Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Môi trường đã tới ngưỡng không thể chịu thêm được nữa"

Thứ Tư, 02/11/2016, 20:27
“Sau một loạt sự cố thì ta thấy môi trường của ta đã đến ngưỡng, không thể chịu thêm được nữa” – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà phát biểu trước Quốc hội.


Giải quyết vấn đề môi trường chính là tái cơ cấu nền kinh tế

“Giải quyết căn cơ vấn đề môi trường chính là tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi từ thâm dụng tài nguyên, chi phí môi trường lớn chính là xử lý căn cơ vấn đề môi trường” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu. 

“Sau một loạt sự cố môi trường thì ta thấy môi trường của ta đã đến ngưỡng, không thể chịu thêm được nữa. Chúng ta từng đặt vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển, nay môi trường phải nằm ngay trong từng dự án đầu tư, trong chiến lược và quy hoạch. Cần đầu tư ngay từ đầu cho môi trường”. 

Quốc hội bày tỏ sự lo lắng về môi trường khi hàng loạt sự cố đã xảy ra

“Sau các sự cố môi trường, Chính phủ đã làm rất nhiều việc, ngoài giải quyết sự cố cụ thể, rà soát lại toàn bộ nguồn thải trong quá trình phát triển kinh tế trước đây. Chúng tôi đã kết thúc thanh tra 137 cơ sở bao gồm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đến cấc ngành xả thải nhiều: khai thác khai thác khoáng sản, hóa chất, giấy, dệt nhuộm... Những con số rõ ràng cho thấy thời gian tới cần có biện pháp quyết liệt, nghiêm túc trong thực hiện nghiêm luật Bảo vệ môi trường”.

Liên quan đến vấn đề quản lý việc khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh đóng góp của lĩnh vực này: 

“Bên cạnh dầu khí mang lại nguồn thu lớn, thì nguồn lợi từ khoáng sản chiếm đến 45% GDP. Chúng ta đặt ra vấn đề giảm khai thác, xuất khẩu khoáng sản thô là hiển nhiên, nhưng đồng thời cũng phải sử dụng hiệu quả khoáng sản bằng cách chế biến sâu, chọn thời điểm khai thác cho phù hợp, không sử dụng công nghiệp lạc hậu và đấu thầu quyền khai thác khoáng sản". 

"Hiện Thủ tướng đang xem xét lần cuối Nghị định về quản lý lĩnh vực này, trong đó đặt ra vấn đề từ nay trở đi khai thác khoáng sản phải thông qua đấu thầu. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường tìm kiếm khoáng sản vùng biển biển, hải đảo; phối hợp với quốc tế trong nghiên cứu, sử dụng công nghệ hiện đại để giải quyết vấn đề khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững khoáng sản". 

"Đặc biệt khu vực đồng bằng Sông Hồng có trữ lượng trên 10 tỷ tấn than, với công nghệ mới hiện nay, việc khai thác thân thiện với môi trường và giải quyết được vấn đề an ninh năng lượng”.

Đang nghiên cứu thành lập ngân hàng quỹ đất

Trả lời các đại biểu về vấn đề quản lý và sử dụng đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận: “Đến nay, chúng ta chưa làm được việc sử dụng có hiệu quả đất đai”. “Lãng phí, nhất là trong đất nông, lâm trường; khiếu kiện đất đai nhiều là những vấn đề nóng bỏng mà nếu chúng ta quản lý tốt thì sẽ đưa được tiềm năng này phục vụ nhiệm vụ tái cơ cấu của đất nước”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà

“Thời gian tới, bộ sẽ chủ động trong nghiên cứu phương pháp hiện đại hóa quy hoạch và quản lý sử dụng đúng quy hoạch, trên cơ sở tiếp cận cơ chế thị trường, có chính sách đồng bộ. Chúng tôi sẽ kiểm kê quỹ đất trên phạm vi cả nước, đặc biệt là đất nông, lâm trường. 

Vừa qua, Bộ TN&MT đã cùng các bộ triển khai thực hiện công tác này, đã cùng với Bộ Tài chính bố trí hơn 600 tỷ thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính, cùng các địa phương xây dựng đề án về tăng cường năng lực quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai nông, lâm trường. Hiện có 39 địa phương đã triển khai, bước đầu đã có 10 địa phương hoàn thành đo đạc và sẽ quản lý theo hướng giao cho các hộ dân thiếu đất sản xuất hoặc những tổ chức, cá nhân có khả năng sử dụng hiệu quả thông qua đấu thầu”.

“Về việc cho phép tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, chúng tôi hoàn toàn tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT đã trao đổi để có phương án giải quyết các khúc mắc về thể chế. Hiện đang có phương án thành lập ngân hàng quỹ đất do Nhà nước đứng ra quản lý. Các hộ chưa có nhu cầu sử dụng hoặc đất hoang hóa thì gửi vài ngân hàng này. Chúng tôi sẽ có báo cáo Chính phủ kế hoạch cụ thể” – Bộ trưởng cho biết.

Đại biểu Cao Đình Thường (Phú Thọ):

Đề nghị tạm ngưng cho phép đưa chất thải tỉnh ngoài vào Phú Thọ

Vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay đang rất nghiêm trọng, nhức nhối và lan rộng, gây ra hậu quả hết sức nặng nề cho hệ sinh thái và sức khỏe người dân. Theo phản ánh của báo chí, trong đó có cả chất thải của nhà máy Formosa Hà Tĩnh đưa ra trong một thời gian rất dài. Tình trạng vận chuyển từ tỉnh ngoài về Phú Thọ có thể còn gây ra nhiều hệ lụy như vận chuyển chui, đổ trộm chất thải trên đường qua các tỉnh gây ra hậu quả không lường đến môi trường sống. Nếu xử lý không nghiêm ngặt, đúng quy trình thì Phú Thọ sẽ trở thành bãi chứa chất thải nguy hại của cả nước, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ô nhiễm trầm trọng đến nguồn nước sinh hoạt, sản xuất và sức khỏe của hàng triệu người dân vùng hạ lưu Sông Lô. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cho kiểm tra dự án này và điều chỉnh dự án trên địa bàn vận chuyển chất thải từ tỉnh ngoài vào Phú Thọ theo nguyên tắc chất thải của địa phương nào thì xử lý tại địa phương ấy, trừ trường hợp thật đặc biệt. Trước mắt, yêu cầu công ty ngừng tiếp nhận chất thải nguy hại từ tỉnh ngoài vào Phú Thọ để chờ kiểm tra, xem xét.


Vũ Hân
.
.
.