Rừng Amazon - "Lá phổi xanh" của nhân loại đang khẩn thiết kêu cứu

Thứ Bảy, 24/08/2019, 15:56
Các đám cháy kỷ lục ở Amazon, cánh rừng nhiệt đới tạo ra gần 20% oxy trong khí quyển Trái đất, đang lan nhanh với tốc độ chóng mặt. Giới chuyên gia cảnh báo nếu tình trạng này không sớm được kiểm soát, nó sẽ trở thành thảm họa môi trường toàn cầu.

Khác với những ngày cuối tuần nhộn nhịp, phần lớn người dân thành phố Sao Paulo của Brazil, thành phố lớn nhất Nam Mỹ, phải ở trong nhà suốt ngày thứ bảy (24-8) để tránh bụi. Trên bầu trời, một cuộn khói bụi khổng lồ giống như mây bão khiến cả thành phố rộng lớn tối sầm giữa ban ngày. 

Đám khói bụi khổng lồ như tấm chăn dày, đen kịt che phủ siêu đô thị Sao Paulo. Ảnh: Mirror

Theo Independent, cuộn khói bụi đó được tạo ra từ các đám cháy kỷ lục kéo dài nhiều ngày qua ở rừng nhiệt đới Amazon và bị gió lớn thổi bay gần 3.000km tới đây. 

Khói và tàn tro như một tấm màn dày đặc và độc hại che kín không cho ánh mặt trời xuyên qua còn Sao Paulo cũng chỉ là một trong hàng trăm thành phố lớn, nhỏ ở Nam Mỹ đang đau đầu với tình cảnh này.

“Lá phổi xanh” biến dạng vì lửa

Khu rừng nhiệt đới Amazon hiện đang trải qua giai đoạn khủng khiếp khi hứng chịu số vụ cháy rừng nhiều nhất một thập niên gần đây. Theo số liệu chính thức của Trung tâm nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE), tính từ ngày 15-8, đã có hơn 9.500 vụ cháy mới bùng phát ở Brazil, chủ yếu quanh lưu vực sông Amazon. 

Thống kê cũng cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 8-2019 khoảng 73.000 vụ cháy rừng lớn, nhỏ đã xảy ra ở rừng Amazon, cao hơn 80% so với 39.759 vụ của năm ngoái. 

Các đốm đỏ tượng trưng cho các đám cháy đang diễn ra ở Amazon. Ảnh: CNN

Tình hình trở nên đáng lo ngại và gây chú ý từ cuối tháng 7, khi các đám cháy lớn quét qua khu bảo tồn môi trường ở bang Rondonia của Brazil, tạo ra những cột khói lan rộng tới khu dân cư, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Báo cáo của INPE cũng chỉ ra rằng, tổng diện tích rừng Amazon bị tàn phá bởi con người và hỏa hoạn ở Brazil trong gần 8 tháng qua đã lên đến 10.000 km2, nâng tổng số diện tích rừng Amazon bị đốn hạ và thiêu rụi tới ngưỡng 700.000km2, lớn hơn cả diện tích của đất nước Myanmar, tức 1/5 tổng diện tích rừng.

Các chuyên gia cảnh báo, rừng Amazon cháy đồng nghĩa với việc thế giới mất đi một phần đa dạng sinh học, ngoài ra một lượng lớn khí carbon đi vào khí quyển thay vì khí oxy nuôi sống con người. Theo Tổ chức động vật hoang dã thế giới (WWF), có diện tích lớn gấp đôi diện tích Ấn Độ, Amazon là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. 

“Lá phổi xanh” trải dài từ lãnh thổ Brazil (hơn 60% tổng diện tích) sang các nước Nam Mỹ đang cung cấp 20% khí oxy cho toàn bộ sinh vật sống trên Trái đất và là ngôi nhà của 10% đa dạng sinh học toàn địa cầu.

Đám cháy lần lượt biến màu xanh của cây rừng thành màu nâu đen của tro bụi ở Brazil. Ảnh: Reuters

Để hình dung mức độ rộng lớn và quan trọng của Amazon, các chuyên gia từ tổ chức Scientific Reports mới đây cho biết nhân loại phải mất tới hơn 300 mới có thể thống kê đầy đủ các loài thực vật trong rừng Amazon. 

Nhà nghiên cứu Nigel Pitman thuộc Bảo tàng Field tại Chicago, Mỹ, cho biết, danh sách các loài cây được xác định tại khu rừng này cho tới nay bao gồm 11.187 loài được giới khoa học công nhận. “Còn hàng triệu loài nữa mà chúng ta chưa từng tiếp cận được để tìm hiểu”, chuyên gia Nigel Pitman nói.  

Về động vật, rừng Amazon là ngôi nhà sinh sống của hàng tỷ cá thể sống thuộc hàng trăm ngàn loài khác nhau. Trong số đó, có không ít loài động vật chỉ sinh sống ở Amazon.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn cả là, việc rừng liên tục mất cũng gây ra những biến động đáng kể đối với tình hình khí hậu, nhất là lượng mưa tại khu vực. Diện tích Amazon ngày càng bị thu hẹp bao nhiều thì cánh rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới này càng gần ngưỡng “cái chết không thể đảo ngược” bấy nhiêu. 

Cháy rừng xóa sổ nhà cửa của nhiều loài động, thực vật. Ảnh: INT

Tờ Economist nhận định, nếu tình hình không sớm được khắc phục, hệ sinh thái Amazon sẽ bị xáo trộn đến mức không còn phù hợp để sinh sống, cây rừng chết khô dần từng mảng. Cái kết cuối cùng là toàn bộ rừng rậm Amazon sẽ chết mòn mà không sự can thiệp nào của con người có thể cứu vãn, xóa sổ sự sống của hàng triệu loài động-thực vật.

Thêm vào đó, trong vụ cháy rừng thảm khốc này, người ta có thể sẽ nhớ đến bầu trời đen kịt của siêu đô thị São Paulo nhưng từ chính nơi ngọn lửa bùng phát, có những sự tang thương mất mát sẽ chẳng bao giờ được biết đến.

 Thống kê của News.com.au cho thấy, có khoảng 1 triệu người bản địa từ 500 bộ lạc sống dưới tán rừng Amazon. Một vài trong số họ có liên hệ với “thế giới hiện đại” tùy mức độ, song đa phần các bộ tộc vẫn giữ lối sống truyền thống, phụ thuộc hoàn toàn vào cánh rừng.

Người dân địa phương đốn cây tạo hành lang ngăn cháy lan rộng. Ảnh: Aljazeera

“Chúng tôi dành hết thời gian để dập lửa nhưng vô vọng. Chúng tôi mất toàn bộ cây ca cao và quả hạnh nhân”, người phụ nữ bản địa tên Zonalia Santos nói với Aljazeera. “Thiệt hại quá khủng khiếp. Chúng tôi chỉ biết khóc khi nhìn thấy mọi thứ hình hết lòng yêu thương và bảo vệ bị tàn phá trong một đám cháy”.

Brazil đứng trước sức ép của cộng đồng quốc tế

Các đám cháy đáng báo động xảy ra từ cuối tháng 7, nhưng phải mất hơn 3 tuần sau, khi Amazon chìm trong biển lửa và gần như mất kiểm soát, thế giới mới thực sự nhận ra sự tình nghiêm trọng. Các nhóm bảo vệ môi trường ở Brazil chỉ trích tình trạng nguy cấp hiện nay tại Amazon phần nào thuộc trách nhiệm của Tổng thống Jair Bolsonaro, khi ông coi nhẹ vấn đề hỏa hoạn ở Amazon. 

Họ cũng phê phán việc nhà lãnh đạo nhậm chức đầu năm 2019 này những tháng qua mạnh tay nới lỏng nhiều quy định về môi trường tại Brazil đồng thời ủng hộ việc mở cửa rừng Amazon vì mục đích thương mại, cho phép các công ty gỗ, khoáng sản khai thác tài nguyên.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Ảnh: Reuters

Các phản ứng cứng rắn đó cũng không chỉ tới từ các nhà bảo vệ môi trường. Cho rằng Chính phủ Brazil thiếu các cam kết chiến đấu với nạn cháy rừng và để tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát, Đức và Na Uy cách đây 2 ngày quyết định rút hơn 60 triệu USD trong các quỹ tài chính dành cho các dự án phát triển rừng bền vững cho Brazil.

 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì gọi tình trạng cháy rừng này là một “thảm họa quốc tế” và nói rằng lãnh đạo của các quốc gia trong nhóm G7 cần thảo luận khẩn cấp về vấn đề này trong hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra tại Pháp.

“Ngôi nhà của chúng ta đang bị cháy. Thật đau buồn. Rừng nhiệt đới Amazon- lá phổi sản sinh ra 20% khí oxy của trái đất đang bốc cháy”, ông Macron nói và đổ lỗi cho Brazil không nỗ lực trong ngăn chặn nạn phá rừng trái phép.

Bài đăng của Tổng thống Pháp trên Twitter. Ảnh chụp màn hình

Các nước châu Âu như Phần Lan, Ireland cũng cho biết, họ sẽ không thông lập tức qua thỏa thuận thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) của Brazil Argentina, Uruguay và Paraguay để gây sức ép. 

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump, người nổi tiếng cứng rắn trong vấn đề môi trường, cũng cho biết ông đã buộc phải điện đàm với người đồng cấp Brazil để trao đổi về nạn cháy rừng ở Amazon, đồng thời thông báo Mỹ sẵn sàng giúp đỡ quốc gia Nam Mỹ giải quyết đám cháy.

Trước các áp lực của cộng đồng quốc tế, chính quyền của Tổng thống Brazil Bolsonaro tuyên bố chính phủ của ông cùng các nước đang nỗ lực chống lại nạn phá rừng. Bolsonaro ban đầu nhận định tình hình không nghiêm trọng như những gì mà truyền thông nói và rằng các tổ chức phi chính phủ đang làm mọi cách để bôi xấu chính quyền của ông và bác bỏ khả năng nước này phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt quốc tế vì vấn đề này. 

Gỗ rừng xếp thành từng đống ở Brazil sau khi được khai thác từ Amazon. Ảnh: ITN

Theo ông, cháy rừng là vấn đề nội bộ của Brazil và các nước ở Nam Mỹ, đồng thời đổ lỗi cho nông dân gây ra các đám cháy. Đến ngày 23-8, trước tình hình ngày càng nghiêm trọng, Bolsonaro buộc phải thừa nhận chính quyền của ông không đủ khả năng để dập tắt các đám cháy. Nhà lãnh đạo Brazil cũng thông báo đã phê chuẩn quyết định cử quân đội nước này tới hỗ trợ công tác chữa cháy rừng Amazon.

Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng những nỗ lực trên là chưa đủ. Để dập tắt đám cháy, Brazil rõ ràng cần những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. 

Nhưng điều quan trọng hơn là, sau khi đám cháy được dập tắt, Brasilia cần đảo ngược chính sách cắt giảm ngân sách của cơ quan bảo vệ môi trường, cũng như thắt chặt chính sách khai thác Amazon nhằm tìm kiếm một giải pháp toàn diện hơn để bảo vệ “lá phổi xanh” của nhân loại.

Brazil thừa nhận không thể tự mình chống lại đám cháy rừng. Ảnh: Reuters

Trong một tuyên bố cách đây vài hôm, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antono Guterres từng cảnh báo: “Giữa cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu này, chúng ta không thể để nguồn cung cấp oxy thiết yếu và đa dạng sinh học của chúng ta bị tổn thương thêm nữa. Rừng Amazon nhất định phải được bảo vệ”.

Thiện Minh
.
.
.