Bài học từ cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ
- Thổ Nhĩ Kỳ phải chọn "khôi phục án tử hình" hay gia nhập EU
- Lo ngại trực thăng đảo chính, Thổ Nhĩ Kỳ triển khai F-16 tuần tra
- 42 trực thăng mất tích, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại đảo chính lần 2
Bất ổn chính trị kéo dài ở Thổ Nhĩ Kỳ đã lên đến đỉnh điểm bằng cuộc đảo chính chớp nhoáng bất thành của những phần tử cực đoan đối lập với chính phủ, có yếu tố quân sự. Cuộc khủng hoảng chính trị này không chỉ là chuyện nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ mà còn là bài học cho nhiều quốc gia trên thế giới trong nỗ lực duy trì sự ổn định chính trị, giải quyết tranh chấp, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ bao vây xe tăng quân đảo chính. |
Từ cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, thêm một lần nữa cho thấy tư tưởng lấy dân làm gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là sự kế thừa sáng tạo, xuất sắc Chủ nghĩa Mác-Lê nin, đúc kết truyền thống dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc Việt, mà thực sự nó là chân lý của thời đại, là đáp số đúng cho mọi thể chế chính trị, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo: Ai nắm được lòng dân, người đó chiến thắng. Chính phủ của ông Erdogan dập tắt cuộc đảo chính chỉ sau mấy tiếng đồng hồ không phải bằng chiến đấu cơ, xe tăng, tàu ngầm, tên lửa… tối tân, mà bằng thứ vũ khí có sức mạnh dời non lấp bể: lòng dân.
Sự thất bại chóng vánh của cựu đại tá Muharrem Kose, thủ lĩnh cầm đầu vụ đảo chính, có sự hậu thuẫn tích cực từ những phần tử Hồi giáo, đứng đầu là Giáo sĩ Gulen nằm ở chỗ, hành động của họ đi ngược lại mong muốn, lợi ích của người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước khi bàn sâu hơn về bài học lòng dân, xin trao đổi thêm về cuộc đảo chính. Những ngày qua, nhiều tờ báo, đài truyền hình khi đưa tin sự kiện này đã gọi cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ là: “Quân đội đảo chính…”, “Đảo chính quân sự…”.
Theo tôi, viết như vậy là sai bản chất của vấn đề, vì quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không đảo chính. Kẻ cầm đầu vụ đảo chính chỉ là một sĩ quan cấp cao đã bị sa thải, bị thao túng, giật dây từ những lực lượng bên ngoài biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Những sĩ quan, binh lính đang tại ngũ trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tham gia đảo chính chỉ là những thành phần cực đoan, hệ quả của sự phân hóa chính trị đã và đang diễn ra phức tạp trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Vậy, nên gọi cuộc đảo chính này là “Cuộc đảo chính của phe đối lập có yếu tố quân sự” mới chính xác.
"Cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ giúp chúng ta củng cố thêm bài học về xây dựng thế trận lòng dân. Bám dân, nắm dân, chăm lo an sinh xã hội, củng cố niềm tin từ lòng dân để lập nên bức tường thành vững chắc cho chế độ. Khi có sự đồng thuận của muôn dân, không một sức mạnh nào có thể khuất phục được dân tộc này, giang sơn xã tắc này" (Thượng tá Phan Tùng Sơn). |
Trở lại với bài học rút ra từ vụ đảo chính, nếu Tổng thống Erdogan không có sự đồng thuận cao từ người dân Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết khủng hoảng một cách nhanh chóng thì tình hình đất nước của ông hiện đã cực kỳ phức tạp. Khi đó, bắt buộc ông Erdogan phải sử dụng sức mạnh bạo lực từ lực lượng cảnh sát, quân đội trung thành để trấn áp.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chìm trong biển máu và không ai có thể nói trước, kết cục của khủng hoảng sẽ là gì, nhưng chắc chắn, những “bàn tay đen” ngoài biên giới sẽ là “ngư ông đắc lợi” sau cảnh “nồi da xáo thịt” ấy.
Hãy xem những hình ảnh người dân Thổ Nhĩ Kỳ tràn ra đường ngăn chặn lực lượng đảo chính. Hãy xem cái cách mà người dân Thổ Nhĩ Kỳ ăn mừng sau khi chính phủ của ông Erdogan dập tắt đảo chính. Những hình ảnh ấy cho thấy, dù chính quyền của ông Erdogan còn nhiều yếu kém trong điều hành đất nước, nhưng chính phủ của ông là lực lượng cầm quyền duy nhất được người dân Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn trong bối cảnh hiện tại. Đó là một thể chế do dân bầu, đại diện cho quyền lợi của dân nên nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ bằng mọi giá phải bảo vệ Tổng thống và chính phủ.
Điều này cho thấy sự sáng suốt của người dân ở một đất nước Hồi giáo. Họ biết lựa chọn nhà cầm quyền do chính mình lập nên và sẵn sàng hi sinh vì điều ấy. Lực lượng đảo chính, dù được tổ chức, chuẩn bị rất bài bản nhưng không thể lật đổ được Tổng thống Erdogan, bởi đa phần những sĩ quan, binh lính tham gia đảo chính đều là những phần tử cơ hội chính trị, họ không có được một nền tảng vững vàng về ý chí nên đứng trước sức mạnh của quần chúng, họ đã nhanh chóng buông súng đầu hàng.
Sau biến động sâu sắc này, ông Erdogan sẽ phải “đúc tượng” lòng dân. Câu nói của ông “Hàng triệu người đã tràn ra đường phố và tôi sẽ ở lại với người dân của tôi” không chỉ có ý nghĩa trong thời khắc nước sôi lửa bỏng mà phải trở thành phương châm hành động của ông và chính phủ trong thời gian tiếp theo. Để không tái diễn đảo chính, để giữ vững chiếc ghế quyền lực, ông phải có những thay đổi, điều chỉnh mạnh mẽ về quyết sách trên tinh thần hướng đến phục vụ lợi ích của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Đặc điểm chung từ vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ và những cuộc xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ xảy ra ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong những năm vừa qua là đều có sự can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp của bên ngoài. Và tất cả đều chung một kết cục: thể chế chính trị bị đảo ngược theo hướng có lợi cho những kẻ “đạo diễn”; đời sống xã hội bị đẩy vào cuộc khủng hoảng kéo dài…
Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, gây bạo loạn lật đổ là một âm mưu rất nguy hiểm đã, đang được các thế lực thù địch, phản động lợi dụng. Thời gian qua, lợi dụng các vấn đề “nóng” của đời sống xã hội và tình hình căng thẳng leo thang ở biển Đông, lực lượng phản động bên ngoài biên giới đã câu kết với các phần tử cực đoan chính trị trong nước, ráo riết lợi dụng công nghệ thông tin, nhất là mạng xã hội để xuyên tạc, kích động, lôi kéo người dân tụ tập, biểu tình chống Đảng, Nhà nước.
Bản chất của cái gọi là “tinh thần yêu nước” do Việt Tân và lực lượng phản động lưu vong kích động là thủ đoạn đánh vào lòng tin của nhân dân nhằm thực hiện mưu đồ gây rối loạn chính trị, khi thời cơ chín muồi thì kết hợp vũ trang lật đổ chế độ.
Cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ giúp chúng ta củng cố thêm bài học về xây dựng thế trận lòng dân. Bám dân, nắm dân, chăm lo an sinh xã hội, củng cố niềm tin từ lòng dân để lập nên bức tường thành vững chắc cho chế độ. Khi có sự đồng thuận của muôn dân, không một sức mạnh nào có thể khuất phục được dân tộc này, giang sơn xã tắc này.
Bài học từ cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ và những cuộc xung đột, chiến tranh cục bộ ở các quốc gia, vùng lãnh thổ cho thấy, khi một đất nước không giữ vững được ổn định chính trị thì đời sống nhân dân sẽ bị đẩy đến bước đường cùng. Mối quan hệ gia đình, họ hàng và các kết cấu xã hội sẽ bị phá vỡ khi đất nước xảy ra nội chiến.
Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, để đất nước ổn định và phát triển, mỗi người dân phải biết đặt niềm tin vào đảng cầm quyền do dân bầu, dân lập. Hệ thống chính trị ở Việt Nam là do nhân dân lập nên.
Đảng Cộng sản Việt Nam là đại diện cho dân, lãnh đạo toàn dân thực hiện mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quyền lợi của Đảng và quyền lợi của dân là một. Mọi hoạt động nhằm vào phá vỡ mối quan hệ giữa đảng với dân đều đi ngược lại lợi ích của dân tộc.