Được, mất gì khi V.League thi đấu như Ngoại hạng Anh?

Thứ Sáu, 17/06/2022, 07:05

Tại Hội nghị Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lần thứ 10 khóa VIII, VFF đã hé mở bản kế hoạch dự kiến tổ chức V.League vắt qua 2 năm như Premier League, La Liga... Đây có thể là bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi của V.League nhưng cũng khiến bóng đá Việt Nam buộc phải từ bỏ những quan niệm xưa cũ.

Học theo người Thái

Từ trước đến nay, các mùa giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thường gói gọn trong 1 năm dương lịch. Việc này diễn ra trong nhiều năm, khi Việt Nam còn ở vùng trũng của bóng đá thế giới. Các giải vô địch quốc gia Việt Nam, cũng như đội tuyển thường thi đấu ở "một vũ trụ khác", nằm ngoài hệ thống lịch của FIFA.

Sau 2 thập niên lên chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam giờ đây đã rất khác trước kia. V.League dần trở thành điểm đến của những ngoại binh chất lượng, chứ không chỉ tiếp nhận một vài ông "Tây ba lô" không tên tuổi nữa. Ở chiều ngược lại, chúng ta bắt đầu có cầu thủ xuất ngoại, và đội tuyển quốc gia dần tiệm cận trình độ đối thủ trong châu lục.

15 năm trước, bầu Đức thành lập Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG với nguyện vọng chứng kiến đội tuyển Việt Nam bắt kịp Thái Lan. Đến thời điểm này, bóng đá Việt Nam có quyền nhìn đến những mục tiêu cao hơn, xa hơn người Thái. Những điểm số, cũng như chiến thắng ở vòng loại thứ 3 World Cup là minh chứng cho điều đó.

Để phát triển vững mạnh trong dài hạn, bóng đá Việt Nam, bao gồm cả đội tuyển quốc gia và các CLB cần có một nền tảng chắc chắn, cụ thể là V.League. Về điểm này, Thái Lan và Thai League đã đi trước Việt Nam một bước trong việc tổ chức các giải bóng đá vô địch quốc gia vắt qua 2 năm dương lịch như La Liga hay Premier League.

Với người Thái, COVID-19 là thách thức nhưng cũng là cơ hội giúp cho nền bóng đá của quốc gia này chuyển dịch theo hướng chuyên nghiệp hơn. Đến năm 2019, Thai League vẫn tổ chức gói gọn các giải đấu trong 1 năm dương lịch. Nhưng khi dịch bệnh ập tới, mùa giải Thai League 2020 không thể khép lại vào tháng 10 như dự kiến.

Trước tình hình đó, Thai League quyết định kéo dài giải đấu sang tháng 3/2021. Họ đổi tên giải đấu thành Thai League 2020/21, đồng thời thông báo một quyết định bước ngoặt khác. Giải vô địch quốc gia Thái Lan giờ đây sẽ thi đấu vắt qua 2 năm dương lịch. Đó là tiền thân để Thai League 2021/22 và 2022/23 ra đời.

anh1.jpg -0
Từ trước đến nay, các mùa giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thường gói gọn trong năm dương lịch.

So với lịch thi đấu cũ gói gọn trong 1 năm dương lịch, lịch đấu này có khá nhiều ưu điểm. Một trong số đó là việc thị trường chuyển nhượng của Việt Nam sẽ tương đồng với các giải đấu hàng đầu châu Âu, cũng như phân bổ đều số trận đấu của CLB theo đội tuyển quốc gia đúng như lịch đấu quốc tế của FIFA.

Giống như Boxing Day của Premier League, những người làm bóng đá tại Việt Nam có quyền mơ về một nét văn hóa mới được hình thành khi lịch thi đấu điều chỉnh. Ở đó, cổ động viên sẽ đi xem bóng đá vào dịp năm mới thay vì đi du lịch, vui chơi giải trí. Đó sẽ là trải nghiệm thú vị với những ai thực sự đam mê bóng đá.

Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam dần hội nhập với quốc tế, cầu thủ Việt Nam bước đầu tìm hướng xuất ngoại, việc V.League đồng bộ lịch thi đấu với Premier League, La Liga... sẽ giúp chúng ta đến gần hơn với những nền bóng đá hàng đầu. Ví von một cách vui nhộn, ở góc độ nào đó, nếu điều này được thực hiện sớm hơn, Quang Hải có thể không phải chịu cảnh thất nghiệp trong lúc tìm đường sang châu Âu chơi bóng như hiện tại.

Thay đổi thói quen cũ

Khi V.League chuyển sang lịch thi đấu như Premier League, một trong những việc đầu tiên cầu thủ, HLV Việt Nam sẽ phải làm quen là ăn Tết xa nhà. Lịch thi đấu mới giúp cầu thủ không phải thi đấu dưới tiết trời oi bức 35-40 độ của mùa hè, nhưng bù lại, mùa đông và dịp cuối năm sẽ dày đặc những trận đấu phục vụ người hâm mộ.

Tại châu Âu, cầu thủ đã quen thi đấu trong dịp Giáng sinh hay mừng năm mới. Những trận đấu trong ngày Boxing Day còn trở thành một nét văn hóa độc đáo của Premier League. Nhưng với Việt Nam, chỉ có một vài người có cơ hội tập luyện, thi đấu bóng đá dịp lễ Tết giống như những đồng nghiệp châu Âu.

Thành viên đội tuyển quốc gia như Hùng Dũng, Quang Hải... là những người đầu tiên có cơ hội trải nghiệm một cái Tết xa nhà của cầu thủ bóng đá. Ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á vừa qua, họ phải ra sân tập luyện chiều 30, rồi thi đấu giữa cái lạnh Hà Nội ngày mùng 1 Tết. Đó là điều những cầu thủ khác sắp trải qua.

Một thói quen khác bóng đá Việt Nam cần thay đổi là thời gian tập trung, tổ chức các sự kiện ở quy mô khu vực. Trước đây AFF Cup thường diễn ra vào cuối năm nhưng trong bối cảnh 2 giải vô địch quốc gia hàng đầu Đông Nam Á là Thai League và V.League thi đấu mùa đông, giải đấu này nhiều khả năng sẽ chuyển sang mùa hè. Lịch tập trung đội tuyển chuẩn bị cho SEA Games, U23 châu Á, Asian Cup... cũng phải thay đổi theo AFC.

Một trong những điểm thuận lợi cho Việt Nam khi thay đổi lịch thi đấu là số CLB tại các giải vô địch quốc gia còn khá ít. Hiện tại Thái Lan có tới 109 đội ở 3 hạng đấu cao nhất, gồm 16 đội Thai League 1; còn Việt Nam chỉ có 40 đội, gồm 13 đội V.League 1. Quy mô tinh gọn hơn phần nào giúp cho bóng đá Việt Nam và V.League dễ chuyển mình hơn.

An Khánh
.
.
.