Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật Cảnh vệ

Thứ Hai, 31/10/2016, 10:38
Sáng 31-10, Thượng tướng Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình của dự án Luật Cảnh vệ trước Quốc hội.


Tờ trình nêu rõ, Pháp lệnh Cảnh vệ ban hành từ 2005 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng Cảnh vệ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần phục vụ sự nghiệp bảo vệ Đảng, Nhà nước cũng như công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. 

Trong những năm qua, mặc dù tình hình an ninh, trật tự thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, yêu cầu công tác cảnh vệ ngày càng cao, nhưng lực lượng Cảnh vệ đã tổ chức bảo vệ tuyệt đối an toàn hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, các hội nghị quốc tế lớn và các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước; được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, dư luận trong nước cũng như quốc tế đánh giá cao. 

Tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực này mới là pháp lệnh, nên hiệu lực thi hành thấp, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ trong tình hình hiện nay. Mặt khác, trước sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới đã đặt ra các yêu cầu mới.

Hiến pháp năm 2013 quy định: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng". 

Thêm vào đó, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở trong nước và trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tình hình khủng bố có xu hướng gia tăng; đất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường xuyên đi thăm và làm việc ở các nước trên thế giới; nước ta cũng ngày càng đón nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia, đoàn khách quốc tế, tổ chức nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng... yêu cầu đối với công tác cảnh vệ ngày càng nặng nề và phức tạp hơn, cần có các quy định cụ thể tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn. 

Cùng với đó, các luật mới ban hành gần đây có một số quy định chưa thống nhất, như: thẩm quyền trưng dụng phương tiện, tài sản, việc miễn phí cầu đường cho đối tượng cảnh vệ; mang, sử dụng vũ khí trên tàu bay, việc nổ súng trong khi thi hành công vụ.... Vì vậy, cần xây dựng Luật Cảnh vệ để đảm bảo hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày dự án trước Thường vụ Quốc hội vào tháng 8 năm nay

Tờ trình của Chính phủ nhấn mạnh: Luật Cảnh vệ được xây dựng trên cơ sở quán triệt và thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân. Việc xây dựng dự án Luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua; khắc phục những tồn tại, bất cập.  

Dự thảo Luật Cảnh vệ gồm 6 chương, 36 điều. So với Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005, dự thảo Luật đã bổ sung 2 chương, 15 điều và đã lồng ghép vấn đề bình đẳng giới tại các điều 5, 6, 15, 19 và 34 dự thảo Luật.

Tại chương I, dự thảo Luật bổ sung 2 điều mới quy định về vị trí, chức năng của lực lượng Cảnh vệ và hợp tác giữa lực lượng Cảnh vệ Việt Nam và nước ngoài. Theo đó, lực lượng Cảnh vệ được xác định là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có chức năng thực hiện các biện pháp cảnh vệ để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho đối tượng cảnh vệ theo quy định tại Luật này. 

Hoạt động hợp tác giữa lực lượng Cảnh vệ Việt Nam và nước ngoài khi thực hiện hoạt động cảnh vệ trên lãnh thổ Việt Nam và trên lãnh thổ nước ngoài được thực hiện theo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo thỏa thuận trực tiếp giữa Việt Nam với quốc gia có liên quan trên nguyên tắc có đi có lại, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Về quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ: Dự thảo Luật quy định rõ quyền hạn của Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục bảo vệ An ninh quân đội và quyền hạn của cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ để tránh lạm quyền trong quá trình thực thi nhiệm vụ; đồng thời, bổ sung một số quyền hạn mới cho sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ để đáp ứng yêu cầu công tác, như quy định được sử dụng Giấy bảo vệ đặc biệt, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, tín hiệu của xe ưu tiên để thực hiện công tác cảnh vệ; được mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ vào cảng hàng không, lên tàu bay để thực hiện công tác cảnh vệ. 

Đặc biệt, để bảo đảm đồng bộ với Luật Công an nhân dân, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản, dự thảo Luật quy định trong trường hợp cấp bách, để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho đối tượng cảnh vệ, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ được huy động người, thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện của đơn vị, cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.


Vũ Hân
.
.
.