Hải Phòng - đội bóng “kỳ lạ” nhất V..League

Thứ Tư, 10/07/2019, 08:16
Không nhà tài trợ, không hội cổ động viên chính thức, lại sở hữu một sân bóng có chất lượng thuộc hàng kém nhất nhì V.League, Hải Phòng dường như cho thấy họ đang phát triển ngược lại với quy luật chung. Tuy nhiên, cách làm tưởng chừng như "ăn xổi" đó vẫn giúp đội bóng tồn tại ở V.League suốt nhiều năm qua, với những thành tích thực sự đáng nể.

Thiếu nhưng không yếu

Sau khi giai đoạn 1 V.League 2019 khép lại, nội bộ CLB Hải Phòng được cho đang xảy ra rất nhiều biến động. Đình Bảo và Quốc Trung chia tay đội bóng, hai trụ cột khác đang chơi rất lên chân ở mùa giải năm nay là thủ môn Văn Toản và trung vệ Schmidt bất ngờ bị đẩy lên ghế dự bị. Ngoài ra, Hải Phòng còn bị FIFA tuyên án phạt, phải bồi thường cho ngoại binh Stevens 5 tỷ đồng vì những vi phạm trong hợp đồng giữa đôi bên.

Bên cạnh thiếu hụt nhân sự, Hải Phòng còn là một trong những CLB bị "chê" nhiều nhất tại V.League nếu xét về mặt cơ sở vật chất. Lạch Tray hiện giờ là một trong những sân vận động có chất lượng kém nhất V.League. Bên cạnh mặt sân luôn bị chê quá lồi lõm, những tiện ích xung quanh như nhà vệ sinh không đạt tiêu chuẩn cũng hạn chế số lượng khán giả đến sân Lạch Tray.

Hải Phòng đang duy trì một đội hình khá dù kinh phí hạn hẹp.

Hướng phát triển bóng đá của Hải Phòng cũng gây nhiều tranh cãi, bởi kể từ khi công ty xi măng "trả" đội bóng lại cho thành phố vào năm 2013, gần như không có doanh nghiệp nào đến với đội bóng. Hệ quả là từ đó đến nay, ngoại trừ mùa giải năm ngoái có nhà tài trợ Asanzo, Hải Phòng chỉ sống dựa vào ngân sách của thành phố. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những gì Hải Phòng đã trải qua tại V.League, rõ ràng đội bóng này có thể thiếu thốn ở từng thời điểm, nhưng luôn duy trì lực lượng ở mức khá và đạt thành tích tốt.

Hải Phòng vốn đã quen với những biến động về mặt nhân sự. Năm 2012, họ mua lại suất tham dự V.League khi Khánh Hòa giải thể. Hậu quả là một loạt cầu thủ Khánh Hòa "Bắc tiến" lũ lượt rời CLB chỉ sau một năm, khiến nhân sự tại Hải Phòng vừa thiếu lại vừa yếu. Nhưng Hải Phòng sau đó vẫn trụ lại V.League, thậm chí còn vô địch Cúp Quốc gia, rồi trở thành Á quân V.League và chỉ chịu thua đội vô địch Hà Nội về hiệu số bàn thắng.

Ông bầu “lạ đời”

Đội bóng Hải Phòng ngày nay mang dấu ấn rất lớn của cá nhân Chủ tịch Trần Mạnh Hùng - một nhân vật gây rất nhiều tranh cãi dù ông hiếm khi xuất hiện trả lời công khai trước báo giới. Khi không một ai dám đứng ra nhận trách nhiệm với bóng đá Hải Phòng, ông Hùng đã dang tay đón nhận "cục nợ" đó. Ông Hùng vốn chỉ là dân tay ngang đến với bóng đá, nhưng lại có thể xây dựng và phát triển một đội bóng khá tốt so với tiềm lực có sẵn. Hải Phòng từ khi ông Hùng làm Chủ tịch luôn chơi ngổ ngáo, không e sợ trước những đối thủ mạnh.

Năm 2014 là một mùa giải rất đăc biệt với bóng đá Hải Phòng. Sau khi những HLV dày dạn kinh nghiệm như Lê Thụy Hải và Hoàng Anh Tuấn đều thất bại ở thành phố Cảng, ông Hùng đã mời ông Dylan Kerr về làm HLV trưởng. Dylan Kerr từng làm việc ở đội tuyển Việt Nam, nhưng là ở vị trí... HLV thể lực chứ chưa bao giờ tham gia công tác chuyên môn. Dù vậy, Hải Phòng dưới tay ông đã trở thành một đội bóng rất khó chơi. Họ trụ hạng thành công và bất ngờ đánh bại Bình Dương để vô địch Cúp Quốc gia.

Năm 2014 khép lại, Chủ tịch Trần Mạnh Hùng đưa vị tướng trẻ Trương Việt Hoàng về thay Dylan Kerr. Dưới bàn tay của HLV Trương Việt Hoàng, Hải Phòng dần kiện toàn nhân sự theo cách làm khá ngược đời của ông Hùng: CLB không tranh giành cầu thủ giỏi từ những đội khác, mà chỉ ký với những cầu thủ tự do, miễn là họ đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Văn Nhiên, Khánh Lâm, Anh Hùng, và đặc biệt là thủ môn Văn Lâm đã đến với Hải Phòng theo cách đó.

Câu chuyện của Văn Lâm là một ví dụ tiêu biểu cho mắt nhìn người của ông Hùng. Năm 2014, anh chỉ là thủ môn số 3 tại HAGL, không có cơ hội thi đấu và thậm chí từng nghĩ đến chuyện giải nghệ. Nhưng kể từ khi đầu quân cho Hải Phòng, sự nghiệp của Văn Lâm lên như diều gặp gió. Sau 1 năm ngồi dự bị cho Xuân Việt, Văn Lâm được trao suất bắt chính và lên tuyển quốc gia. Bây giờ anh là thủ môn xuất sắc nhất nhì Đông Nam Á và vừa xuất ngoại thi đấu.

Là Chủ tịch một đội bóng, nhưng ông Hùng hiếm khi xuất hiện trong những trận đấu chính thức của CLB. Tuy nhiên, nếu phải lên tiếng để đảm bảo quyền lợi cho cầu thủ và đội bóng, ông sẵn sàng một mình "chống lại" cả Ban tổ chức giải. Cách làm của ông có thể không giống với những lãnh đạo đội bóng bình thường và thậm chí có phần... thiếu văn hóa, nhưng tất cả đều xuất phát từ cái tâm của một vị Chủ tịch giàu trách nhiệm với đội bóng.

Không ít cầu thủ Hải Phòng mâu thuẫn với ông Hùng, một vài người trong số họ thậm chí đã ra đi. Tuy nhiên cũng có rất nhiều cầu thủ khác chịu ơn Chủ tịch CLB Hải Phòng. Văn Nhiên, Khánh Lâm là những người bơ vơ sau khi đội bóng chủ quản thanh lý hợp đồng hoặc giải thể, nhưng ông Hùng đã trao cho họ cơ hội thi đấu để rực sáng cùng bóng đá đỉnh cao những năm cuối sự nghiệp. Anh Hùng từng không được đội bóng nào nhận vì tiền sử gãy chân, và chỉ có Hải Phòng mới giúp anh làm lại sự nghiệp trước khi đầu quân cho CLB Quảng Nam.

Kỷ luật thép ở CLB Hải Phòng

Với một đội bóng không tự chủ được kinh phí như Hải Phòng, kỷ luật nghiêm là cách duy nhất giúp họ "nắn gân" các cầu thủ trong đội. Tại Hải Phòng, mọi cầu thủ có biểu hiện ngôi sao, hoặc tỏ thái độ không tốt đều phải chịu án nghiêm: nhẹ thì ngồi dự bị một vài trận, còn nặng có thể không được đăng ký thi đấu. Đinh Tiến Thành là một trong những cầu thủ như thế, khi quãng thời gian anh gắn bó với đội bóng quê hương kết thúc theo cách anh chẳng hề mong muốn.

Trở về CLB sau AFF Cup 2014, Tiến Thành tự cho mình là "ngôi sao" lớn nhất trong đội và liên tục ra yêu sách về lương bổng trong quá trình đàm phán hợp đồng. Thay vì chiều theo đòi hỏi quá đáng của trung vệ này, ông Hùng yêu cầu HLV Trương Việt Hoàng không cho anh ra sân, rồi sau đó đem cho CLB Cần Thơ mượn trước khi chuyển nhượng đến Thanh Hóa. Kể từ đó, không có một kiêu binh nào nổi loạn ở Hải Phòng nữa.

Cẩm Chi
.
.
.