Philippe Troussier: "Canh bạc" của tuyển Việt Nam?

Thứ Sáu, 27/01/2023, 07:54

Chọn HLV Philippe Troussier giống như chơi một canh bạc với tuyển Việt Nam. Bất chấp lý lịch hoành tráng, chiến lược gia người Pháp 67 tuổi người Pháp có thể sẽ gặp nhiều khó khăn ở một môi trường bóng đá đặc thù như Việt Nam.

Tiêu chí của VFF

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) hiểu rõ áp lực khi phải tìm người thay thế HLV thành công nhất lịch sử tuyển Việt Nam, Park Hang-seo. Tuy nhiên, chứng kiến sự chững lại của đội bóng áo đỏ trong 2 năm gần đây, VFF quyết định đội tuyển áo đỏ cần có sự thay đổi để tiến lên phía trước và chinh phục các mục tiêu cao hơn.

Chính vì vậy, VFF đưa ra các tiêu chí rất cụ thể cho người kế nhiệm HLV Park Hang-seo. Ngoài các tiêu chí cơ bản như bằng cấp, ngoại ngữ, VFF muốn HLV mới của tuyển Việt Nam từng tham dự World Cup và có kinh nghiệm làm việc tại các quốc gia châu Á trong quá khứ. Điều này phù hợp với mục tiêu lọt sâu vào vòng loại World Cup 2026 và tiến đến giành vé dự World Cup 2030 của tuyển Việt Nam.

HLV Philippe Troussier đáp ứng tất cả những yêu cầu của VFF một cách xuất sắc. Chiến lược gia 67 tuổi người Pháp từng dẫn dắt 20 đội bóng ở 11 quốc gia khác nhau trong sự nghiệp cầm quân kéo dài suốt 40 năm qua. Ông từng giúp tuyển Nhật Bản tạo kỳ tích tại World Cup 2002 và có thời gian dài gắn bó với bóng đá châu Á. Đặc biệt, Troussier là người quen của VFF. Ông từng làm giám đốc kỹ thuật của học viện bóng đá trẻ PVF trước khi trở thành HLV U19 Việt Nam từ năm 2019 đến năm 2021.

Trong số các bản hồ sơ VFF nhận được đến thời điểm này, không cái tên nào qua được Troussier. Trong khoảng thời gian ngắn làm việc ở Việt Nam, HLV người Pháp cũng kịp gây ấn tượng mạnh khi giúp U19 Việt Nam vượt qua vòng loại U19 châu Á 2020 bằng lối chơi hiện đại. Nổi bật nhất là trận hòa 0-0 với U19 Nhật Bản, vừa đủ giúp U19 Việt Nam giành vé với tư cách một trong 5 đội nhì bảng xuất sắc nhất.

Về lý thuyết, HLV Philippe Troussier rõ ràng là cái tên hoàn hảo để kế nhiệm Park Hang-seo. Chiến lược gia người Pháp có đầy đủ yếu tố để có thể thành công, từ danh tiếng, kinh nghiệm cho đến tài năng chiến thuật. Tuy nhiên, chọn Troussier vẫn là một canh bạc 50-50 với VFF và tuyển Việt Nam. Có rất nhiều vấn đề có thể khiến HLV 67 tuổi này gặp khó khăn khi tiếp quản đội bóng từ tay Park Hang-seo.

2.jpg -0
Ông Troussier là mẫu HLV hoàn toàn khác ông Park Hang-seo.

Canh bạc với tuyển Việt Nam

Đầu tiên, hồ sơ của Troussier chỉ đẹp trên giấy tờ. Thực tế, kinh nghiệm dự World Cup của ông đã diễn ra cách đây 20 năm. Ở giải đấu năm đó, tuyển Nhật Bản cũng không cần đá vòng loại bởi lẽ họ là đồng chủ nhà với Hàn Quốc.

Sau thành công vang dội ở Nhật Bản, Troussier liên tục thất bại từ Qatar, Marseille và Morocco. Đáng chú ý, Troussier đã bị Morocco sa thải chỉ sau 2 tháng vì bất đồng quan điểm. Trước đó, ông cũng phải rời Qatar và Marseille vì kết quả dưới yêu cầu.

Tiếp sau đó, Troussier tiếp tục gặp vấn đề ở FC Ryukyu (Nhật Bản) và CLB Thâm Quyến (Trung Quốc). Ông chính là HLV khiến Thâm Quyến trở thành CLB đầu tiên từng vô địch quốc gia trong lịch sử Trung Quốc phải xuống hạng. Vấn đề của Troussier tại đây là trẻ hóa đội hình bất chấp kết quả. Khi bị người hâm mộ chỉ trích, HLV người Pháp đáp trả bằng tuyên bố nếu ai không thích hoặc nghi ngờ ông thì… đừng đến xem Thâm Quyến thi đấu. Sau cùng, Troussier bị CLB Thâm Quyến sa thải vì bỏ mặc đội bóng để trở lại Pháp vào một “kỳ nghỉ định kỳ theo hợp đồng của ông”.

Sau Thâm Quyến, Troussier một lần nữa thất bại tại CS Sfaxien (Tunisia) và CLB Chiết Giang (Trung Quốc). Sự nghiệp của Troussier ngắt quãng 3 năm trước khi ông được PVF mời về làm giám đốc kỹ thuật. Nếu đánh giá chi tiết hành trình của Troussier, người ta có thể nói rằng ông đã “hết thời” từ 20 năm trước. Kể từ khi rời tuyển Nhật Bản, dấu ấn lớn nhất mà HLV người Pháp tạo ra ở các đội bóng ông làm việc là… tranh cãi với ban lãnh đạo, với liên đoàn và với người hâm mộ.

Tại Việt Nam, Troussier chỉ dẫn dắt đội trẻ không đặt nặng thành tích (U19) và không chịu áp lực như đội U23 hay ĐTQG. Thời gian làm việc thực tế của Troussier cũng bị cắt ngắn vì đại dịch, khiến các xung đột giữa ông và VFF cũng như các cầu thủ và giới mộ điệu không phát sinh. Câu chuyện sẽ hoàn toàn khác nếu HLV người Pháp cầm ĐTQG.

Ngoài ra, khác biệt văn hóa cũng là một dấu hỏi lớn. Nền tảng tạo nên thành công của HLV Park Hang-seo là sự gần gũi. HLV người Hàn Quốc thích nghi một cách đáng kinh ngạc với văn hóa bóng đá Việt Nam, thân thiết với các cầu thủ như người thân trong gia đình. Đây là điều một HLV châu Âu như Troussier khó lòng làm được.

Để thành công ở một đội bóng, đặc biệt là một ĐTQG thì chuyên môn chỉ là một phần. Phần còn lại liên quan đến các kỹ năng mềm mà không phải ai cũng có hoặc ai cũng hợp. Đây cũng có thể xem là lý do khiến HLV Troussier mát tay với các cầu thủ trẻ nhiều hơn. Ở cấp độ trẻ, chuyên môn là yếu tố quyết định vì không có quá nhiều vấn đề bất thành văn xung quanh.

Cuối cùng, triết lý chiến thuật được xem là trái ngược giữa Troussier và Park Hang-seo cũng có thể trở thành vấn đề lớn ở tuyển Việt Nam. Cần biết rằng tuyển Việt Nam đã thi đấu theo phong cách của HLV Park Hang-seo suốt 5 năm qua. Trường hợp thành công của HLV Gong Oh-kyun với U23 Việt Nam năm ngoái hoàn toàn khác. Ông Gong có thể áp đặt chiến thuật mới ngay lập tức vì lứa U23 này chưa chịu nhiều ảnh hưởng của ông Park. Với Troussier, nhiệm vụ sẽ nan giải hơn rất nhiều.

HLV Troussier từng bị Malaysia và Cameroon từ chối

Năm 2013, Troussier là ứng cử viên số 1 thay thế HLV huyền thoại của Malaysia, Rajagopal. Ông được cho là đã đạt thỏa thuận với Liên đoàn Bóng đá Malaysia và nhận mức lương lên đến 5 triệu MYR/1 năm (tương đương 1,5 triệu USD/1 năm). Tuy nhiên, hợp đồng giữa đôi bên bị hủy bỏ vào phút chót vì bất đồng giữa Troussier và các quan chức bóng đá Malaysia.

Đến năm 2018, Troussier là một trong 77 HLV nộp hồ sơ xin dẫn dắt tuyển Cameroon. Với kinh nghiệm làm việc ở châu Phi trước đây, Troussier rất tự tin sẽ được nhận việc. Thế nhưng, ông một lần nữa bị từ chối với lý do “không phù hợp”. Người trở thành HLV Cameroon sau đó là Clarence Seedorf.

Thành Trần
.
.
.