Bảo vệ chính nghĩa, nói lên sự thật là sứ mệnh cao cả của người làm báo

Chủ Nhật, 21/06/2020, 22:29
Tối 21/6, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2020), tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí quốc gia tổ chức trọng thể Lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV – năm 2019.

Tới dự Lễ trao giải có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Các đại biểu tham dự buổi lễ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.

Tới dự và chúc mừng những nhà báo xuất sắc đoạt các giải thưởng cao quý của Giải Báo chí quốc gia năm 2019 còn các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND; tham dự chương trình còn có các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các cơ quan báo chí…

Các đại biểu tham dự buổi lễ.

Phát biểu tại Lễ trao giải, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí quốc gia năm 2019 cho biết: Năm 2019, báo chí nói chung và nhất là các tác phẩm tham gia Giải Báo chí quốc gia đã tiếp tục phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước. Đó là: việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Đặc biệt, báo chí tuyên truyền về 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 65 chiến thắng Điện Biên phủ, 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, 30 năm xây dựng nhà giàn DK1 bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên biển; các nghị quyết, chính sách điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ, các hoạt động đối ngoại của Nhà nước Việt Nam;... việc xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giảm nghèo bền vững, an ninh năng lượng, v.v...

Đồng chí Thuận Hữu phát biểu tại buổi lễ.

Nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng tiếp tục được phản ánh đậm nét với cách tiếp cận đa chiều, như: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý cán bộ sai phạm; vấn đề an ninh, quốc phòng, gương người tốt việc tốt; phòng chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; cải cách hành chính, cơ chế quản lý kinh tế; khuyến khích thúc đẩy kinh tế tư nhân, sản xuất nông nghiệp sạch, xây dựng đô thị thông minh và các đề tài truyền thống về lịch sử, văn hóa,... Nhiều tác phẩm có tính phát hiện, phản biện sâu, bám vấn đề, có hiệu quả xã hội tích cực.

Cũng theo đồng chí Thuận Hữu, chất lượng các tác phẩm nhiều kỳ chiếm tỉ lệ ngày càng cao, cho thấy đề tài được đầu tư công phu, bài bản. Phát thanh, truyền hình có nhiều tương tác với công chúng hơn. Một số tác phẩm khai thác thế mạnh của internet khi làm chương trình, giúp công chúng có thể tham gia, tương tác.

Báo điện tử tiếp tục sử dụng hình thức thể hiện mới,… chất lượng báo chí các địa phương đã ngày càng được nâng lên, mặt bằng chất lượng chung các tác phẩm dự giải đồng đều hơn, nhất là sự vươn lên của các Hội nhà báo tỉnh, thành phố. Nhiều địa phương vùng khó khăn, miền núi, có tác phẩm đoạt giải, là điều đáng khích lệ. Nhiều tác phẩm có chất lượng nổi trội, thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng và trách nhiệm xã hội cao cả, kĩ năng nghề nghiệp tinh thông của người làm báo và tạo được hiệu quả xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao giải A cho các tác giả đoạt giải.

Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV năm nay thu hút hơn 1.700 tác phẩm dự Giải từ khắp nơi trên cả nước. Qua 14 năm thực hiện, đây là giải có số tác phẩm và đơn vị tham dự ở mức cao, cho thấy hiệu quả và sức thu hút của Giải đối với hoạt động báo chí. Công tác thu nhận tác phẩm, tổ chức chấm sơ khảo, chung khảo đã được tiến hành nghiêm túc theo Điều lệ Giải, khách quan, công tâm và chuyên nghiệp, trong điều kiện giãn cách xã hội, chống COVID-19. 

Hội đồng chung khảo đã chấm 140 tác phẩm tiêu biểu được chọn từ vòng sơ khảo và quyết định trao 9 giải A, 21 giải B, 41 giải C và 32 giải khuyến khích, theo 11 loại giải, cho những tác phẩm nổi trội nhất, có nội dung tư tưởng tốt, có tính phát hiện và tính chiến đấu cao, có sáng tạo trong cách thể hiện, nhất là sử dụng được những công nghệ làm báo tiên tiến.

Đại diện nhóm tác giả Báo CAND vinh dự nhận giải B.
Đồng chí Võ Văn Thưởng và đồng chí Nguyễn Thiện Nhân trao giải B cho các tác giả đoạt giải.

Báo Công an nhân dân và Truyền hình CAND (Cục Truyền thông CAND), Liên chi hội Nhà báo Bộ Công an có 3 tác phẩm đoạt giải, đó là giải B cho tác phẩm “Ma men cầm lái - Góc nhìn từ thực tiễn đến pháp lý” của nhóm tác giả Báo CAND: Trần Hằng, Phương Thủy, Minh Hiền, Xuân Trường; giải Khuyến khích cho tác phẩm “Chặn đứng, đập tan âm mưu các tổ chức mới chống phá Việt Nam” của tác giả Đặng Việt Hưng, Phó Trưởng Ban Thời sự - Chính trị, Báo CAND; giải C cho tác phẩm “Thảm kịch về miền đất hứa” của nhóm tác giả Truyền hình CAND: Nguyễn Thị Hồng, Bùi Anh Thơ, Nguyễn Xuân Đoài, Bùi Thị Diệu Thơm.

Loạt phóng sự “Ngăn chặn ma men cầm lái - Góc nhìn từ thực tiễn đến pháp lý” gồm 5 kỳ thể hiện năm khía cạnh khác nhau của vấn đề. Để có được 5 kỳ báo, nhóm tác giả Báo CAND đã thường xuyên đi cùng với lực lượng Cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ: xử lý lái xe say rượu, sử dụng ma tuý; chở quá tải; đi thực tế gặp các nạn nhân bị tai nạn giao thông và thân nhân của họ để đưa đến cho bạn đọc bức tranh rõ nhất về sự mất mát, đau thương do tai nạn giao thông gây ra. Ngoài ra, nhóm tác giả còn gặp các phạm nhân gây tai nạn để chính họ nói lên sự ân hận của mình. Vì thế, loạt phóng sự đã có những hiệu ứng tốt trong xã hội, có tính cảnh báo mạnh mẽ đối với những người đã và đang tham gia giao thông…

Đồng chí Trần Thanh Mẫn và đồng chí Phan Đình Trạc trao giải C cho các tác giả đoạt giải.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình và Đại tướng Lương Cường trao giải C cho các tác giả đoạt giải.

Với tác phẩm “Thảm kịch miền đất hứa”, nhóm tác giả Truyền hình CAND đã di chuyển vào Nghệ An, Hà Tĩnh ngay sau khi diễn ra sự kiện 39 người chết trong container tại Anh, lúc đó đoàn tác nghiệp là một trong những cơ quan báo chí đầu tiên có mặt ở đây. Hành trình đi qua tất cả những nơi có người đi xuất khẩu lao động ở dọc Nghệ An, Hà Tĩnh, nhóm tác giả đã đi tìm những gia đình có người thân mất tích, lần theo những câu chuyện, chia sẻ của họ để tìm ra những đường dây cò mồi.

Khó khăn nhất ở hành trình tác nghiệp chính là việc tiếp cận với các đường dây cò mồi, làm rõ những mánh khóe của chúng và ghi hình mà vẫn phải đảm bảo an toàn cho bản thân và những người đồng hành. Vượt qua những lời đe dọa, những khó khăn, điều kiện trong tác nghiệp, nhóm tác giả đã nỗ lực, quyết tâm và góp một góc nhìn chân thực nhất về thảm cảnh của những người đi xuất khẩu lao động chui.

Với vai trò nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội thì trách nhiệm của lực lượng CAND trên lĩnh vực đấu tranh với các tổ chức khủng bố, phản động, các thế lực thù địch; phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ngày càng nặng nề, khó khăn và thách thức. Các tác phẩm báo chí chống lại các thế lực thù địch cũng giữ một vị trí rất quan trọng. 

Tác phẩm 5 kỳ “Chặn đứng, đập tan âm mưu các tổ chức mới chống phá Việt Nam” đã góp phần lật tẩy bản chất, âm mưu phản động, sự chống phá điên cuồng manh động của các tổ chức, các đối tượng khủng bố, đồng thời cảnh báo người dân thấy rõ những thủ đoạn, chiêu trò của các thế lực thù địch, phản động, không để bị lợi dụng tham gia tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân.

Đồng chí Thuận Hữu và đồng chí Nguyễn Xuân Thắng trao giải Khuyến khích cho các tác giả đoạt giải.
Tác giả Đặng Việt Hưng, Phó Trưởng Ban Thời sự - Chính trị, Báo CAND vinh dự nhận giải Khuyến khích.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng đội ngũ những người làm báo Việt Nam nói chung, những nhà báo được trao Giải Báo chí quốc gia 2019 nói riêng; đồng thời khẳng định: Báo chí đã tích cực, chủ động, có nhiều đóng góp trong xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, phản ánh kịp thời, khách quan những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống, tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Báo chí cũng góp phần quan trọng nâng cao vị thế quốc tế và hình ảnh Việt Nam.

 “Giải Báo chí Quốc gia tôn vinh các nhà báo tiêu biểu, tôn vinh những giá trị căn bản của báo chí cách mạng, cũng là cách tốt nhất để phát triển báo chí. Giải Báo chí Quốc gia năm 2019 đã thu hút những tác phẩm báo chí chất lượng cao, có nội dung giá trị, hình thức thể hiện hấp dẫn, có sức lan tỏa xã hội cao, đóng góp tích cực vào sự tiến bộ của xã hội. Nhiều tác phẩm mang tính phát hiện, vừa phản ánh thực trạng bất cập, vừa đề xuất được các giải pháp thiết thực để khắc phục, trên nhiều lĩnh vực hoạt động. Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Giải nghiêm túc, bài bản, chuyên nghiệp, khách quan và công tâm, qua các khâu tuyển chọn, thẩm định kỹ lưỡng. Giải đã hội tụ các tác phẩm báo chí tiêu biểu nhất…” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Báo chí nằm trong nhóm ngành bị ảnh hưởng đầu tiên và mạnh nhất bởi công nghệ số, bởi công nghệ 4.0. Truyền thông mạng xã hội cũng đặt ra cho Báo chí chúng ta những thách thức to lớn. Báo chí cần làm gì để bạn đọc có được thông tin chính xác kịp thời, vừa có tính phản biện xã hội, vừa tạo dựng được sự đồng thuận và xây dựng niềm tin lẫn nhau?

“Báo chí Cách mạng thì lấy sứ mệnh của Cách mạng làm sứ mệnh của mình. Báo chí cần giữ vững tinh thần cách mạng, giữ gìn niềm tin của dân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, lan toả năng lượng tích cực đến mọi người dân, khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc, cùng thực hiện mục tiêu, khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng vào năm 2045”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ. 

Thủ tướng chỉ rõ: Báo chí nước nhà cùng với cách làm truyền thống, cần chủ động đi đầu trong chuyển đổi số, sử dụng công nghệ số để thay đổi cách làm báo, mô hình kinh doanh mới, tập trung hơn vào những ấn phẩm có nội dung khoa học, phân tích chuyên sâu. Đồng thời, Báo chí đóng vai trò lớn hơn dẫn dắt, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, giữ gìn bản sắc, phát triển văn hóa và con người Việt Nam…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Vấn đề quy hoạch lại báo chí, đề cao trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đề cao tính tự chủ của mỗi tờ báo đó là điều cần thiết và đúng đắn, nhưng còn một vế nữa cần nghiên cứu, hoàn thiện đó là xem xét cơ chế tài chính phù hợp để bảo đảm mỗi nhà báo, mỗi tờ báo ổn định thu nhập và an tâm thực hiện tốt sứ mệnh, tôn chỉ, mục đích của mình. Bảo vệ chính nghĩa, nói lên sự thật, đồng hành với lẽ phải và lên án cái xấu cái ác, chống lại sự phi nghĩa, đó là sứ mệnh cao cả của người làm báo…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ sự tin tưởng, lực lượng hùng hậu với hơn 25 nghìn hội viên - nhà báo đang làm việc trong các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý, đào tạo báo chí với bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn vững vàng sẽ ngày càng có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng, xứng đáng niềm tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. 

Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và Lễ trao Giải Báo chí quốc gia Lần thứ XIV - năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp ủy Đảng và chính quyền chú trọng tạo điều kiện cho các cấp hội để Hội Nhà báo Việt Nam phát huy tốt vai trò tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đoàn kết, tập hợp và bồi dưỡng chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho các hội viên - nhà báo trong cả nước; đồng thời chúc những người làm báo trong cả nước luôn luôn dấn thân, nhạy bén và tấm lòng trong sáng, vì nước, vì dân để tiếp tục có nhiều tác phẩm đi vào lòng người, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng và nhân dân.


M.Hiền - X.Trường
.
.
.