Khoảng trống tiền đạo của đội tuyển Việt Nam

Thứ Bảy, 29/08/2020, 08:19
Khoảng cách giữa Nguyễn Anh Đức và Nguyễn Tiến Linh, hai thế hệ tiền đạo cắm của bóng đá Việt Nam là 12 tuổi. Nhưng dưới Tiến Linh, chúng ta gần như không còn gương mặt tiềm năng nào thay thế, ngoại trừ Lê Minh Bình, người sinh năm 1999. Vấn đề không phải việc Minh Bình cũng kém Tiến Linh tới 7 tuổi mà quan trọng hơn cả, là khả năng đóng góp lâu dài của tiền đạo đang khoác áo Bà Rịa-Vũng Tàu (BRVT).


Đôi chân pha lê

Trong buổi tập chiều 26/8 của U22 Việt Nam tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, Lê Minh Bình – tiền đạo số 1 của lứa 1999-2002 thời điểm này gặp chấn thương cổ chân. Một pha tiếp bóng thiếu chính xác khiến Minh Bình rời sân với khuôn mặt nhăn nhó. Dự kiến, chân sút tốt nghiệp khóa 3 lò JMG HAGL sẽ cần ít nhất 2 tuần để hồi phục chấn thương và người trong cuộc đều hiểu, 2 tuần chỉ là “ít nhất” mà thôi với một người nhạy cảm với các vết đau như Minh Bình. 

Thông tin này thật sự khiến HLV Trần Minh Chiến của BRVT – nơi Bình đang thi đấu cảm thấy lo lắng. Tuần này, VPF đã gửi công văn tới các CLB thuộc hệ thống chuyên nghiệp về kế hoạch tái khởi động các giải đấu trong nước, bắt đầu bằng loạt trận Cúp Quốc Gia. BRVT sẽ gặp TP.HCM tại tứ kết trước khi hoàn thành phần còn lại của mùa giải hạng nhất với mục tiêu thăng hạng.

Thực ra, chấn thương kiểu này với người khác là bình thường nhưng với Bình lại luôn đi kèm cùng cảm giác lo lắng. Lẽ ra, sự nghiệp của Bình đã phát triển tới một tầm cao khác nếu không vì những chấn thương dai dẳng, liên miên suốt những năm qua.

Anh em thân thiết của Bình tại học viện HAGL hay nói đùa rằng Bình là “Robben phố Núi”, không chỉ vì tài đi bóng khéo léo và dứt điểm của Bình mà còn bởi đôi chân pha lê, mong manh dễ vỡ của tiền đạo quê Bình Phước này.

Lê Minh Bình rời sân trong buổi tập hôm 26/8 vì chấn thương ở cổ chân.

Có thâm niên ăn cơm tuyển từ lâu nhưng chưa bao giờ, Minh Bình tạo được tiếng vang thật sự. Tại VCK U19 châu Á 2018, Bình thi đấu với phần lớn thời gian bó băng quanh đầu gối vì tổn thương dây chằng chéo. 

Tại giải U22 Đông Nam Á tại Campuchia, là đầu tàu của thành phần dự tuyển gồm phần lớn các cầu thủ dưới 20 tuổi, Bình lại đau xương bàn chân, dẫn tới thiếu tự tin và mất cảm giác bóng, nhất là khi chơi trên mặt cỏ nhân tạo tiềm ẩn nhiều rủi ro. Năm đó, dù được đánh giá cao nhưng U22 Việt Nam chỉ đoạt HCĐ, không đạt chỉ tiêu vào tới chung kết. 

Vết đau lần này của Bình liên quan tới xương sên và đang có hiện tượng phù nề phần mềm quanh khớp cổ chân. Gần như chắc chắn, Bình sẽ vắng mặt ở trận tứ kết Cúp Quốc Gia và để đảm bảo chấn thương này được chữa trị dứt điểm, Bình đã được cho ở lại Hà Nội, chấp nhận về địa phương muộn hơn dự kiến để làm việc cùng bác sỹ Choi. Không ai muốn những chấn thương ở khu vực tiếp xúc nhiều với bóng tái phát liên tục, nhất là khi nó xảy đến với cánh chim đầu đàn sẽ dẫn dắt hàng công U22 tại SEA Games tại Việt Nam vào năm sau.

Cần ổn định hơn là cần khoảnh khắc

Đợt tập trung đội tuyển U22 lần này, Lê Minh Bình là gương mặt đáng chú ý nhất. Trong danh sách gần 50 gương mặt được triệu tập, tiền đạo nổi bật hơn hẳn vì từng là cái tên quen thuộc trong những đợt hội quân trước kia của các lứa trẻ quốc gia. Hơn nữa, trước khi ra Hà Nội, Minh Bình đang có phong độ cao tại giải hạng nhất quốc gia với thành tích dẫn đầu danh sách vua phá lưới trước khi giải hoãn vì COVID-19.

Dù đây là lần đầu lên tuyển dưới triều đại của HLV Park Hang-seo nhưng Minh Bình không mất nhiều thời gian để chứng tỏ năng lực vượt trội. Ngay trong trận đá nội bộ đầu tiên hôm 23-8, Minh Bình đã ghi bàn trước khi có bàn thắng thứ hai ở trận đá tập thứ ba. Trong bối cảnh khoảng cách mà thế hệ 95-97 của lứa Quang Hải để lại là rất lớn, việc một cầu thủ trẻ nhưng sở hữu phẩm chất, lại tự tin dám cầm bóng đột phá như Bình là tín hiệu tích cực với bóng đá Việt Nam. Đấy là chưa kể, Bình chính là tiền đạo cắm hiếm hoi của lứa dự SEA Games tại Việt Nam, tức là tương lai của hàng công một nền bóng đá. Trong trường hợp BRVT lên hạng hoặc HAGL gọi Bình trở về sau 1 năm tu nghiệp ở Đông Nam Bộ, cơ hội sẽ càng mở ra với Bình.

Tài năng & tiềm năng của Bình là không phải bàn cãi. Ở lứa trẻ, Bình là nhà vô địch U15 quốc gia 2016, trước khi trở thành vua phá lưới giải U19 Quốc Tế Việt Nam 2018. Giải đấu ấy, Bình đá 4 trận ghi 4 bàn, vượt qua những người bạn đồng trang tới từ các học viện hàng đầu của Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản để đứng đầu danh sách ghi bàn.

Chẳng mấy ai nghi ngờ hay đặt dấu hỏi về năng lực chuyên môn của Bình nhưng câu hỏi được đặt ra, là ngay khi chớm bước chân vào bóng đá chuyên nghiệp, Bình đã cho thấy nhiều hạn chế thể chất. Làm sao vươn lên đẳng cấp quốc gia khi những chấn thương cứ liên tiếp ập tới? Bây giờ, giới chuyên môn có quyền đặt câu hỏi, rằng có phải phương pháp huấn luyện ở JMG HAGL thực sự có vấn đề khi lần lượt Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Thanh và bây giờ là Minh Bình thi thoảng lại dính chấn thương “vặt”. Quả thật, sẽ là lãng phí tài năng nếu Bình không nhận được tư vấn đúng đắn, nhất là khi em còn trẻ và đủ thể chất hồi phục.

Nhưng câu hỏi vĩ mô hơn sẽ khiến HLV Park đau đầu, là ông sẽ xây dựng đội tuyển theo phương án nào, có hay không có Minh Bình? Nếu có, ông Park sẽ đối diện với rủi ro mất người bất kỳ thời điểm nào nhưng nếu không, U22 Việt Nam lấy đâu ra tiền đạo để sút, để ghi bàn? Một bài toàn khó mà đôi khi, đội ngũ huấn luyện người Hàn Quốc phải chấp nhận rủi ro, có thể đánh đổi bằng công việc của mình nếu điền tên Minh Bình vào các kế hoạch trong 1 năm tới đây.                        

Hết dịch, U22 Việt Nam đi nước ngoài?

Một lãnh đạo của VFF chia sẻ cơ quan này đang tính tới phương án đưa U22 Việt Nam sang nước ngoài ngay khi COVID-19 lắng xuống và các chuyến bay thương mại được nối lại.

Trước đó, VFF tính chọn trung tâm thể thao Shizuoka của Nhật Bản hoặc trung tâm huấn luyện bóng đá Paju của Hàn Quốc làm nơi tập huấn vào tháng 10. Tuy nhiên, do các làn sóng tiếp theo của COVID-19 ập tới nên có thể vào tháng 1 sang năm, thời điểm chính phủ các quốc gia thống nhất mở lại biên giới, VFF sẽ đưa U22 Việt Nam sang một nước Đông Nam Á để thi đấu, tăng tính cọ xát trong một năm các cầu thủ trẻ gần như không có trận đấu chính thức nào.

Ngoài ra, khi TP Hồ Chí Minh hết mùa mưa bước vào mùa khô, VFF cũng sẽ đưa quân vào đóng đô từ 2 tới 3 tuần vì thời điểm này tại Hà Nội bắt đầu vào mùa đông, chất lượng mặt cỏ không được đảm bảo.

Đơn Ca
.
.
.