Quốc hội thảo luận về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường ở Hà Nội

Thứ Ba, 29/10/2019, 09:50
177 phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây của Hà Nội sẽ thí điểm không tổ chức HĐND phường bắt đầu từ trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tại những nơi thí điểm, UBND quận, thị xã sẽ được bổ sung thêm các nhiệm vụ, quyền hạn để quản lý, điều hành công việc trên địa bàn.

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV, sáng 29-10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Việc không tổ chức HĐND cấp phường ở Hà Nội là nội dung nằm trong đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Theo đó, ở khu vực đô thị, thành phố sẽ xây dựng mô hình hai cấp chính quyền là cấp thành phố và quận, tại phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND, không tổ chức HĐND; ở khu vực nông thôn, vẫn giữ mô hình tổ chức ba cấp chính quyền (cấp thành phố; cấp huyện, thị xã và xã, thị trấn).

Theo dự thảo Nghị quyết, 177 phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây của Hà Nội sẽ thí điểm không tổ chức HĐND phường bắt đầu từ trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tại những nơi thí điểm, ủy ban nhân dân (UBND) quận, thị xã sẽ được bổ sung thêm các nhiệm vụ, quyền hạn để quản lý, điều hành công việc trên địa bàn.

Khi thực hiện thí điểm, UBND phường chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã; chịu sự giám sát của HĐND và đại biểu HĐND quận, thị xã; đồng thời chịu sự giám sát của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phường.

Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với việc tổ chức hai cấp chính quyền ở đô thị và ba cấp chính quyền ở nông thôn như đề xuất.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Tuy nhiên, trước những băn khoăn về việc ban hành Nghị quyết sẽ kéo theo nhiều thay đổi cũng như ảnh hưởng đến tính thống nhất của pháp luật hiện hành, Uỷ ban Pháp luật đề nghị Chính phủ rà soát kỹ, tránh bỏ sót, bỏ trống nhiệm vụ hoặc xử lý không thỏa đáng mối quan hệ giữa các cơ quan, tổ chức khác ở địa phương. 

Ngoài ra, về cơ cấu tổ chức của UBND phường, Ủy ban Pháp luật cho rằng, để có cơ sở xác định cơ cấu tổ chức của UBND phường ở nơi thực hiện thí điểm thì cần làm rõ tính chất và địa vị pháp lý của cơ quan này.

"Đây là cơ quan hành chính thuộc UBND quận, thị xã đặt tại phường (do UBND quận, thị xã quản lý biên chế, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức) để thực hiện vai trò của chính quyền địa phương ở phường. Với cách tiếp cận này thì việc dự thảo Nghị quyết vẫn duy trì cơ cấu UBND ở nơi thực hiện thí điểm như cơ cấu của UBND nơi không thực hiện thí điểm là không phù hợp", báo cáo thẩm tra nêu.

Theo đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định cơ cấu tổ chức của UBND phường gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các công chức của UBND mà không có chức danh Ủy viên UBND như hiện nay.

Q. Vinh - T. Minh
.
.
.