.


Thiện Minh
.
.
.