Sân cỏ V.League và giấc mơ World Cup của Việt Nam

Thứ Sáu, 19/11/2021, 07:20

Thất bại thứ 6 liên tiếp trước Saudi Arabia khiến giấc mơ World Cup xa vời với Việt Nam. Nhưng như HLV Park Hang Seo nhấn mạnh, lỗi không thể cứ mãi đổ lên đầu đội tuyển quốc gia, khi mà nền bóng đá Việt Nam vẫn kìm hãm lộ trình phát triển.

Hai trận đấu vừa qua trong khuôn khổ vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á gặp Nhật Bản và Saudi Arabia, mặt sân Mỹ Đình đã khá khẩm hơn rất nhiều. Giới truyền thông hai nước Nhật Bản và Saudi Arabia ít phàn nàn hơn hẳn về chất lượng mặt cỏ tại Mỹ Đình. Điều đó ghi nhận từ nỗ lực cải tạo mặt cỏ đầy sốt sắng của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao, LĐBĐ Việt Nam. Nhưng cái sự sốt sắng ấy chỉ thực sự xuất hiện khi giới truyền thông của Australia công khai chỉ trích chất lượng mặt sân quá tệ của Mỹ Đình hồi tháng 9.

Lúc bấy giờ, Australia xem mặt cỏ của Mỹ Đình chẳng khác nào một mặt ruộng chăn bò. Chất lượng mặt cỏ tệ hại là lý do khiến cho Australia và Việt Nam không thể chơi đúng sức. Như một cựu cầu thủ Việt Nam chia sẻ, cũng chính bởi chất lượng xuống cấp của sân Mỹ Đình mà Quang Hải bỏ lỡ cơ hội ghi bàn thắng ngay ở phút thứ 7 của Việt Nam. Vô hình trung, sự thiếu chuyên nghiệp trong công tác chăm sóc mặt sân tại Mỹ Đình, sau 2 năm đội không thi đấu vì dịch COVID-19 vô hình trung kìm hãm thành tích của đội tuyển Việt Nam.

quanghaicover1211.jpg -0
Mặt cỏ sân Mỹ Đình được đại tu sau những chỉ trích gay gắt của truyền thông Australia.

Chất lượng mặt cỏ của Mỹ Đình dù có được cải thiện. Nhưng hạng mục ở các phòng chức năng và đặc biệt là khán đài phục vụ cho khán giả vẫn xuống cấp. Hai trận đấu vừa qua, người hâm mộ Việt Nam cắn răng đến sân Mỹ Đình xem bóng đá trong bối cảnh phải trải qua nhiều công đoạn phụ trội, đặc biệt là phải đi xét nghiệm COVID-19. Vậy nhưng, chất lượng khán đài không tốt ảnh hưởng đáng kể đến việc được thưởng thức 2 trận bóng đá trình độ châu lục mà Việt Nam lần lượt gặp Nhật Bản và Saudi Arabia.

Hệ quả của quá trình sử dụng nguồn tiền sai cách, bất cập trong khâu quản lý thời gian dài ảnh hưởng trực diện đến bộ mặt của một sân bóng đá tầm cỡ quốc gia. Phải đến khi dư luận lên tiếng một cách gay gắt, sự “già nua” của một Mỹ Đình 20 năm tuổi mới được cải thiện đôi phần.

Sân quốc gia còn bức bối như vậy thì chẳng có lý do gì mà một sân địa phương lại không xảy ra những điều tiếng. Mới đây, sân bóng đá Hà Tĩnh vừa chình ình lên mặt báo. Lý do là thay vì tạo điều kiện cho CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tập luyện thì sân này lại được trưng dụng làm sân Golf chui cho một số đối tượng. Câu chuyện nực cười đến nỗi trong cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh và đại diện CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, một số lãnh đạo ngành thanh minh họ dùng sân bóng đá tập Golf vì Golf là môn thể thao mới nhằm nắm bắt để có thể… thị huấn môn thể thao này cho các cơ sở!

Trong bối cảnh Hải Phòng rục rịch chuẩn bị khai trương sân mới, SLNA, Nam Định đồng loạt làm lại mặt cỏ để chuẩn bị cho V.League thì bóng đá Hà Tĩnh vốn đã không có sân tập riêng lại còn bị cản trở trong điều kiện được tập sân chính bởi sự thiếu chuyên nghiệp nơi Sở VH-TT-DL của địa phương này. Sự thiếu đồng bộ trong phát triển đi lên của một nền bóng đá cứ xuất hiện hết năm này đến năm khác. Không CLB có vấn đề về tài chính thì một đội bóng khác gặp chuyện khó nói về cơ chế hoạt động. Thử hỏi, khi những CLB vốn là gốc rễ của bóng đá chuyên nghiệp còn lao đao trước sóng dữ thì ĐTQG làm sao có thể đủ tầm và đủ lực để hướng đến giấc mơ World Cup trong tương lai gần.

Việc ĐT Việt Nam dù nỗ lực nhưng vẫn thua tất cả các đội ở trong bảng đấu của Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 chỉ là bề nổi cho một chuỗi những nguyên nhân về sự non kém của một nền bóng đá dù đã chuyển mình chuyên nghiệp suốt 20 năm. Vậy nên, việc ĐTQG Việt Nam vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022 suy cho cùng là chiến tích của một thế hệ nổi cộm, chứ nó không thể đại diện cho thành công của một nền bóng đá cứ mất bò mới lo làm chuồng như Việt Nam.

Bóng đá Việt Nam không thể an ủi với AFF Cup

Nhà môi giới châu Âu – Jernel Kamensek cho rằng những thất bại của ĐT Việt Nam chỉ ra rằng ngay cả hai lứa cầu thủ được đầu tư căn bản nhất là 1995-1997 và 1997-1999 cũng chưa thể giúp Viêt Nam tạo nên những kỳ tích ở đấu trường châu Á chứ đứng nghĩ xa xôi là giấc mơ dự VCK World Cup. Ông cho rằng những gì mà 2 lứa cầu thủ này có được là cơ sở để những CLB, VPF, VFF và trung tâm bóng đá nhìn nhận một cách thấu đáo và phát triển theo đúng lộ trình.

“Chưa cần nói đến việc xuất ngoại ở nước ngoài, bóng đá Việt Nam cần phải có 10 lò đào tạo như HAGL, PVF, Viettel, Hà Nội… thì mới có thể hy vọng trong tương lai. Bên cạnh đó, lứa cầu thủ kế cận cho thế hệ hiện tại là U23 Việt Nam không được thi đấu thường xuyên ở V.League.

Đấy là chưa kể chúng ta còn không nhắc đến những bất cập khác về dinh dưỡng, điều kiện tập luyện… Các đội chuyên nghiệp còn thiếu sân chất lượng, thiếu bóng tiêu chuẩn để rèn giũa thì đừng nhắc đến các tuyến trẻ từ cấp độ U11, U13 được rèn giũa bài bản”.

Ông Kamensek khép lại: “Tôi biết rồi có thể câu chuyện này sẽ lại chìm xuống, nếu đội tuyển Việt Nam trở lại và thành công ở AFF Cup. Nhưng bóng đá Việt Nam không thể cứ mãi an ủi mình bằng chức vô địch Đông Nam Á được. Những vấn đề mà chúng ta đang trải qua và mục tiêu dự VCK World Cup trong tương lai cần phải nghiêm túc được bàn đến. Những câu chuyện thành công của Slovenia, Iceland, Slovakia… cần được xuất hiện ở Việt Nam”.

PV
.
.
.