7 năm nhìn lại vụ cưỡng hiếp khiến Ấn Độ dậy sóng

Chủ Nhật, 22/03/2020, 12:26

Bốn kẻ đã bị xử tử vì hãm hiếp tập thể và giết chết một nữ sinh viên 23 tuổi trên xe buýt ở New Delhi vào năm 2012, một vụ án gây ra sự phẫn nộ toàn cầu về mức độ đáng báo động các vụ tấn công tình dục ở Ấn Độ.

Mẹ của nạn nhân bước ra khỏi nhà, được vây quanh bởi phóng viên, trong ngày mà những kẻ hiếp dâm bị treo cổ. 

Akshay Thakur, Mukesh Singh, Pawan Gupta và Vinay Sharma đã bị treo cổ tại một nhà tù ở thủ đô Ấn Độ vào ngày 20/3, hơn 6 năm sau khi bị kết án cưỡng hiếp và giết người phụ nữ, được gọi là “Nirbhaya”.

Bốn người đàn ông trên đã bị kết án vào năm 2013, nhưng ba người trong số họ đã kháng cáo bản án tử hình lên tòa án Tối cao Ấn Độ. Tất cả các kháng cáo đã bị từ chối, bao gồm cả đơn xin giảm tội được trình lên Tổng thống Ram Nath Kovind.

Vụ việc đã gây ra sự phẫn nộ ở Ấn Độ và trên toàn thế giới. Tại Ấn Độ, nhiều người đã biểu tình đòi công lý cho Nirbhaya, một biệt danh được đặt cho nữ nạn nhân có nghĩa là “không sợ hãi”. Theo luật pháp Ấn Độ, nạn nhân của một số tội nhất định sẽ không được nêu tên.

Các nhà vận động kêu gọi chính quyền ra các luật cứng rắn hơn để trừng trị hành vi tấn công tình dục ở một quốc gia mà cứ mỗi 16 phút lại có một vụ hiếp dâm phụ nữ, dựa trên các số liệu chính thức từ năm 2018.

Trong khi có quá nhiều vụ việc được báo cáo, ở Ấn Độ, việc xử tử tù nhân thuộc loại tội phạm nào dường như lại khá hiếm khi xảy ra.

Năm 2018 ghi nhận 162 án tử hình ở nước này, con số cao nhất trong gần hai thập kỷ, theo dữ liệu của Đại học Luật Quốc gia Delhi.

Tuy nhiên, không có vụ hành quyết nào được ghi nhận trong năm đó, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế. Chỉ một số ít người đã bị xử tử trong 20 năm qua, bao gồm ba kẻ khủng bố và Dhananjoy Chatterjee, người đã bị xử tử năm 2004 về vụ hãm hiếp và giết một nữ sinh. Gần đây, Tòa án Tối cao đã giảm một số hình phạt tử hình thành tù chung thân.

Tội ác kinh hoàng

Vào khoảng 8 giờ 30 tối vào ngày 16/12/2012, Nirbhaya và bạn trai bắt xe buýt về nhà sau khi xem bộ phim “Life of Pi” tại một rạp chiếu phim ở Delhi. Ở Ấn Độ, xe buýt thuê riêng thường đón thêm hành khách ngoài giờ.

Trong khi xe buýt đang di chuyển, một nhóm người đã lấy trộm đồ của cặp đôi này, sau đó kéo nạn nhân ra phía sau xe buýt, cưỡng hiếp và hành hung Nirbhaya bằng một cây gậy sắt, theo tài liệu của tòa án. Những kẻ này cũng lột đồ và đánh bạn trai của cô, người mà chúng đã giữ trong suốt quá trình thực hiện hành vi đồi bại.

Sau đó, những kẻ này ném các nạn nhân không mảnh vải che thân từ cửa trước của chiếc xe buýt đang chạy và cố gắng cán qua các nạn nhân. Chúng dùng đồ của nạn nhân lau dọn xe buýt, sau đó khi đốt chúng và chia “chiến lợi phẩm” cho nhau, bao gồm hai điện thoại di động, đồng hồ đeo tay và một đôi giày.

Nirbhaya qua đời hai tuần sau vụ tấn công tại một bệnh viện ở Singapore, nơi các bác sĩ đã điều trị cho cô những vết thương nghiêm trọng trên cơ thể và não. Trước khi chết, cô đã tố cáo với chính quyền về vụ tấn công.

Những kẻ máu lạnh

Ngay sau vụ tấn công, cảnh sát đã tìm thấy 6 nghi phạm, những kẻ đã biết nhau trước khi xảy ra vụ việc. Kẻ lớn tuổi nhất, Ram Singh, là tài xế xe buýt trường học, 34 tuổi, thường xuyên lái chiếc xe trong vụ tấn công, theo tài liệu của tòa án.

Người này bị buộc tội hãm hiếp và giết người nhưng sau đó được báo cáo là đã tự sát trong tù ngay sau khi phiên tòa bắt đầu. Gia đình người này tuyên bố rằng anh ta đã bị giết.

Ngày càng nhiều các phong trào lên án hành vi cưỡng hiếp phụ nữ xuất hiện ở Ấn Độ. 

Tên trẻ nhất, chỉ mới 17 tuổi vào thời điểm xảy tấn công và không thể được nêu tên vì lý do pháp lý, đã bị kết án cải tạo ba năm tại một cơ sở cải huấn vị thành niên, và đã được thả ra vào năm 2015.

Bốn kẻ khác khác, trong độ tuổi từ 19 đến 28 tại thời điểm bị tấn công, đã bị kết án tử hình chưa đầy một năm sau đó.

Những kẻ này bao gồm: người dọn dẹp xe buýt Akshay Thakur, huấn luyện viên thể dục bán thời gian Vinay Sharma, Pawan Gupta làm nghề bán trái cây và Mukesh Singh, em trai của Ram Singh.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, Mukesh cho biết “một cô gái đàng hoàng sẽ không đi lang thang vào lúc 9 giờ tối”.

Vấn đề hiếp dâm tại Ấn Độ còn nghiêm trọng hơn

Trong năm 2018, hơn 33.000 trường hợp cáo buộc hãm hiếp đã được báo cáo tại Ấn Độ, tương đương khoảng 91 trường hợp mỗi ngày, theo Cục Hồ sơ tội phạm quốc gia Ấn Độ.

Số lượng các vụ hãm hiếp được báo cáo đã tăng lên kể từ năm 2012, nhiều khả năng là do nhận thức của người dân đã được cải thiện và người ta hy vọng rằng sẽ có hành động gì đó được thực hiện để cải thiện tình hình.

Cải cách pháp lý và hình phạt nghiêm khắc hơn đối với tội hiếp dâm đã được chính quyền đưa ra sau cái chết của Nirbhaya.

Trong đó phải kể đến việc các tòa án theo hành động nhanh chóng để xử lý các vụ hiếp dâm qua hệ thống tư pháp, định nghĩa sửa đổi về hiếp dâm cũng như công bố các hướng dẫn mới của chính phủ nhằm loại bỏ một cách rất lỗi thời nhằm xác định một người phụ nữ có bị hiếp dâm hay không.

Chính quyền cũng cập nhật luật cho phép tuyên án tử hình đối với những kẻ phạm tội hiếp dâm nhiều hơn một lần. Trước đó, hình phạt tối đa cho tội hiếp dâm là tù chung thân. Năm 2018, Ấn Độ đã sửa luật để có thể đưa ra án tử hình trong trường hợp nạn nhân là bé gái dưới 12 tuổi.

Các chuyên gia cho rằng sự phẫn nộ sau cái chết của Nirbhaya đã giúp xóa bỏ sự xấu hổ xung quanh việc thảo luận về hãm hiếp tại Ấn Độ. Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến khủng hoảng hiếp dâm của Ấn Độ vẫn tiếp tục.

Các vụ hiếp dâm nghiêm trọng khác đã tiếp tục xảy ra và xuất hiện trên khắp các trang báo. Năm ngoái, bốn người đàn ông đã thú nhận vụ hãm hiếp tập thể và giết một phụ nữ 27 tuổi, sau đó thiêu sống nạn nhân. Bốn kẻ này đã bị cảnh sát bắn chết khi còn đang bị giam giữ sau khi bị cáo buộc cướp vũ khí và bắn cảnh sát khi đến hiện trường để tái hiện vụ án.

Duy Tiến (Theo CNN)
.
.
.