Thách thức cho bóng bàn
- Bế mạc Giải bóng bàn tranh Cúp Báo Hànộimới lần thứ VIII
- 300 VĐV tranh tài tại giải bóng bàn tranh Cúp Báo Hànộimới
- Giải Bóng bàn các đội mạnh toàn quốc -2020: Không lạ với những cuộc lên ngôi
Mòn mắt tìm người cầm lái mới
Câu chuyện về vị trí Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam nhiệm kỳ VI (2018-2022) tưởng đã tạm yên thì vừa qua lại gây chú ý. Theo đó, Chủ tịch Liên đoàn Trần Gia Thái đã xin nghỉ nhiệm vụ Chủ tịch để đảm đương vai Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Cũng phải kể thêm, trước Đại hội Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam nhiệm kỳ VI, nhiều người cũng mong muốn Liên đoàn sẽ có Chủ tịch đủ để phát huy hết lợi thế và vị thế của Liên đoàn.
Nhưng thực tế, người có trách nhiệm đã vận dụng, nhờ nhiều kênh quan hệ nhưng đều không nhận được cái gật đầu từ người được "tiến cử". Cuối cùng, Liên đoàn vẫn tổ chức Đại hội và Chủ tịch Liên đoàn nhiệm kỳ V là ông Trần Gia Thái đảm đương vai trò Chủ tịch Liên đoàn nhiệm kỳ VI. Thế nhưng, mới hết hơn nửa chặng đường, ông Trần Gia Thái đã xin rút khỏi vị trí Chủ tịch Liên đoàn.
Tay vợt Nguyễn Thị Nga sẽ phải qua nhiều giải đấu trong nước để biết có được dự SEA Games 31 hay không. |
Tất cả chỉ cho thấy vị trí Chủ tịch của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam đã mất đi sức hút đến nhường nào khi người được mời lại không nhận lời, còn người đảm nhận vị trí thì cũng đã "rẽ làn" khi chưa hết nhiệm kỳ. Có người trong cuộc đã an ủi rằng đến Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam - Liên đoàn có sức xã hội hóa tốt hơn hẳn bóng bàn, cũng "rẽ làn" để đảm nhận vai Phó Chủ tịch phụ trách tài chính của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thì việc chia tay chức Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cũng chưa là gì. Nói vậy nhưng đó thực sự là điều đáng tiếc và có chút ngậm ngùi cho Liên đoàn quốc gia của một trong những môn thể thao được yêu thích nhất tại Việt Nam.
Đến lúc này, vai trò tạm quyền điều hành Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam đang được trao cho Phó Chủ tịch Liên đoàn Vũ Quang Vinh. Trong khi đó, người có trách nhiệm vẫn đang đi tìm "người cầm lái" mới cho Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam từ tự đi tìm đến huy động các mối quan hệ để mong nhận được cái gật đầu từ người được đánh giá là sẽ đảm nhận thành công vị trí Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam. Người trong nghề vẫn nhận định, việc tìm kiếm sẽ khó dù trong thời gian qua, bóng bàn Việt Nam đã ít điều tiếng hơn hẳn trong khi thành tích tại các kỳ SEA Games gần đây thực sự ấn tượng với cùng 1 HCV ở kỳ SEA Games 29 và 30.
Không đặt mục tiêu tìm bằng được người đảm đương vị trí Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam nhưng như chia sẻ của ông Phan Anh Tuấn - Tổng Thư ký Liên đoàn, hy vọng đến năm 2023, năm dự kiến diễn ra Đại hội Liên đoàn nhiệm kỳ VII sẽ tìm được người như mong muốn. Mong muốn ấy đơn giản là nâng tầm cho bóng bàn Việt Nam để xứng với tiềm năng, vị thế.
Dù vậy, chính những người đang điều hành Liên đoàn nhiệm kỳ VI cũng cần thêm nhiều động thái để chứng minh Liên đoàn đang có môi trường hoạt động tốt, để những người thực sự tâm huyết và có khả năng tin rằng sẽ phát huy được khả năng khi đảm nhận vị trí Chủ tịch Liên đoàn. Đấy mới là vấn đề cần làm để Liên đoàn nhanh chóng có người cầm lái.
Thách thức từ chỉ tiêu 2 Huy chương Vàng
Một vấn đề khác đang được Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam và phía bộ môn Bóng bàn (Tổng cục TDTT) dồn lực là thực hiện mục tiêu giành 2 HCV tại SEA Games 31 vào cuối năm 2021. Đấy là mục tiêu khó của bóng bàn Việt Nam khi trong 2 kỳ SEA Games gần đây cũng chỉ giành được 1 HCV mỗi kỳ. Lần này, kể cả khi SEA Games 31 có đủ 7 bộ huy chương và diễn ra tại Việt Nam. Trong khi đó, lực lượng VĐV của Thái Lan, Singapore vẫn rất đáng gờm. Rõ nhất là cả Thái Lan, Singapore (nữ) và Singapore (nam) đều có VĐV giành vé tham dự Olympic Tokyo tới đây trong khi Việt Nam lại đứng ngoài cuộc chơi Olympic tới.
Nếu bóng bàn Singapore đưa lực lượng mạnh nhất tới Việt Nam thì cơ hội giành dù chỉ 1 HCV của bóng bàn Việt Nam cũng ít. Không kể, sân chơi của nữ sẽ khó có cơ hội vô địch cho bóng bàn Việt Nam khi các tuyển thủ nữ Thái Lan đang trên đà tiến bộ và có người đã giành vé dự Olympic Tokyo tới. Trong khi đó, bóng bàn nữ Singapore có tới 2 tay vợt trong nhóm 50 tay vợt hàng đầu thế giới là Feng Tianwei (hạng 10) và Yu Mengyu (hạng 48 thế giới) theo bảng xếp hạng gần đây nhất của bóng bàn thế giới.
Vì vậy, cơ hội giành HCV tại SEA Games tới của bóng bàn Việt Nam chỉ đến khi Thái Lan, Singapore không cử đội hình mạnh nhất. Có thể hy vọng vào điều này ở bóng bàn Singapore khi trong nhiều năm gần đây thường chỉ tung VĐV trẻ, hạng 2 vào sân chơi SEA Games, nhất là ở nội dung nam. Cũng không ngẫu nhiên khi người có trách nhiệm hy vọng các tay vợt Việt Nam có thể xưng vương ở nội dung đồng đội nam, đơn nam, đôi nam hay đôi nam nữ. Trong khi đó, bóng bàn Thái Lan luôn coi trọng sân chơi SEA Games và luôn đưa đội hình mạnh nhất tham dự. Điều này khiến cơ hội giành ngôi vô địch của các tay vợt nữ Việt Nam hầu như không còn.
Dù thế và lực không trội hơn hẳn các đối thủ trong khu vực nhưng lúc này bóng bàn Việt Nam vẫn hy vọng đội ngũ huấn luyện sẽ giúp đội hoàn thành chỉ tiêu. Trong số này, chuyên gia Dư Chí Quốc (Trung Quốc) - người góp công lớn vào chức vô địch đôi nam của bóng bàn Việt Nam ở SEA Games 30 vẫn gắn bó với đội. Sự hiểu biết tường tận về các tay vợt Singapore được xem là yếu tố quan trọng để đội tuyển tính toán đường đi nước bước.
Trong khi đó, ngoài HLV Lê Huy (Hà Nội) đã gắn bó với đội từ SEA Games 30, đội tuyển có sự xuất hiện lần đầu của Đinh Quang Linh (Quân đội) - cựu tay vợt đội tuyển quốc gia từng giành 2 HCV SEA Games (năm 2009 và 2017). Trước đó, khi thăm dò trong bộ phận chuyên môn của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cũng như một số chuyên gia khác về việc triệu tập Đinh Quang Linh lên đội tuyển thì người có trách nhiệm đều nhận được sự nhất trí tuyệt đối.
Tại đội tuyển, Đinh Quang Linh sẽ phụ trách nhóm nữ, vốn đang thất thế so với bóng bàn Thái Lan, Singapore. Vì thế, việc cựu tay vợt đội tuyển quốc gia này có thể giúp các tuyển thủ nữ Việt Nam tạo đột biến ở kỳ SEA Games tới hay không lại là câu chuyện đáng chờ đợi.
Cho nên, thách thức vẫn đang đợi trước mắt. Và thực sự không dễ để bóng bàn Việt Nam có thể vượt qua.
Thay đổi phương pháp tuyển chọn Nếu ở trước kỳ SEA Games 30 năm 2019, thành tích tại Giải Bóng bàn vô địch toàn quốc - Báo Nhân Dân cùng năm là căn cứ để tuyển chọn VĐV tham dự thì đến trước SEA Games 31, cách thức tuyển chọn sẽ thay đổi. Theo đó, thành tích tại các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia diễn ra trước SEA Games 31 và 3 giải đấu nội bộ của đội tuyển quốc gia sẽ là cơ sở để tuyển chọn thành phần đội tuyển tham dự SEA Games 31. (Minh Khuê) |