Quốc hội sẽ thông qua Bộ luật Hình sự sau 2 kỳ họp

Thứ Năm, 27/10/2016, 09:15
Trong không khí tranh luận sôi nổi, tại ngày làm việc 26-10, Quốc hội đã thống nhất sẽ thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi trong kỳ họp thứ 3.

Một trong những vấn đề cơ bản nhất được các đại biểu tranh luận và chưa đi đến thống nhất trong phiên làm việc lần này tập trung ở phạm vi sửa đổi bộ luật: sửa đổi tất cả những điều phát hiện lỗi, cho đến khi nào không còn vướng mắc nữa mới thông qua, hay chỉ sửa đổi những lỗi không thể không sửa.

Do mức độ cực kỳ quan trọng của Bộ luật, là công cụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đồng thời liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, rất nhiều đại biểu đã cho rằng phải sửa toàn diện, căn cơ.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nhấn mạnh: Chất lượng làm luật là trách nhiệm cũng là danh dự của Quốc hội. Quốc hội khóa XIII, bên cạnh việc trao trách nhiệm cho chúng ta sửa đổi bộ luật này, còn trao lại cho chúng ta một bài học không vì áp lực thời gian mà chúng ta phải nóng vội thông qua những nội dung bản thân mỗi đại biểu Quốc hội khi bấm nút còn chưa yên tâm”.

Quan điểm xem xét kỹ lưỡng là ý kiến của tuyệt đại đa số các đại biểu, như Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận), Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh)... và các đại biểu khác.

Tuy thống nhất cao về việc xem xét ở 2 kỳ họp, nhưng các đại biểu lại tranh luận rất nhiều về phạm vi sửa đổi. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, ban đầu chỉ dự kiến đưa ra Quốc hội sửa đổi 8 điều. Tuy nhiên, sau đó phạm vi mở rộng lên 90 điều, rồi 130 điều và cuối cùng Tờ trình của Chính phủ đưa ra Quốc hội 141 điều.

Qua thảo luận tại hội trường của 49 đại biểu, Bộ trưởng Lê Thành Long tổng hợp được ý kiến liên quan đến 140 điều nữa. Như vậy, phạm vi cho ý kiến của các đại biểu đã lên tới hơn 200 điều, hơn 1 nửa Bộ luật. Từ ý định sửa đổi các sai sót “kỹ thuật”, việc sửa đổi đã đụng đến nội dung, thậm chí động đến vấn đề quan điểm hình sự.

Trả lời trước Quốc hội về phạm vi các vấn đề còn ý kiến khác nhau quá rộng, bảo vệ quan điểm của Chính phủ trong Tờ trình, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: Tuy không có 7 năm nghiên cứu, xem xét như Bộ luật Hình sự 1999, nhưng Bộ luật Hình sự 2015 cũng có 5 năm nghiên cứu với trình độ hiểu biết, khả năng tiếp cận thông tin rộng hơn. Cơ quan soạn thảo cũng đã trăn trở rà soát, báo cáo, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền hết cấp này cấp khác để rút ra một số ý gọi là chính sách hình sự như giảm hình phạt tử hình, giảm hình phạt tước tự do...

“Có những điều ban soạn thảo chưa thỏa mãn, có những điều chưa thống nhất được với nhau, nhưng chúng tôi đã rà soát, không dám nói chắc 100%, nhưng sai về kỹ thuật cơ bản đã xử lý xong” – Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định.

“Nhưng sửa 141 điều bắt đầu vượt quá nội dung về kỹ thuật, từ lượng biến thành chất. Chúng ta thống nhất với nhau luật là một đại lượng trung bình của xã hội, chỉ thông qua bằng phương pháp đa số, chứ không thể có tuyệt đối, không thể chiều hết ý của tất cả các nhóm người trong xã hội. Có những ý kiến chưa được lắng nghe cũng phải chấp nhận như là một điều bình thường trong quá trình làm luật” – Bộ trưởng Lê Thành Long bổ sung.

Kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu, người chủ trì phiên họp cho rằng Bộ luật không thể làm xong trong 1 kỳ họp, mà sẽ phải thông qua tại 2 kỳ, như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng như ý kiến của đại đa số đại biểu.

Về vấn đề phạm vi sửa đổi, cốt lõi của các tranh luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn ý kiến của một số đại biểu và cho rằng chỉ nên xác định 3 loại vấn đề: chỉ sửa lỗi kỹ thuật liên quan đến nội dung và việc áp dụng thống nhất pháp luật; thứ hai là sửa đổi những nội dung rõ ràng có sai, không sửa không được và có sự thống nhất rất cao của các đại biểu; thứ ba là bổ sung những quy định rất mới để đảm bảo công tác phòng chống tội phạm (như các loại ma túy mới).

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Bộ luật, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị Quốc hội giao cho cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan tư pháp ở Trung ương và cơ quan hữu quan nghiên cứu đầy đủ ý kiến phát biểu của đại biểu trong phiên làm việc này và phiên thảo luận tại tổ để chỉnh lý, xây dựng lại luật này.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề để bàn các nội dung có ý thức chuyên sâu, có sự tham gia của các chuyên gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách, lấy ý kiến của các địa phương, các đoàn đại biểu... để góp phần chỉnh lý dự luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ 3.

Bên cạnh vấn đề phạm vi, các nội dung khác cũng gây tranh luận nhiều là phạm vi phải chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em từ 14 đến dưới 16 tuổi và vấn đề giám định hàm lượng tinh chất ma túy. Liên quan đến các chế định về chuẩn bị phạm tội, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh quan điểm kinh điển là phòng ngừa tội phạm bao giờ cũng là ưu tiên số 1, đặt lên hàng đầu, trước đấu tranh, trừng phạt. Do vậy, thu hẹp phạm vi xử lý hình sự với nhiều tội trong giai đoan chuẩn bị là bỏ lọt nhiều tội phạm, không đáp ứng nhu cầu phòng ngừa.

Tại phiên thảo luận này, đa phần các đại biểu cũng thống nhất nên bỏ yêu cầu giám định hàm lượng chất ma túy, bởi gây bất bình đẳng trong chính sách hình sự (tội có khung hình phạt cao từ 20 năm tù đến tử hình thì yêu cầu giám định, khung thấp hơn thì không) vừa gây khó khăn trong quá trình tố tụng.

Nhiều nước trên thế giới cũng không yêu cầu giám định hàm lượng, bởi các đối tượng buôn bán ma túy cũng chỉ chỉ xác định bằng bánh, tép... chứ không xác định hàm lượng là bao nhiêu. Việc xác định hàm lượng chỉ áp dụng với 5 trường hợp như hiện nay đang áp dụng.

Vũ Hân
.
.
.