Trước thềm AFF Suzuki Cup 2016: Thầy nội lên ngôi

Thứ Sáu, 18/11/2016, 09:19
Đã có thời bóng đá Đông Nam Á tràn ngập các ông thầy ngoại. Nhưng có vẻ cái thời đó đã lùi xa trong quá khứ. Hiện tại, các đội tuyển Quốc gia Đông Nam Á đã hiểu về tầm quan trọng của thầy nội và sẵn sàng trao cơ hội cho thầy nội.

Trong số 4 đội bóng ở bảng A, gồm chủ nhà Philippines, Indonesia, Thái Lan, Singapore, chỉ có 2 đội đầu tiên đang được dẫn dắt bởi thầy Mỹ và thầy Áo. Với Philippines, kể từ khi thực hiện chính sách nhập tịch ồ ạt, và đưa nhiều cầu thủ gốc Phi đang thi đấu tại châu Âu về nước thì việc dùng thầy ngoại là điều bắt buộc. Bởi đơn giản là họ không thể "bói" đâu một thầy trong nước có đủ năng lực dẫn dắt một đoàn quân tứ xứ.

Thoạt tiên, Philippines trọng dụng thầy Đức Michal Weiss, và dưới sự dẫn dắt của Weiss, đội tuyển Philippines từng đánh bại chính Đội tuyển Việt Nam để vào bán kết AFF Suzuki Cup 2012. Tuy nhiên, sau khi Weiss không thể giúp Philippines vượt qua cái ngưỡng bán kết thì Weiss đã phải nhường chỗ cho thầy Mỹ - Thomas Dooley.

AFF Cup 2014, ông Dooley từng dẫn đội tuyển Philippines tới Việt Nam dự giải nhưng rốt cuộc vẫn chỉ vào được bán kết rồi... thôi. Trong tư cách đồng chủ nhà AFF Cup năm nay, Đội tuyển Philippines đặt tham vọng đi xa hơn vòng bán kết, và nếu mục tiêu này không thành, khả năng tại vị của ông Thomas là rất mong manh.

Trong khi đó, sau khi được FIFA tháo bỏ lệnh cấm, Đội tuyển Indonesia lại quay về với "người quen" Alfred Riedl - người đã từng giúp đội tuyển Indonesia vào chung kết AFF Cup 2010, nhưng trên tư cách HLV trưởng đội tuyển Indo và Việt Nam trước đây, có vẻ vị trí á quân đã trở thành một cái ngưỡng định mệnh - một cái ngưỡng khó vượt đối với nhà cầm quân người Áo.

Chuyên gia thể lực Martin đã giúp thể trạng các tuyển Việt Nam được cải thiện khá nhiều. Ảnh: NĐ.

Hai Đội tuyển còn lại là Thái Lan và Singapore trước đây cũng có truyền thống sử dụng những ông thầy ngoại. Nhưng đến lúc này, với sự chín chắn của dàn HLV nội, và với việc "làn sóng thầy ngoại đã bão hoà", hai nền bóng đá này quay lại sử dụng "cây nhà lá vườn".

Nếu Singapore chưa thật sự thành công với phương án này thì trái lại, đội tuyển Thái Lan dưới trào Kiatisak đã chứng tỏ rõ sức mạnh của mình tại đấu trường châu lục. Có thể tin rằng, bất chấp kết quả của đội tuyển Thái Lan tại AFF Cup năm nay, cái ghế của "Sắc" ở Đội tuyển Thái luôn được đảm bảo một cách chắn chắn.

Nhìn sang bảng B sẽ thấy trong số 4 đội Myanmar, Việt Nam, Malaysia, Campuchia, chỉ có duy nhất chủ nhà Myanmar là sử dụng thầy ngoại. Ông thầy người Đức Gerd Zeise từng giúp đội tuyển U.19 Myanmar vào bán kết giải vô địch U.19 châu Á trên sân nhà 2 năm trước, qua đó giành vé dự U.20 thế giới. Ông Zeise trước đây cũng từng dẫn dắt CLB SBH. Đà Nẵng tham dự V.League, nhưng nhanh chóng mất ghế vì không hợp với môi trường bóng đá Việt Nam.

Với sự dẫn dắt của Zeise, ĐT Myanmar đặt mục tiêu ít nhất cũng phải vào đến bán kết AFF Cup năm nay. Tuy nhiên, nhìn vào chuỗi thành tích tập huấn không mấy sáng sủa, cộng thêm những "áp lực ngược" từ vị thế chủ nhà mà đội bóng này hay gặp phải (điển hình như lần không qua nổi vòng bảng SEA Games 27, ngay trên sân của mình), có thể thấy nhiệm vụ của Zeise là không dễ dàng.

Hai đội bóng còn lại ở bảng B là Việt Nam, Malaysia từng có thời gian tôn sùng các ông thầy châu Âu, và rất nhiều các ông thầy quốc tịch Anh, Đức... đã được mời về, nhưng đến lúc này đều đã trở lại các phương án nội. Với Malaysia, sau khi Đội tuyển U.23 Quốc gia vô địch SEA Games năm 2009 dưới sự dẫn dắt của thầy nội Rajagobal thì việc các thầy nội nối tiếp cầm Đội tuyển đã được xác định là một nhiệm vụ chiến lược.

Còn với Đội tuyển Việt Nam, sau thất bại của thầy ngoại Toshiya Miura thì sự vào cuộc của thầy nội Nguyễn Hữu Thắng được xem là một phương án không thể tốt hơn.

Từ chỗ luôn tràn ngập các ông thầy châu Âu, Nam Mĩ, AFF Cup năm nay chỉ còn lại 3 ông thầy ngoài khu vực. Và cứ với đà vận động này, không loại trừ khả năng sau khi kết thúc giải đấu, số lượng thầy ngoại còn tiếp tục giảm đi. Sau quá nhiều va chạm với thầy ngoại, hơn lúc nào hết, các nền bóng đá mạnh trong khu vực hiểu rằng: chỉ có thầy nội mới thực sự hiểu cầu thủ nội, và chỉ có thầy nội mới có thể giúp Đội tuyển của mình đi xa?

Đội tuyển Việt Nam tại Myanmar: Mổ băng và tập kín

Hôm qua là ngày đặc biệt nhất của Đội tuyển Việt Nam kể từ khi đặt chân tới Myanmar. Buổi sáng HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng đã cùng các học trò "mổ băng" các trận đấu và các tình huống đáng chú ý của Đội tuyển Myanmar, Malaysia, Campuchia, từ đó phân tích rõ điểm yếu, điểm mạnh của đối thủ.

Sau khi "mổ băng", HLV Hữu Thắng đặc biệt nhấn mạnh đến 2 điều: thứ nhất, đã vào tới đây trình độ các đội là khá cân bằng, do vậy các cầu thủ tuyệt đối không được chủ quan. Thứ hai, không nên nghĩ quá nhiều tới bán kết hay chung kết, mà hãy thực tế với phép tính "từng trận một".

Buổi chiều Đội tuyển tập kín - lần tập kín đầu tiên kể từ khi tới Myanmar, và theo một lãnh đạo VFF thì đây không chỉ là cách "giấu bài", mà quan trọng là để các cầu thủ duy trì sự tập trung cao độ.

Cũng giống như Việt Nam, các đội Myanmar, Malaysia cũng chủ trương tập kín, chỉ cho báo giới tác nghiệp trong khoảng 20 phút khởi động đầu tiên.

Ngọc Anh


“Tràn ngập” các trợ lý ngoại

Không ưu tiên sử dụng HLV ngoại nhưng những Đội tuyển mạnh Đông Nam Á hiện nay lại sử dụng khá nhiều các trợ lý ngoại. Nhìn vào Đội tuyển Thái Lan, ai cũng thấy có một đội ngũ chăm sóc sức khoẻ lên tới gần chục người, trong đó có những chuyên gia thể lực, chuyên gia hồi phục sau trận đấu đến từ châu Âu.

Khi sang Việt Nam đá vòng loại thứ 2 World Cup 2018, trả lời báo giới Việt Nam, HLV trưởng đội tuyển Thái Lan Kiatisak cho biết, sự đóng góp của những trợ lý ngoại này là cực kỳ quan trọng.

Đội tuyển Việt Nam hiện nay cũng có một chuyên gia thể lực người Đức - ông Martin Forkel. Theo các cầu thủ Đội tuyển thì những bài tập thể lực hiện đại, phong phú của ông Martin đã giúp sức mạnh, sức bền của họ được cải thiện đáng kể.

Tuấn Thành

Hiếu Hà
.
.
.