Doanh nghiệp nội có thể thay thế facebook trong 5 – 7 năm tới?

Thứ Sáu, 17/11/2017, 18:21
Trả lời chất vấn của ĐB Triệu Thị Huyền về sự lấn lướt của các mạng xã hội nước ngoài, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: Việc facebook, youtube đang trở thành những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng lớn nhất toàn cầu, không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam, mà vấn đề của toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, chỉ có 1 số quốc gia có mạng xã hội chiếm ưu thế so với 2 nhà cung cấp này, như Trung Quốc (không sử dụng cả facebook và youtube), Hàn Quốc mạng xã hội nội địa chiếm ưu thế và Nga có phần mềm tìm kiếm riêng; còn lại, các quốc gia khác đều lệ thuộc rất lớn. 

 Bộ trưởng cũng cho biết không ít DN ở Việt Nam có tham vọng cạnh tranh với facebook và google. Năm 2008, Việt Nam có có bamboo, xalo, zingme... là những công cụ tìm kiếm đặt tham vọng có thể cạnh tranh với các nhà cung cấp lớn trên thế giới. Tuy nhiên, hoạt động được 1 thời gian thì bamboo và xalo đóng cửa do tiềm lực tài chính yếu, chỉ còn zingme, nhưng lượng truy cập rất thấp. Hiện nay, nhà phát triển zingme đã chuyển sang phát triển zalo, mạng xã hội của Việt Nam có lượng người sử dụng lớn nhất, nhưng vẫn rất thấp so với facebook và google.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, nếu có ưu tiên đồng bộ về tài chính, thuế, giảm bớt thủ tục, ưu tiên đảm bảo quản lý thông tin, hỗ trợ DN nội dung số trong nước phát triển thì mới có thể hình thành được hệ sinh thái số lớn mạnh ở Việt Nam, lúc đó mới có cơ sở để DN Việt Nam có thể thay thế được youtube, facebook trong 5-7 năm tới. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đây là vấn đề rất khó vì người sử dụng trong nước bị lệ thuộc vào mạng xã hội nước ngoài.

Việt Nam không có báo chí không chính thống

ĐB  Nguyễn Thị Kim Thúy

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về việc Bộ trưởng nhấn mạnh không dùng từ “báo chí chính thống” vì Việt Nam không có báo chí không chính thống, nhưng chính báo cáo gửi ĐBQH do Bộ trưởng ký lại dùng cụm từ này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã xin lỗi ĐB Thúy và thừa nhận chính ông cũng có thói quen sử dụng từ này.

“Đúng là trong báo cáo, chúng tôi có gọi tên chung là báo chí chính thống. Lâu nay, ta có thói quen dùng từ báo chí chính thống, vậy thì phải có báo chí không chính thống, mạng xã hội người ta cũng gọi luôn là báo chí. Chính bản thân tôi và những người trong ngành cũng dùng từ “báo chí chính thống” và không chính thống, lẫn lộn khái niệm, nên vi phạm của mạng xã hội cũng thành vi phạm của báo chí.

 Đề nghị nói đến báo chí là nói đến những cơ quan được cấp phép, có tôn chỉ mục đích hoạt động, phân biệt với các trang thông tin điện tử, mạng xã hội đưa thông tin không đủ tin cậy, không có cá nhân, tổ chức quản lý và chịu trách nhiệm về những thông tin trên đó. Nhân đây, tôi cũng nhắc bản thân mình và nhắc mọi người là có báo chí và mạng xã hội, chứ không có báo chí chính thống và không chính thống”. 


Vũ Hân