Thầy Park còn quan tâm cầu thủ Việt kiều?

Thứ Tư, 19/05/2021, 08:19
Huấn luyện viên Park Hang-seo từng muốn chọn các cầu thủ Việt kiều thi đấu ở các nền bóng đá phát triển để làm mới đội tuyển Việt Nam.


Đầu năm 2019, khi chuẩn bị cho Vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, huấn luyện viên Park Hang-seo đặc biệt quan tâm đến các cầu thủ Việt kiều. Từ thành công của thủ môn Đặng Văn Lâm, ông Park muốn tăng cường sức mạnh và làm mới đội tuyển Việt Nam bằng các cầu thủ Việt kiều.

Ông đã được Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tạo điều kiện tìm hiểu các cầu thủ Việt kiều đang thi đấu ở nước ngoài. Thời điểm đó, huấn luyện viên Park Hang-seo đã có trong tay hồ sơ của 8 cầu thủ Việt kiều. Trong đó phải kể đến: Tiền đạo Alexander Đặng  (Na Uy), thủ môn Filip Nguyễn (Czech), trung vệ Adriano Schmidt (Hải Phòng), tiền vệ Martin Lô (PVF), Pedant Quang Vinh (đang chơi cho đội Sochaux ở giải hạng Hai của Pháp)...

Ông Park cũng trực tiếp sang châu Âu xem một số cầu thủ thi đấu trước khi đưa ra quyết định triệu tập cho đội tuyển Việt Nam. Sau chuyến đi Na Uy kiểm tra chân sút Alexander Đặng thi đấu, ông Park đã rút ra kết luận rằng: Các cầu thủ Việt kiều không nói được tiếng Việt, dù có bố hoặc mẹ người Việt. Họ sinh ra ở nước ngoài, không hiểu văn hoá Việt Nam. Họ còn dòng máu Việt Nam nhưng suy nghĩ, thói quen là công dân nước ngoài.

Đặng Văn Lâm là cầu thủ Việt kiều hiếm hoi thành công ở đội tuyển Việt Nam. Ảnh: ST

Từ cách tư duy, suy nghĩ không phải của người Việt Nam khiến tôi cũng hơi nghi ngờ. Nếu ngôn ngữ bất đồng, tư duy khác biệt thì hoà nhập thế nào? Và vấn đề quan trọng ở đây là nếu cầu thủ thực sự tài năng, vượt trội hơn cầu thủ Việt Nam thì chúng ta cần họ nhưng nếu trình độ chỉ ngang ngang thì chúng ta cần suy nghĩ thấu đáo.

Những nhận xét của ông Park đã phản ánh đúng hiện tại. Suy cho cùng, một cầu thủ có mang trong mình dòng máu Việt Nam nhưng nếu khác biệt về văn hóa, tư duy cũng chẳng khác gì những ngoại binh ở V.League. Trong khi đó, một số cầu thủ nhập tịch ở V.League, sống và lập gia đình ở Việt Nam còn am hiểu văn hoá bản địa hơn. Tuy nhiên, việc đưa các cầu thủ nhập tịch lên đội tuyển Việt Nam vẫn là vấn đề nhạy cảm.

Bóng đá Việt Nam trên đường phát triển lên chuyên nghiệp, việc đưa cầu thủ nhập tịch, Việt kiều vào đội tuyển quốc gia là điều cũng rất bình thường. Tuy nhiên, chúng ta cần có cơ chế rõ ràng, quan trọng nhất là phải có chiến lược phát triển cụ thể. Đó là trăn trở của ngành thể thao và cũng là rào cản của không ít các huấn luyện viên muốn đưa cầu thủ nhập tịch lên tuyển.

Sau đó, ông Park đã đưa ra quan điểm rằng, V.League cần giảm suất ngoại binh để tạo điều kiện cho các cầu thủ nội, đặc biệt là vị trí tiền đạo. Điều này nhằm tạo điều kiện cho đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề này rất khó thực hiện khi liên quan đến thành tích câu lạc bộ cũng như chất lượng giải đấu.

Trong suốt 3 năm qua, huấn luyện viên Park Hang-seo gần như không thể làm mới đội hình. Ông vẫn dùng những cầu thủ quen thuộc đã giúp đội tuyển Việt Nam thành công từ AFF Cup 2018, Asian Cup 2019 đến Vòng loại World Cup 2022. Filip Nguyễn từng được kỳ vọng là cái tên sẽ bổ sung chất lượng cho vị trí thủ môn. Tuy nhiên, thủ thành này đã chọn khoác áo đội tuyển Czech.

Khi tìm hiểu về các đối thủ tại Vòng loại World Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo khá quan tâm đến câu chuyện nhập tịch ồ ạt của cả UAE, Malaysia và Indonesia. Ngay cả Thái Lan cũng quan tâm đến các cầu thủ mang hai dòng máu. Bởi đó là cách các đối thủ tăng cường sức mạnh.

Ở các trận đấu sắp tới tại Vòng loại World Cup 2022, UAE đã triệu tập đến 3 chân sút nhập tịch. Malaysia bên cạnh cầu thủ nhập tịch họ cũng gọi những cầu thủ tốt nhất đang thi đấu ở nước ngoài về. Đó là điều khiến ông Park có quyền lo lắng cho mục tiêu giành 6 điểm của đội tuyển Việt Nam.

Đến lúc này, liệu thầy Park còn quan tâm đến các cầu thủ Việt kiều?  Câu trả lời có thể sẽ đến nếu đội tuyển Việt Nam giành vé vào Vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Đó là thời điểm mà đội tuyển cần tăng cường chất lượng.

Đội tuyển Việt Nam bị ảnh hưởng khi Triều Tiên rút lui?

Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) xác nhận tuyển Triều Tiên rút lui khỏi vòng loại World Cup 2022 và Asian Cup 2023. Theo đó, ở bảng H, khi Triều Tiên rút lui chỉ còn các đội bóng gồm Hàn Quốc, Lebanon và Sri Lanka. Kết quả các trận đấu giữa các đội với Triều Tiên sẽ bị hủy bỏ, nếu theo thông lệ xử lý từng có tiền lệ của AFC. Để đảm tính công bằng với các bảng còn lại (vốn còn nguyên 5 đội), thành tích đối đầu với các đội cuối bảng sẽ bị hủy bỏ.

Đây là phương án dễ xảy ra nhất để làm căn cứ tính điểm, chọn 8 đội đầu bảng và 4 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất đi tiếp vào vòng loại thứ 3. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ được FIFA quyết định.

Đội tuyển Việt Nam cũng như các đội tại bảng G sẽ chờ đợi vào cách xử lý của FIFA để biết ai được hưởng lợi, ai chịu thiệt. Trong trường hợp FIFA quyết định các bảng còn lại không tính thành tích đối đầu với đội cuối bảng (ở bảng G tuyển Indonesia đứng cuối bảng), tuyển Việt Nam sẽ có 8 điểm thay vì 11 điểm như hiện tại (Việt Nam thắng Indonesia 3-1 ở lượt đi). Tuyển Thái Lan khi đó sẽ vươn lên đứng thứ 2 với 5 điểm, tuyển Malaysia mất 6 điểm, chỉ có 3 điểm. Tuyển UAE cũng có 3 điểm nhưng thi đấu ít hơn các đội khác 1 trận. Vòng loại World Cup 2022 chỉ còn 4 lượt trận đấu nữa. Vì thế, việc quyết định phương án tính điểm nào cũng sẽ là bài toán khó cho FIFA. 

H.H

Hưng Hà
.
.
.