Vấn đề V.League: Quân cờ trọng tài & Cuộc chơi quyền lực

Thứ Sáu, 03/03/2017, 07:54
Dư luận chia năm xẻ bảy sau khi VPF quyết định can thiệp vào công tác trọng tài, khiến quyền sinh quyền sát của ông Trưởng ban Trọng tài quốc gia Nguyễn Văn Mùi không còn được giữ ở thế "độc tôn" như trước nữa.

Cụ thể, sẽ có một tổ phản biện bao gồm Phó Chủ tịch VPF Phạm Ngọc Viễn, Tổng Giám đốc VPF Cao Văn Chóng, Trưởng Ban tổ chức V.League Nguyễn Minh Ngọc xem xét danh sách trọng tài được Ban trọng tài đề xuất ở mỗi vòng đấu, và trên cơ sở xem xét, phân tích, phản biện đó, danh sách này mới chính thức được thông qua. 

Có người bảo, làm như thế là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc "độc lập, khách quan" của Ban trọng tài Quốc gia. Nhưng lại có người bảo: "Bây giờ VPF mà không nhảy vào cũng không được, vì nếu cứ để Ban trọng tài "độc lập, khách quan", rồi để xảy ra hàng loạt sự cố như những vòng đấu vừa qua thì loạn to".

Cuộc họp Hội đồng quản trị VPF mới đây đã đưa ra những quyết sách, ảnh hưởng tới thế "độc tôn" kéo dài của Ban trọng tài.

Một thành viên VPF thì nói nhỏ với người viết: "Thực lòng, chúng tôi cũng chẳng muốn tham gia công việc này làm gì. Nhưng thời gian vừa rồi, chúng tôi thấy có nhiều trọng tài mắc lỗi ở vòng trước, thế mà ngay vòng sau vẫn được phân công làm nhiệm vụ, khiến cho dư luận, các nhà chuyên môn ức chế. Ức, nhưng vẫn không thể can thiệp, tác động gì, mà chỉ còn nước ngậm bồ hòn làm ngọt mà thôi".

Đúng là về lý, công tác trọng tài, bao gồm việc đào tạo, tập huấn, phân công trọng tài trong các trận đấu ở các giải đấu phải toàn quyền thuộc về Ban trọng tài với ông Nguyễn Văn Mùi là Trưởng ban. Nhưng khi cái sự độc lập, độc tôn ấy đã và đang dần dần biến Ban trọng tài thành một "ốc đảo quyền lực", có những biểu hiện khiến cuộc chơi mất đi tính công bằng thì phải xem xét lại vấn đề từ nhiều phía. 

Trong các phía đó ai cũng nhìn ra một phía, đó là những cái sai của các trọng tài thời gian qua phần lớn đều khiến lợi thế hoặc là thuộc về các đội bóng nhà giàu, hoặc là những đội bóng có những quan hệ đặc biệt với cấp trên của Ban trọng tài ở VFF. 

Thế mới có người bảo, khi phân công trọng tài, chính Ban trọng tài cũng hay liếc mắt qua cấp trên của mình để nghe ngóng, và khi xử lý các sự cố trọng tài, cái "liếc mắt", nghe ngóng ấy cũng tất yếu diễn ra.

Có nghĩa, sâu xa của vấn đề không hẳn nằm ở Ban trọng tài, mà nằm ở một nhánh quyền lực nào đó phía sau Ban trọng tài. Những tấn công dữ dội của ông bầu, Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức vào ông Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi có lẽ cũng để nhắm tới nhánh quyền lực này. Việc VPF phải trực tiếp vào cuộc, can thiệp tới công tác phân công trọng tài có lẽ cũng để nhắm tới nhánh quyền lực này.

Thực tế này khiến người ta nhớ tới mùa giải 2012, mùa giải đầu tiên mà Ban trọng tài thay mặt Hội đồng trọng tài điều hành vấn đề trọng tài V.League. Mùa giải ấy thật lạ là hàng loạt sai số của trọng tài thường khiến các đội bóng của bầu Kiên, bầu Đức - những nhân vật "hét ra lửa" ở VPF thời điểm ấy hưởng lợi. 

Trao đổi với người viết lúc đó, một trọng tài nói rất thành thật: "Các ông bầu ấy chẳng bao giờ chỉ đạo tụi tôi phải bắt có lợi cho đội bóng của các ông cả. Nhưng quyền lực của các ông ấy bao trùm như thế, nên thú thật là khi ra sân, bắt những trận đấu có đội bóng của các ông ấy, thấy các ông ấy ở trên ghế VIP, chúng tôi không tránh khỏi phân vân. Ngay cả khi chúng tôi bắt đúng, nhưng cái đúng ấy gây bất lợi cho đội bóng của các ông ấy, năm sau các ông ấy không mời chúng tôi làm nữa thì sao?".

Thời điểm ấy, những đội bóng thường xuyên gặp bất lợi từ các quyết định của các trọng tài như Hà Nội T&T, SHB.Đà Nẵng... đã bức xúc tột độ. Lãnh đạo SHB.Đà Nẵng thậm chí đã làm công văn hoả tốc gửi VFF đòi "phải dừng ngay V.League lại".

Chuyện ở mùa giải 2012 và chuyện hiện tại - mùa giải 2017 cho thấy, bằng nhiều cách khác nhau, quyền lực V.League có vẻ đã được chuyển đổi từ nhánh nọ và nhánh kia, và có vẻ cái Ban trọng tài với một bộ phận các ông trọng tài xứ mình cũng rất giỏi trong việc "ngửi" quyền lực để biết trong mỗi thời điểm thì phải ngó nghiêng, ứng xử như thế nào.

Các ý kiến đánh vào trọng tài vì thế chỉ là bề nổi. Sâu xa ra là người ta dùng "quân cờ trọng tài" để "đấu" nhau?/

Ghế Trưởng ban có gì?

Hội nghị Ban Chấp hành VFF năm ngoái, khi ý tưởng sa thải ông Nguyễn Văn Mùi được đưa ra, và ai cũng nghĩ chuyện ông phải ra đi chỉ còn là vấn đề thời gian thì bất ngờ thay cuộc bỏ phiếu kín lúc đó lại giúp ông Mùi có tới 16 phiếu thuận, chỉ có 5 phiếu trống. 

Có nghĩa, ở phía ngoài dù nhiều đội bóng liên tục phê phán công tác trọng tài nhưng khi phải đứng trước các lựa chọn mang tính quyết định thì phần lớn lại bênh ông Trưởng ban Trọng tài chằm chặp. 

Bầu Đức đã giải mã nghịch lý này rằng: "Tất cả vì lợi ích nhóm chồng chéo lẫn nhau". Bây giờ thì Ban trọng tài và ông Trưởng ban Nguyễn Văn Mùi lại phải nhận những chỉ trích nặng nề. 

Có thể một lần nữa ông Mùi lại "thoát nạn", nhưng điều mà người ta đặt ra là xét cho cùng, cái ghế Trưởng ban trọng tài có gì mà ông Mùi vẫn nhất nhất ngồi ghế, bất chấp việc đã nhận phải những la ó, chỉ trích dữ dội hết năm này đến năm khác?

Phan Đăng
.
.
.