Đề xuất nhiều đặc thù cho giải phóng mặt bằng, tái định cư Long Thành

Thứ Sáu, 13/10/2017, 15:50
Với lý do dự án quy mô lớn, ảnh hưởng đến nhiều người dân, cần tập trung vốn ngân sách để bố trí cho dự án trong khi nguồn vốn đang gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cần có những cơ chế đặc thù để triển khai dự án thu hồi đất, tái định cư cho sân bay Long Thành.


Cần bố trí thêm hơn 5.800 tỷ từ nay đến năm 2020

Các cơ chế đặc thù được Chính phủ kiến nghị là: Không áp dụng khoản 6, Điều 16 Luật Đầu tư công năm 2014 (Cấm yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt hoặc chưa được bố trí vốn kế hoạch, gây nợ đọng xây dựng cơ bản), mà giao Chính phủ xây dựng các chính sách cụ thể huy động các nguồn vốn để thực hiện thu hồi đất.... trong đó có việc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khai thác hàng không ứng vốn để thực hiện;

Không áp dụng điểm i, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 (nhà nước sẽ thu hồi đối với đất được giao mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng...) mà được khai thác, sử dụng ngắn hạn quỹ đất đã được giao chưa xây dựng hạ tầng và không phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; không bị thu hồi đất khi chưa đưa đất vào sử dụng theo tiến độ thực hiện dự án;

Dự án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho Long Thành có thể là tờ trình cuối cùng ông Trương Quang Nghĩa báo cáo trước Quốc hội trên cương vị Bộ trưởng Giao thông

Chính phủ cũng cho biết: Trên cơ sở tham khảo các dự án đã triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thời gian vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng và thực tiễn cuộc sống người dân, để đảm bảo thực hiện có hiệu quả chương trình phục hồi thu nhập và ổn định cuộc sống của người dân, ngoài các chính sách hiện hành, cần có hỗ trợ mỗi hộ gia đình bị ảnh hưởng thu nhập với mức 21 triệu đồng như đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai.

Với lý do việc thu hồi các nguồn vốn từ việc đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ, khấu trừ tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, nguồn thu từ việc cho thuê đất ngắn hạn đối với các khu vực chưa triển khai xây dựng các hạng mục công trình của dự án cần phải có thời gian (thu hồi sau khi giao đất tái định cư, cho thuê đất); nên Chính phủ kiến nghị  trước mắt ngân sách cần ứng đủ vốn để thực hiện dự án, sau đó nguồn thu trên sẽ được cân đối hoàn trả ngân sách và đề nghị bố trí cho xây dựng sân bay Long Thành. 

Ngoài 5.000 tỷ đồng đã được bố trí theo kế hoạch, Chính phủ đề nghị được bố trí thêm hơn 5.800 tỷ nữa để đảm bảo nhu cầu vốn từ nay đến 2020. Chính phủ cũng đề nghị một số nội dung theo yêu cầu của dự án đầu tư xây dựng (như đánh giá hiệu quả kinh tế, tài chính...) sẽ được Chính phủ tiếp tục làm rõ trong Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Quốc tế Long Thành, chứ chưa làm rõ trong giai đoạn này.

Suất vốn trên mỗi hộ dân tái định cư 4,74 tỷ đồng là quá cao

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế cho rằng: Chính phủ chưa làm rõ biện pháp cụ thể huy động phần vốn còn thiếu cho việc giải phóng mặt bằng dự án. Mặt khác, báo cáo còn chưa tách bạch được các chi phí phục vụ Dự án Cảng HKQT Long Thành với các dự án khác, như chi phí thu hồi đất, bồi thường để thực hiện xây dựng khu tái định cư, nghĩa trang như đã nêu ở trên. 

Việc chưa tách bạch các chi phí này dẫn đến tăng tổng mức đầu tư xây dựng dự án. Suất vốn đầu tư theo hộ dân (4,74 tỷ đồng/hộ) là khá cao so với các dự án khác. Đơn cử, dự án di dân tái định cư các nhà máy điện Ninh Thuận là 2,512 tỷ đồng/hộ (năm 2015); Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La là 1,3 tỷ đồng/hộ (năm 2013).

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, có biện pháp huy động vốn phù hợp cho giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án; trường hợp không thể huy động các nguồn khác mới trình Quốc hội xem xét, bố trí vốn bổ sung từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 để thực hiện công tác này. 

Kinh phí này sẽ được bù đắp từ nguồn thu từ tiền bố trí tái định cư và tiền thuê đất chưa sử dụng cho Dự án (khoảng 2.562 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất khi giao đất ở tái định cư và 496 tỷ đồng từ cho thuê đất) và tiền thuê đất đối với phần diện tích đất trồng cây cao su đã bồi thường Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam nhưng chưa thực hiện thu hồi. Ngoài ra, ngân sách sau này có thể được bổ sung từ thu lại tiền sử dụng đất đối với mặt bằng sạch để khai thác, sử dụng theo quy hoạch đã phê duyệt và khi sử dụng quỹ đất 21.000 ha quy hoạch vùng phụ cận sân bay và điều tiết tỷ lệ phân chia giữa trung ương với địa phương từ nguồn thu tiền sử dụng đất.

Với nhiều hạng mục dự toán có giá trị lớn trong báo cáo nhưng chỉ là ước tính, còn thiếu cơ sở tính toán như: Một số loại cây ăn quả (100 tỷ), một số loại cây cảnh (100 tỷ); hàng rào, cửa, cổng, đường dây điện…(200 tỷ); tài sản khác (134 tỷ)… Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ cần xác định cụ thể các hạng mục công việc để xác định chính xác chi phí.

Vũ Hân
.
.
.