Doping và bài học đắt giá cho thể thao Việt Nam
Danh tính 5 vận động viên của thể thao Việt Nam dính doping tại SEA Games 31 đã được công bố trước thềm lễ khai mạc SEA Games 32. Một bài học lớn mà thể thao Việt Nam cần rút ra.
Liên đoàn điền kinh Việt Nam xác nhận ở cuộc họp của Hội đồng thể thao Đông Nam Á hôm 4/5 đã công bố danh tính các vận động viên dính doping tại SEA Games 31. Đó là 5 tuyển thủ điền kinh gồm: Quách Thị Lan (huy chương vàng 400m rào, huy chương vàng tiếp sức 4x400m, huy chương đồng 400m), Khuất Phương Anh (huy chương vàng 800m, huy chương bạc 1.500m), Vũ Ngọc Hà (huy chương vàng nhảy xa, huy chương bạc nhảy 3 bước), Hoàng Thị Ngọc (huy chương vàng tiếp sức 4x400m) và Lê Ngọc Phúc (huy chương bạc 400m, huy chương bạc tiếp sức 4x400m).
Tại SEA Games 31, đoàn thể thao Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn với tổng cộng 446 huy chương, trong đó có 205 huy chương vàng, 125 huy chương bạc và 116 huy chương đồng. 5 vận động viên dinh doping sẽ đối mặt với án phạt và tước huy chương. Thành tích của đoàn thể thao Việt Nam sẽ bị giảm đi. Đây là câu chuyện buồn mà thể thao Việt Nam phải đối mặt, có thể ảnh hưởng tâm lý không nhỏ đến các vận động viên chuẩn bị bước vào tranh tài tại SEA Games 32.
Trước đó, ông Đặng Hà Việt – Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 đã trao đổi với báo chí: “Việc có trường hợp vận động viên thể thao Việt Nam dính doping tại SEA Games 31 là một cú sốc với chúng ta. Thể thao Việt Nam không bao giờ cho phép cũng như ủng hộ việc sử dụng thuộc và các phương pháp từ đó dính doping đối với các vận động viên. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tìm hiểu kỹ càng nguyên do vì sao vận động viên dính doping và nguồn cơn nào khiến mẫu thử có dương tính với chất cấm”.
Trong quá khứ, thể thao Việt Nam từng chứng kiến những vận động viên đã gián đoạn sự nghiệp vì doping. Tại SEA Games 22, 4 vận động viên Việt Nam là Hồng Anh (canoeing), Phạm Thị Dịu (lặn), Toàn Thắng (lặn), Mai Quỳnh (điền kinh) dính doping, bị tước huy chương và bị cấm thi đấu 2 năm. Hoàng Anh Tuấn, người từng giành Huy chương bạc tại Olympic Bắc Kinh 2008 bị phát hiện dương tính với chất Oxilofrine tại giải vô địch thế giới năm 2010.
Tại giải vô địch thể hình châu Á vào tháng 7.2008, mẫu thử của Nguyễn Thị Mỹ Linh dương tính với Furosemide - một chất nằm trong danh mục bị cấm. Ngân Thương tại Olympic 2008 ở Bắc Kinh (Trung Quốc), kết quả kiểm tra doping của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho thấy mẫu thử của Ngân Thương dương tính với Furosemide - một chất lợi tiểu có tác dụng khiến cơ thể không tích nước, dẫn đến giảm cân.
Ông Dương Đức Thuỷ - Nguyên cán bộ phụ trách môn điền kinh (Vụ thể thao thành tích cao I, Tổng cục TDTT) đã nêu quan điểm: “Huấn luyện viên là người hướng dẫn từ những bước đầu tiên, từ chọn giày đến quần áo. Do đó, người thầy phải truyền thụ và giám sát được các học trò. Tất cả kiến thức từ ăn uống đến tâm lý đều cần phải nhắc nhở các em, tránh việc chủ quan. Trong trường hợp này nếu vận động viên điền kinh dính doping, vận động viên là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm, và người thứ hai là huấn luyện viên. Họ sẽ bị liên đới. Đôi khi nếu nặng thì huấn luyện viên có thể bị cấm hoàn toàn khỏi hoạt động thể thao. Đó là lời cảnh tỉnh cho huấn luyện viên và vận động viên”.
Thể thao Việt Nam có 702 tuyển thủ dự SEA Games 32 lần này tại Campuchia, công tác về phòng, chống doping được triển khai rất kỹ lưỡng thông qua việc giáo dục ý thức, trang bị kiến thức cho các tuyển thủ, huấn luyện viên ở các đội tuyển thể thao quốc gia. Với trường hợp vận động viên chấn thương nếu phải sử dụng thuốc cần được xem xét làm hồ sơ miễn trừ, đảm bảo an toàn khi sử dụng các biện pháp điều trị. Vận động viên và huấn luyện viên phải thực hiện đầy đủ yêu cầu, quy định về việc phòng, chống doping.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 17/2015/TT-BVHTTDL (ngày 30.12.2015) để Quy định về phòng chống doping trong hoạt động thể thao tại Việt Nam. Đây là Thông tư để nhà quản lý dựa vào từ đó thực hiện các bước xử lý với các trường hợp vận động viên thể thao dính doping. Thêm một bài học đắt giá cho thể thao Việt Nam. Điều mà chắc chắn chúng ta không được mắc lại ở SEA Games 32.
2 vận động viên Việt Nam lọt top 8 ngôi sao đáng xem
AFP Sport lựa chọn một số ngôi sao được kì vọng sẽ tỏa sáng ở sự kiện thể thao lớn nhất Đông Nam Á - SEA Games 32. Việt Nam có hai đại diện góp mặt, đó là Nguyễn Thị Tâm và Nguyễn Thị Oanh.
AFP đánh giá cao Nguyễn Thị Tâm sau khi cô giành huy chương bạc tại giải nữ vô địch thế giới tại Ấn Độ hồi tháng 3, hạng dưới 50kg.
Cái tên tiêu biểu thứ hai của Việt Nam do AFP đánh giá là Nguyễn Thị Oanh. Chân chạy 27 tuổi này đã giành được ba huy chương vàng tại SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà lần trước, ở nội dung chạy 1.500m, 5.000m và 3.000m.
Đầu năm 2023, Nguyễn Thị Oanh gây bất ngờ khi giành huy chương vàng 1.500m tại giải điền kinh trong nhà châu Á tại Kazakhstan."