Giảm Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh: Tinh gọn bộ máy nhưng có đảm bảo hiệu quả?

Thứ Hai, 15/07/2019, 17:41
Chiều 15-7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.


Báo cáo do Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật (UBPL) Nguyễn Khắc Định trình bày cho biết: Đa số ý kiến ĐBQH tán thành việc cụ thể hóa chủ trương của Trung ương trong việc giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp ở từng loại đơn vị hành chính, giảm số lượng cấp phó của HĐND. Tuy nhiên, giảm như thế nào, giảm ở cấp nào, cơ quan nào thì ý kiến còn khác nhau.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Đối với HĐND cấp huyện thì đa số ý kiến thống nhất. Đối với HĐND cấp tỉnh, đa số ý kiến đại biểu đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành (gồm 2 Phó Chủ tịch HĐND) hoặc đề nghị quy định số lượng cấp phó căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đối với việc giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh, nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ nhưng cũng có nhiều ý kiến đề nghị nên giữ nguyên như Luật hiện hành (gồm 2 Phó Trưởng ban) hoặc quy định linh hoạt hơn.

Thường trực UBPL và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề xuất phương án tiếp thu ý kiến của ĐBQH như sau: Thứ nhất, tiếp thu ý kiến của đa số ý kiến ĐBQH trong việc giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp ở từng loại đơn vị hành chính; giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện xuống còn 1 người.

Thứ hai, về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, đề xuất 2 phương án như sau: Phương án 1: quy định Lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách (phương án này là sự kết hợp Phương án 2 trong dự thảo Luật do Chính phủ trình và tiếp thu ý kiến ĐBQH). Phương án 2: Giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh từ 2 người xuống còn 1 người (như Phương án 1 trong dự thảo Luật do Chính phủ trình).

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định

Thứ ba, về số lượng Phó trưởng Ban của HĐND cấp tỉnh, đề xuất 2 phương án như sau: Phương án 1: quy định Ban của HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách; nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách. Phương án 2: quy định HĐND cấp tỉnh có không quá 2 Phó Trưởng ban, trong đó có 1 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, tại Hội nghị giao ban HĐND các khu vực thì khu vực Tây Bắc, Việt Bắc đề nghị giữ nguyên quy định này. Đối với cá nhân ông thấy rằng, việc giảm số Phó Chủ tịch HĐND để thực hiện chủ trương tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, nhưng nếu giảm mà nhằm vào số chuyên trách thì không thực hiện được mục tiêu tăng cường năng lực, chất lượng hoạt động của HĐND. “Giảm chỗ nào thì giảm nhưng không nên giảm Phó Chủ tịch HĐND tỉnh hoặc Phó trưởng Ban của HĐND cấp tỉnh”, ông nói.

Bày tỏ đồng tình với cách tiếp thu, giải trình mà UBPL nêu, trong đó một số phương án có căn cứ, có tính khả thi, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị trong tình hình, điều kiện hiện nay chúng ta cần phải tăng cường vai trò của cơ quan dân cử, tăng cường sức mạnh, hiệu lực hoạt động trong giám sát và quyết định các vấn đề của địa phương.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình 

“Không thể đi theo hướng tinh giảm bộ máy của cơ quan dân cử, như vậy là đi ngược xu thế. UBTVQH và Đảng đoàn Quốc hội nên có ý kiến cụ thể với các cấp có thẩm quyền”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm, ở huyện có thể giảm nhưng ở tỉnh thì cần cân nhắc, vì ở tỉnh cần 2 Phó Chủ tịch HĐND. Chứ nếu Bí thư vừa làm Chủ tịch HĐND, vừa làm Trưởng đoàn ĐBQH thì Quốc hội khoá tới sẽ không có Bí thư tỉnh uỷ tham gia.

 “Quan điểm của tôi là không nên giảm Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, vì HĐND cấp tỉnh nhiều việc để làm lắm. Chúng ta sao không giảm chỗ nào mà cứ giảm cơ quan dân cử. Cần báo cáo lại Bộ Chính trị, báo cáo lại Trung ương là qua thảo luận ý kiến của nhân dân như thế” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý cho biết, hiện nay số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách trên cả nước rất ít, chỉ 508 người (chiếm 6,34%). Nếu nói rằng tăng số Phó Chủ tịch HĐND cấp xã loại 2 lên 5.500 người, trong khi giảm số Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh chỉ 63 người thì không hợp lý.

“Nên nghiên cứu lại vì trong 2 Phó Chủ tịch HĐND thì 1 người là từ Thường trực HĐND nâng lên. UBND và HĐND là 2 thiết chế khác nhau. UBND là quản lý nhanh gọn, hiệu quả, còn HĐND là thiết chế dân chủ. Do đó không nên đặt vấn đề giảm số Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách”, ông phân tích, cho rằng qua thực tế cũng chưa nghe ý kiến nào nói có vướng khi để 2 Phó Chủ tịch HĐND, mà mọi người rất băn khoăn khi giảm 1 Phó Chủ tịch HĐND.

Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân

“Chúng ta giảm biên chế là cái lớn, nhưng cái lớn hơn là tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước. Việc giảm này có tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước hay không? Tôi không nhìn thấy. Nếu giảm thì cơ quan nào sẽ quản lý quyền lực và giám sát quyền lực? Không lẽ cứ phụ thuộc mãi Uỷ ban kiểm tra?”, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhìn nhận.

Ông đánh giá, rõ ràng thời gian vừa qua việc giám sát quyền lực của chúng ta chưa mạnh. Hiện có những sai phạm của UBND các địa phương nhưng HĐND đã giám sát được hay chưa? “Chúng ta lo việc sắp xếp lại hệ thống dân cử, giảm luôn số chuyên trách trong khi số cơ quan UBND và cơ quan hành pháp lại giữ nguyên. Đề nghị nghiên cứu lại vấn đề này”, ông so sánh.

Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, không nên đặt vấn đề giảm cơ quan dân cử mà bên Chính phủ lại không đả động gì. Theo ông, đối với cấp xã loại II, dự kiến sẽ có 50% xã sáp nhập. Trong đợt 1 sẽ sáp nhập hơn 600 xã. Quy mô sau sáp nhập lớn, nếu chỉ có 1 Phó Chủ tịch UBND thì sẽ rất khó khăn trong giải quyết công việc.

Ông cũng khẳng định, cùng với cơ quan dân cử, Chính phủ đang làm rất mạnh trong việc tinh giản biên chế trong các Bộ. Chẳng hạn với số lượng cấp phó, sẽ do Bộ trưởng quyết định, cố gắng giảm gọn lại, không để to như bây giờ. “Không nên đặt vấn đề giảm bên này mà không giảm bên kia”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay.


An Quỳnh
.
.
.