Catalonia có "mất cả chì lẫn chài" trong canh bạc đòi ly khai?

Thứ Bảy, 28/10/2017, 18:20
Sau màn ăn mừng náo nhiệt hôm 27-10, người dân Catalonia vừa thức giấc với thực tế phũ phàng: Catalonia đã chính thức nằm dưới quyền kiểm soát của Chính phủ Tây Ban Nha còn Madrid thì ngày càng quyết tâm diệt sạch mầm mống ly khai.

Ngày 27-10, nghị viện vùng tự trị Catalonia chính thức thông qua tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha bằng một cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền trung ương Madrid và các nước châu Âu.

Nghị quyết về việc tuyên bố thành lập nhà nước độc lập khỏi Tây Ban Nha của Nghị viện Catalonia được thông qua với với tỷ lệ 70 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 2 phiếu trắng, trên tổng số 135 ghế. 

Người dân Catalonia đổ ra đường ăn mừng sau tuyên bố của Nghị viện. Ảnh: Reuters

Ngay sau khi nghị viện tuyên bố ly khai, người dân Catalonia đã ùn ùn đổ ra đường để ăn mừng. Họ tin mình đã chạm một tay vào "giấc mơ độc lập"... Tuy nhiên, thực tế lại phũ phàng hơn họ tưởng. 

Người dân Catalonia đã thức giấc vào sáng Thứ bảy 28-10 (giờ địa phương) với thực tế phũ phàng rằng: Họ đã chính thức nằm dưới quyền kiểm soát của Chính phủ Tây Ban Nha còn Madrid thì ngày càng cho thấy quyết tâm đối phó với “canh bạc ly khai của khu vực này”.

Madrid chưa từng nhượng bộ

Việc bất ngờ tuyên bố ly khai khỏi Tây Ban Nha không những không khiến Catalonia chạm tay vào “giấc mơ độc lập” mà còn khiến vùng này bị cô lập hoàn toàn và mất sạch quyền tự chủ.

Ngay sau khi Catalonia tuyên bố độc lập, chính quyền trung ương Tây Ban Nha lập tức có những bước đi cứng rắn để cho thấy: Madrid không đời nào nhượng bộ hay đàm phán với Catalonia về vấn đề ly khai nhức nhối này.

Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Saenz de Santamaria - người vừa được giao tiếp quản Catalonia. Ảnh: ITN

Cụ thể, Quốc hội Tây Ban Nha đã tổ chức một cuộc họp khẩn và bỏ phiếu kích hoạt Điều 155 trong Hiến pháp nước này, cho phép Chính phủ Tây Ban Nha giải tán chính quyền Catalonia và tổ chức bầu cử để lập ra chính quyền mới, dưới sự điều hành của Madrid. Đây là lần đầu tiên Điều 155 trong Hiến pháp Tây Ban Nha được kích hoạt kể từ năm 1978.

Với sự ủng hộ của quốc hội, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã tuyên bố phế truất Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont, sa thải cảnh sát trưởng Catalonia cùng các phái bộ của vùng tự trị tại Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng Rajoy cũng kêu gọi tiến hành một cuộc bầu cử mới tại Catalonia ngay vào ngày 21-12 tới để thiết lập lại trật tự.

Vài giờ sau tuyên bố trên, BBC trích dẫn một bản tin của Chính phủ Tây Ban Nha cho hay, quyền kiểm soát Catalonia đã chính thức được giao cho nữ Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Saenz de Santamaria -  một người đàn bà thép của Madrid.

Bà Saenz de Santamaria, 46 tuổi, trở thành Phó Thủ tướng Tây Ban Nha từ năm 2011. Theo tờ La Vanguardia, bà chính là người kiểm soát các cơ quan tình báo của Madrid sau khi cơ quan này không còn thuộc quyền kiểm soát của Bộ Quốc phòng. Thật không ngoa khi nói rằng, bà là người phụ nữ quyền lực nhất Tây Ban Nha kể từ khi nền dân chủ được thiết lập lại tại quốc gia Tây Nam châu Âu vào năm 1978.

Nguy cơ xung đột hiện hữu

Sau khi chính quyền trung ương bác bỏ tuyên bố độc lập, Hội đồng Dân tộc Catalonia - nhóm ly khai chính tại vùng Catalonia đã kêu gọi toàn bộ giới chức Catalonia “bất tuân diện rộng” đối với chỉ thị của chính quyền Madrid. Động thái này, được dự báo là sẽ đẩy Tây Ban Nha vào vòng xoáy khủng hoảng trầm trọng, hay thậm chí là nguy cơ xung đột.

Người Catalonia bên hàng rào cảnh sát trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 1-10. Ảnh: AP

Từ khi ý tưởng về việc ly khai nổ ra, Chính quyền trung ương Tây Ban Nha luôn cam kết họ không có kế hoạch bắt giữ những nhóm vận động ly khai, nhưng  nếu các quan chức trong chính quyền Catalonia vừa bị phế truất từ chối rời bỏ vị trí, Madrid không còn cách nào khác ngoài việc phải “ra tay”.

Dù nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ vũ trang là rất hiếm, song tình thế trên có thể dẫn tới xung đột bạo lực nếu lực lượng hành pháp Tây Ban Nha nhận lệnh can thiệp.

Trong quãng thời gian Catalonia tiến hành trưng cầu dân ý, một số vụ “va chạm” giữa người ủng hộ ly khai và cảnh sát đã xảy ra nhưng không để lại hậu quả đáng kể.

Giới phân tích nhận định, tham vọng theo đuổi đến cùng kế hoạch ly khai của chính quyền Catalonia sẽ mang đến nhiều rủi ro về mặt chính trị-kinh tế, đồng thời đặt tương lai vùng này trước viễn cảnh vô cùng bất an.

Việc Catalonia tuyên bố độc lập bất chấp quan điểm cứng rắn của Madrid cũng đánh dấu cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất từ khi dân chủ được thiết lập trở lại tại quốc gia Tây Nam châu Âu vào năm 1978: Catalonia trở thành khu vực đầu tiên bị giải thể chính quyền tại Tây Ban Nha.

Châu Âu đã chọn đứng về phía Madrid trong cuộc khủng hoảng này. Ảnh: ITN

Một vấn đề khác mà những người đòi ly khai ở Catalonia dường như đã quên tính tới khi thực hiện mưu đồ của mình: Muốn lập quốc, bên cạnh tuyên bố thì còn phải được quốc tế công nhận. Hiện Catalonia bị phản đối từ gần như toàn bộ các nước phương Tây.

Catalonia hiện chỉ nhận được sự ủng hộ duy nhất từ Scotland, một bộ trưởng vùng lãnh thổ thuộc Anh này cho hay Scotland ủng hộ hành động của Catalonia và "người dân nơi đây phải được tự quyết định tương lai". Scotland hiện cũng đang nuôi hi vọng tổ chức trưng cầu ý dân tách khỏi Anh, bất chấp phản đối kịch liệt từ phía London.

“Căng thẳng leo thang sẽ chỉ khiến mọi thứ thêm tồi tệ. Chẳng ai chắc chắn cuộc sống của mọi người sẽ tốt đẹp hơn sau khi chúng ta bỏ đi”, Asuncia Garcon, một người đàn ông 68 tuổi, sinh ra tại Catalonia, khẳng định.

Thiện Nhân
.
.
.