Phụ nữ Việt Nam còn phải đối mặt với rào cản vô hình về giới

Thứ Năm, 09/11/2017, 14:31
Lần đầu tiên đưa nội dung bình đẳng giới thảo luận trước Quốc hội trong ngày làm việc 9-11, các ĐB đã bày tỏ chia sẻ với nữ giới khi phải đối mặt với những rào cản vô hình trong định kiến về giới, khiến cơ hội khẳng định mình trong nghề nghiệp, cuộc sống bị giới hạn.


Cho phép phụ nữ lựa chọn tuổi về hưu từ 55 – 60 tuổi

Bày tỏ “rất chia sẻ” với đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) về việc quy định của pháp luật chưa tạo điều kiện, cơ hội cho một số các phụ nữ muốn tiếp tục cống hiến, đặc biệt là cơ hội thăng tiến, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng đây là vấn đề có tính lịch sử. 

Đại biểu Châu Quỳnh Dao cho rằng phụ nữ chưa được bình đẳng về cơ hội nghề nghiệp so với nam giới

“Hôm nay có đồng chí Bộ trưởng Bộ Lao động, đồng chí cũng nói sẽ sửa đổi Bộ luật Lao động, thì tôi đề nghị chúng ta phải nghiên cứu rất kỹ quy định này. Làm sao đó để cho bộ phận lao động nữ được lựa chọn quyền nghỉ hưu từ 55 tuổi đến 60 tuổi. Theo quan điểm của tôi, tuổi nghỉ hưu quy định với 2 giới phải tương đương nhau, còn phụ nữ có quyền lựa chọn về hưu từ tuổi 55 đến 60, chứ không bắt buộc người phụ nữ phải về nghỉ hưu từ lúc 55 tuổi. Tôi nghĩ giải quyết như thế sẽ hài hòa, vừa bình đẳng giới và cũng vừa đảm bảo quyền của một bộ phận người lao động nữ sẽ có cơ hội để thăng tiến, cơ hội để cống hiến cho đất nước và cho xã hội, tôi xin có một ý như vậy trao đổi lại” – ĐB kiến nghị.

Giải trình thêm một số vấn đề cuối buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung không phúc đáp đề nghị này. Ông chỉ báo cáo Quốc hội về việc xử lý chênh lệch mức lương hưu của phụ nữ nghỉ hưu trước và sau ngày 1/1/2018. 

Theo ông, “vấn đề này Chính phủ đã sớm phát hiện và tiến hành khảo sát, đánh giá tác động và báo cáo Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9. Hiện nay, Chính phủ đã xem xét tại phiên họp thường kỳ tháng 10 và có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét quyết định theo thẩm quyền. Đề xuất của Chính phủ theo hướng vừa đảm bảo thực thi pháp luật vừa đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng và quan tâm tới vấn đề bình đẳng giới, thực hiện theo lộ trình, không gây sốc, không gây bức xúc cho xã hội”.

Có doanh nghiệp phát thẻ cho công nhân đi vệ sinh

Làm rõ thêm một số vấn đề trong phiên thảo luận này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề cập đến vấn đề sa thải lao động trong doanh nghiệp FDI, nhất là phụ nữ sau 35 tuổi – vấn đề gây tranh cãi lớn trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội trước đó. Bộ trưởng cho rằng “đây là vấn đề lớn, cần phải hết sức cẩn trọng trong đánh giá”.

Theo ông Dung, hiện nay, khu vực FDI có khoảng 2,6 triệu người lao động - một lực lượng lao động rất quan trọng, không chỉ góp phần vào tăng trưởng kinh tế, xã hội mà còn góp phần rất quan trọng trong giải quyết việc làm và an sinh xã hội. Sau phiên thảo luận kinh tế - xã hội có một số tập đoàn lớn trong khu vực FDI cũng đã gặp trực tiếp cơ quan quản lý lao động, như Poinchen (hiện nay sử dụng 157 nghìn lao động), Samsung (150 nghìn lao động), hãng Nike (400 nghìn lao động). Các tập đoàn này thời gian vừa qua cũng có nhiều đổi mới chăm lo cho người lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

“Tuy nhiên, cũng một số nơi vừa qua có những việc chưa tốt, thậm chí có những nơi còn phát thẻ cho công nhân đi vệ sinh, 100 người trong buổi sáng chỉ có 3 thẻ, tranh nhau đi vệ sinh. Chính phủ đã cho tiến hành kiểm tra, thậm chí là xử phạt những doanh nghiệp này. Có những nơi, nếu tiếp tục diễn ra (tình trạng đối xử không tốt với người lao động), cần thiết phải có những giải pháp can thiệp về mặt chính quyền. Có tình trạng như vậy, nhưng con số như đại biểu và báo chí gần đây nêu - 80% người lao động và một số doanh nghiệp FDI bị sa thải, con số này không đúng thực chất” – Bộ trưởng lý giải.

“Con số thất nghiệp chúng ta giải quyết bảo hiểm thất nghiệp 9 tháng đầu năm 2017 là 523.888 người, trong đó nữ là 293.681 người. Riêng khu vực FDI nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh cũng chỉ có 12% số lao động nằm ở trong FDI. Như vậy, nếu đánh giá 80% doanh nghiệp FDI ở khu vực này sa thải hay vì nhiều lý do để công nhân không có việc làm... thì cũng cần cẩn trọng để đánh giá cho đầy đủ, nếu không cũng rất ảnh hưởng lớn đến khu vực này” – Bộ trưởng Bộ Lao động nêu ý kiến.

Ông Dung cho rằng, Chính phủ cũng phải rất quan tâm, vì báo cáo của ILO cho thấy cuộc cách mạng 4.0 đang tác động vào Việt Nam, lao động nữ Việt Nam có nguy cơ mất dần việc làm đối với các ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may, giày da, do máy móc thay thế tới 85% lao động. “Số liệu này dự báo năm 2025 nếu không điều chỉnh có thể lên tới 70% - 80%. Điều này đặt ra vấn đề phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn và khu vực phi chính thức”.


Vũ Hân
.
.
.