“Nữ hoàng điền kinh” sẽ không theo vết xe đổ?
- Điền kinh Việt Nam: Đừng lóa mắt với ngôi đầu khu vực
- Điền kinh nữ Việt Nam: Trang điểm trước khi nhận vàng
- "Nữ hoàng tốc độ" Tú Chinh giành HCV thứ hai cho điền kinh
Trải nghiệm của người đi trước
Đến lúc này, ngoài môn bơi với trường hợp thành công của Nguyễn Thị Ánh Viên, chưa VĐV Việt Nam nào thực sự đáp ứng kỳ vọng khi tập huấn dài hạn tại Mỹ. Ở môn bơi, thể thao TP Hồ Chí Minh từng kỳ vọng vào trường hợp Nguyễn Diệp Phương Trâm. Thế nhưng sau một thời gian bị chững lại về chuyên môn, tài năng trẻ này đã không thể hoàn thành trọn vẹn chuyến tập huấn dài hạn tại Mỹ và phải về nước trước thời hạn mà không hẹn ngày quay lại. Đáng chú ý, Nguyễn Diệp Phương Trâm cũng có HLV đi cùng nhưng rồi chuyến tập huấn vẫn không như mong muốn.
Còn ở môn điền kinh, nhiều hảo thủ đã đặt chân đến Mỹ, từ Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền, Quách Công Lịch, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Thúy với nguồn kinh phí không nhỏ từ đơn vị chủ quản cũng như Tổng cục TDTT nhằm thực hiện tham vọng giành HCV ở ASIAD cũng như SEA Games.
Tuy vậy, nhóm VĐV nữ tiếp sức cự ly 4x400m đã không thể giành huy chương tại ASIAD 2014. Còn Quách Thị Lan giành HCB nội dung 400m nữ dù rất hy vọng giành HCV. Những năm sau đó, chỉ còn điền kinh Thanh Hóa mặn mà với các chuyến tập huấn dài hạn tại Mỹ, trong đó anh em Quách Thị Lan, Quách Công Lịch được đầu tư nhiều nhất. Nhưng rồi mục tiêu giành HCV cá nhân tại SEA Games của cả hai cũng không thành hiện thực.
Gần đây nhất, ở SEA Games 29, Quách Công Lịch chỉ có thể giành HCB cá nhân còn Quách Thị Lan chỉ xuất hiện trên đường chạy tiếp sức 4x400m và giành HCV. Còn ngôi vô địch cá nhân nội dung 400m và 400m rào nữ đều thuộc về Nguyễn Thị Huyền – người thường dành thời gian tập luyện trong nước.
Lê Tú Chinh (phải, ngoài cùng) nhận được nhiều kỳ vọng từ chuyến tập huấn tại Mỹ. |
Nguyên nhân của thành tích không như mong muốn trên cũng được chỉ ra là do VĐV sinh hoạt bên ngoài trung tâm huấn luyện dẫn đến khó kiểm soát về chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi. Rồi những thói quen trước đây của VĐV cũng phải mất một thời gian thích nghi với môi trường mới.
Như người trong cuộc kể rằng, việc mặc đồ kín mít khi tập luyện dưới nắng đã ngăn cản đáng kể khả năng hấp thụ vitamin D, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến phát triển thể chất của VĐV. Tuy nhiên, VĐV Việt Nam lại chần chừ trong việc từ bỏ thói quen này.
Không kể, khả năng ngoại ngữ cũng là rào cản khiến họ không thể lĩnh hội, tiếp thu những chỉ giáo chuyên môn từ các chuyên gia tại Mỹ, cũng như trong quá trình giao lưu chuyên môn với những HLV, VĐV nước ngoài khác. Đây là hạn chế lớn nhất của các VĐV và HLV Việt Nam khi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài khiến sự đầu tư của ngành, đơn vị chủ quản không phát huy hết tác dụng.
Đến lúc này, điền kinh Thanh Hóa vẫn không có động tĩnh đưa VĐV điền kinh đi tập huấn dài hạn tại Mỹ. Và nếu không thay đổi, quá trình chuẩn bị cho ASIAD 2018 cũng như Đại hội Thể thao toàn quốc 2018 của các VĐV Thanh Hóa sẽ chủ yếu diễn ra trong nước kết hợp với các chuyến thi đấu quốc tế.
Tin vào tương lai
Ngành Thể thao và điền kinh TP Hồ Chí Minh đã đặt nhiều tham vọng vào chuyến tập huấn dài hạn ở Mỹ của cô trò Nguyễn Thanh Hương – Lê Tú Chinh. Điều này cũng phù hợp với mong muốn của chính HLV Nguyễn Thanh Hương từ hai năm trước, khi Lê Tú Chinh nổi lên là VĐV số 1 trên đường chạy ngắn nữ ở Việt Nam.
Dù là người phát hiện, đào tạo và đưa học trò đến những thành công như hiện tại, nhưng nhà cựu vô địch cự ly ngắn nữ Việt Nam Nguyễn Thanh Hương đã cho rằng đến một thời điểm nào đó, Lê Tú Chinh cần được tiếp xúc với môi trường tập luyện chuyên nghiệp hơn Việt Nam và những chuyên gia nước ngoài thật giỏi. Chỉ nhờ vậy mới nâng tầm để đạt được những cột mốc mới về thành tích.
Có lẽ, đây là thời điểm thích hợp để Lê Tú Chinh hướng đến những cột mốc mới trong sự nghiệp khi ngành Thể thao TP Hồ Chí Minh đủ nguồn lực tài chính để đầu tư cho cô đi tập huấn dài hạn tại Mỹ cho đến năm 2020 (ước tính cũng trên 1 tỷ đồng/ năm).
Cô gái này cũng đã 21 tuổi, đang ở độ tuổi sung sức với một VĐV chạy ngắn và đặc biệt là có ý chí cầu tiến. Trong khi ấy, những bài học, nhất là về thất bại của những VĐV từng đến Mỹ tập huấn dài hạn cũng đủ làm hành trang để đơn vị chủ quản cũng như cô trò Nguyễn Thanh Hương - Lê Tú Chinh không lặp lại.
Thế nên, ngay trước chuyến tập huấn dài hạn này, chuyên gia từ Mỹ đã sang Việt Nam đã làm việc cặn kẽ với ngành Thể thao TP Hồ Chí Minh về chương trình tập huấn của Lê Tú Chinh. Ngoài việc có HLV Nguyễn Thanh Hương đi cùng để hỗ trợ chuyên môn, tâm lý cũng như học hỏi chuyên môn từ chính chuyên gia nước ngoài, Lê Tú Chinh còn được thu xếp ăn ở ngay tại Trung tâm huấn luyện. Vì thế, khâu dinh dưỡng – yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng tập luyện và thi đấu được kiểm soát chặt chẽ.
Tuy nhiên, vấn đề khác quan trọng không kém vẫn là khả năng ngoại ngữ của Lê Tú Chinh. Thế nên, ngay khi sang Mỹ, bên cạnh tập luyện chuyên môn, Lê Tú Chinh còn phải học ngoại ngữ để nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới. Đây rõ là mục tiêu quan trọng không kém chuyên môn mà “Nữ hoàng tốc độ Đông Nam Á” này phải chinh phục bằng được.
Đến bây giờ, sự lạc quan vẫn đang bao trùm sau những ngày đầu tiên đến Mỹ tập huấn dài hạn của Lê Tú Chinh. Thực tế, thành công của Lê Tú Chinh cũng sẽ giúp điền kinh Việt Nam, chứ không chỉ điền kinh TP Hồ Chí Minh, duy trì được một thế mạnh và có thể hy vọng tạo nên bất ngờ ở ngay ASIAD 2018. Và đương nhiên, chẳng ai mong Lê Tú Chinh sẽ lại dang dở chuyện tập huấn nước ngoài.
Hướng tới thành tích dưới 11 giây Trong tập luyện trước khi đến Mỹ, đã có lúc Lê Tú Chinh cán mức dưới 11 giây ở cự ly 100m. Nếu cô đạt thành tích này trong thi đấu thì đấy sẽ là thành tích tốt nhất trong làng điền kinh nữ Việt Nam. Các chuyên gia đang hy vọng Lê Tú Chinh sẽ đạt mức này nhờ chuyến tập huấn tại Mỹ bởi chỉ có mức thành tích này mới hy vọng tranh chấp huy chương tại ASIAD 2018. Hiện tại, kỷ lục quốc gia nội dung 100m nữ đang thuộc về Vũ Thị Hương với thành tích 11 giây 34. Minh Nhật |