Tổng Thư ký Quốc hội lý giải căn cứ chọn nhóm vấn đề chất vấn

Thứ Năm, 09/11/2017, 09:57
Trong giờ giải lao sáng 9-11, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trao đổi với giới truyền thông về vấn đề chất vấn. Tại đây, ông Nguyễn Hạnh Phúc đã khẳng định các nhóm vấn đề được lựa chọn rất khách quan. Các phiên chất vấn sẽ bắt đầu vào ngày 16-11.


Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nêu 4 nguồn để lựa chọn các vấn đề được chất vấn, bao gồm đề xuất của các đoàn ĐBQH, chất vấn của các ĐB, ý kiến trao đổi của các ĐB chưa được trả lời thỏa đáng trong 2,5 ngày thảo luận hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách, thứ 4 là kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp.

Đến ngày 2-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 59 văn bản đề xuất của các Đoàn ĐBQH, với 115 nhóm vấn đề; 43 phiếu chất vấn của ĐBQH với 53 câu hỏi chất vấn các thành viên Chính phủ và hơn 20 nhóm vấn đề tổng hợp được qua ý kiến ở nghị trường. 

Tập hợp lại, có 147 nhóm vấn đề liên quan mà cử tri đặt ra. Trước nguồn rất rộng, phong phú như vậy, việc lựa chọn các nhóm vấn đề dựa trên các tiêu chí, trong đó tiêu chí số 1 là những vấn đề bức xúc nổi lên, được nhiều cử tri, ĐBQH quan tâm.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Các vấn đề đã được chất vấn tại kỳ họp trước cũng sẽ không được đưa ra chất vấn tại kỳ họp này, tiêu biểu là trường hợp nhóm vấn đề về y tế. Trả lời câu hỏi vì sao được đến 18 đoàn ĐBQH đề nghị chất vấn về lĩnh vực này nhưng lại không được chọn đưa vào 5 nhóm vấn đề chốt để lấy ý kiến ĐBQH, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết: “Đây là nhóm vấn đề Quốc hội đã chất vấn và đã có nghị quyết. Hiện Bộ Y tế đang triển khai, nên dành thời gian để Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết này, mới có 1 năm chưa thể thực hiện nay. Trong khi đó xã hội có nhiều vấn đề bức xúc lắm, cần phải được chất vấn. Tuy nhiên, trong quá trình chất vấn, ĐB vẫn có thể hỏi thêm. Ví dụ khi chất vấn Thủ tướng, Thủ tướng có thể yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế trao đổi thêm”.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết cụ thể thêm: Các ĐBQH đã thống nhất cao về các vấn đề được lựa chọn. Nhóm vấn đề Tài chính được 89,7% ĐBQH chọn, nhóm về Ngân hàng được 77%, nhóm Thông tin & Truyền thông được 83,9% và nhóm Tòa án được 74,8% ĐBQH lựa chọn.

“Về BOT thì TVQH đã có đoàn giám sát chuyên đề và có nghị quyết về vấn đề này, hiện Bộ GTVT đang triển khai, đồng chí Bộ trưởng cũng vừa được Quốc hội phê chuẩn có mấy ngày, cần dành thời gian cho Bộ trường tìm hiểu công việc của ngành mình, dù đồng chí Bộ trưởng trước đây vốn là Thứ trưởng Bộ này, nhưng đã rời công việc 3 năm thì cũng cần thời gian”.

“Chúng tôi đã lựa chọn nhóm vấn đề rất khách quan để gửi đến ĐB và thông qua kết quả phiếu thăm dò, đã tập trung vào vấn đề Tài chính, Ngân hàng, Thông tin & truyền thông, Tòa án” – Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định.

Theo đó, 4 vị Bộ trưởng, trưởng ngành được chọn là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Trương Minh Tuấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình.

Nhóm vấn đề dành cho Thống đốc là việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất và tăng trưởng tín dụng hợp lý. Hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được  xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Bộ Tài chính là công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra; chống thất thu thuế, chuyển giá), hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững. Giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả.

Sau các phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ có báo cáo và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ. Các vị đại biểu sẽ chất vấn Thủ tướng những vấn đề các thành viên Chính phủ trước đó chưa trả lời thoả đáng hoặc những nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Vũ Hân
.
.
.