Chuyện thưởng tại ASIAD 2018: Khi tấm Huy chương vàng được đề cao

Thứ Hai, 13/08/2018, 16:55
Trong 7 kỳ tham dự ASIAD, thể thao Việt Nam chỉ giành được 11 Huy chương vàng (HCV). Điều này góp phần lý giải mức treo thưởng cho tấm HCV của các VĐV Việt Nam tại ASIAD kỳ này lớn hơn hẳn so với tấm HCB hay HCĐ.

*Nhọc nhằn lên đỉnh ASIAD

Người trong nghề đều thấu hiểu sự nhọc nhằn, khó khăn khi muốn chinh phục ngôi vô địch ASIAD. Đấy là đỉnh cao của các giải đấu cấp châu lục, nơi các đoàn đều mang đến những VĐV ưu tú, xuất sắc nhất. Người trong nghề vẫn nhận định rằng độ khó và khốc liệt của ASIAD lớn hơn rất nhiều so với Giải vô địch châu lục. 

Tại sân chơi này, hầu như không có khái niệm cử VĐV đến để thử nghiệm. Thế nên, chỉ VĐV ở trình độ cao nhất châu lục mới có cơ hội giành huy chương. 

Không kể, nhiều VĐV tại châu Á đã đạt đẳng cấp thế giới nên cuộc chơi ở nhiều môn thi tại ASIAD cũng tương đương Giải vô địch thế giới. Vì vậy, không có chuyện ăn may ở sân chơi này.

Ngoài ra, tại ASIAD, số bộ huy chương bị khống chế và thường là ít hơn Giải vô địch châu lục. Hoặc như môn cử tạ, tại Giải vô địch châu Á, mỗi lực sĩ có cơ hội giành tới 3 HCV ở mỗi hạng cân khi Ban tổ chức xét riêng thành tích ở từng nội dung là cử giật, cử đẩy và tổng cử 2 nội dung trên. 

Thế nhưng, khi bước vào các kỳ Đại hội thể thao, chỉ thành tích tổng cử mới được tính để trao huy chương. Điều này cũng đồng nghĩa với cơ hội giành huy chương của VĐV bị thu hẹp đáng kể.

Các thành viên Đoàn Thể thao Việt Nam.

Không ngẫu nhiên mà nhiều VĐV hàng đầu Việt Nam từng lên ngôi vô địch thế giới hay Giải vô địch châu Á đều lỡ hẹn với tấm HCV ASIAD. 

Trong số này, rõ nhất là trường hợp của VĐV Wushu nổi tiếng Nguyễn Thúy Hiền. Cô gái Hà Nội này từng được kỳ vọng sẽ lên ngôi vô địch ASIAD nhưng rồi cuối cùng không thể thực hiện trọn vẹn giấc mơ. 

Hay trường hợp “Nữ hoàng Kata” Nguyễn Hoàng Ngân ở môn Karatedo cũng tương tự. Còn ở môn cử tạ, Thạch Kim Tuấn từng gây tiếng vang ở Giải vô địch thế giới nhưng khi bước vào sân chơi ASIAD cũng đành nhìn VĐV của CHDCND Triều Tiên Om Yun Chol lên ngôi vô địch khi lực sĩ này quá xuất sắc ở phần thi cử đẩy…

Trong lịch sử tham dự ASIAD (từ năm 1990), thể thao Việt Nam mới sở hữu 11 tấm HCV. Tổng số HCV của thể thao Việt Nam trong lịch sử dự ASIAD cũng không bằng tổng số HCV mà thể thao Thái Lan giành được ở ASIAD 2014 (12 HCV). 

Ở hai kỳ ASIAD gần đây vào năm 2010 và 2014, Đoàn Việt Nam đều chỉ giành được 1 HCV ở mỗi kỳ. Điều này không khó lý giải nếu nhìn vào những thách thức, khó khăn tại sân chơi ASIAD cũng như thực lực của thể thao Việt Nam.

*Chỉ mong được trao thưởng 

Nhiều năm gần đây, các VĐV Việt Nam nhận được nhiều quan tâm hơn từ xã hội trong đó họ thường đứng trước những khoản thưởng lớn tại các kỳ Đại hội thể thao quốc tế. Trước ASIAD 2018, những mức treo thưởng được công bố cho thấy VĐV Việt Nam sẽ có một khoản tích lũy không nhỏ nếu lên ngôi vô địch ở sân chơi này.

Tổng cục TDTT đã công bố mức thưởng nóng 300 triệu đồng cho mỗi tấm HCV mà VĐV Việt Nam giành được tại Á vận hội 2018. Đây là mức thưởng nóng lớn nhất từ trước đến nay tại một kỳ ASIAD của Đoàn Thể thao Việt Nam. Trong khi đó, mức thưởng nóng cho VĐV giành Huy chương bạc (HCB) chỉ là 30 triệu đồng, Huy chương đồng (HCĐ) là 20 triệu đồng.

Sự chênh lệch giữa mức thưởng nóng cho VĐV giành HCV so với VĐV giành HCB, HCĐ cũng dễ lý giải nếu nhìn vào khát khao giành ngôi vô địch ASIAD của Thể thao Việt Nam. Ngoài ra, mức thưởng này cũng nhằm góp phần hướng VĐV đến cái đích cao nhất ở sân chơi Đại hội Thể thao châu lục. 

Ông Trần Ðức Phấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 2018 kể rằng: “Tiền thưởng huy động được từ các nhà tài trợ cho ASIAD 2018 chủ yếu là cho các tấm HCV. Để đạt được HCV tại Đại hội này là cực kỳ khó, nên các tổ chức và cá nhân tài trợ cũng đề nghị tập trung vào thưởng cho các VĐV đoạt HCV. Họ mong muốn động viên và khuyến khích những VĐV có khả năng cạnh tranh HCV, nỗ lực một cách tốt nhất”. 

Đoàn Thể thao Việt Nam nhận được sự quan tâm rất lớn từ các doanh nghiệp .

Ngoài mức treo thưởng của Tổng cục TDTT, một số Liên đoàn hay đơn vị khác cũng có mức treo thưởng riêng. Trong số này nổi bật nhất là Liên đoàn Bắn súng Việt Nam. 

Trong lịch sử tham dự ASIAD, chưa xạ thủ Việt Nam nào giành ngôi vô địch nên chính những nhà tài trợ cho Liên đoàn Bắn súng Việt Nam cũng “khát” HCV ASIAD không kém người làm chuyên môn. 

7 doanh nghiệp của Hàn Quốc và Việt Nam đã đưa ra mức treo thưởng cho các xạ thủ Việt Nam. Theo đó, xạ thủ Việt Nam giành HCV sẽ nhận 2,12 tỷ đồng, HCB là 660 triệu đồng, HCĐ là 376 triệu đồng. Như vậy, cộng với khoản thưởng nóng từ ĐoànThể thao Việt Nam, xạ thủ Việt Nam giành HCV ASIAD 2018 sẽ nhận tới trên 2,4 tỷ đồng. 

Khoản thưởng này chưa tính đến số tiền thưởng cho thành tích tại ASIAD theo Quyết định 32 năm 2011 của Chính phủ là 70 triệu cho tấm HCV, 35 triệu đồng – HCB, 30 triệu đồng – HCĐ.   

Ngoài ra, nếu VĐV đến từ đơn vị chủ quản có mức thưởng lớn cho giải quốc tế thì cũng sẽ nhận thêm khoản tiền thưởng đáng kể. Như VĐV của Hà Nội sẽ được nhận thêm số tiền thưởng là 84 triệu đồng cho HCV, 42 triệu đồng cho tấm HCB, 36 triệu đồng cho tấm HCĐ tại ASIAD.

Như thế, kể cả khi không phải là VĐV bắn súng thì VĐV Việt Nam khác đoạt HCV tại ASIAD 2018 cũng có thể nhận khoản thưởng trên 400 triệu đồng, bằng ít nhất 2 năm tiền lương - đối với VĐV đang do cơ quan nhà nước quản lý. 

Thực tế, do Việt Nam chưa có bản quyền truyền hình ASIAD 2018 cho đến khi Đoàn làm lễ xuất quân nên công tác tìm kiếm tài trợ cho Đoàn gặp không ít khó khăn. Nếu không, mức thưởng còn có thể lớn hơn.

Dù sao mức thưởng như trên cũng là lớn so với VĐV Việt Nam. Vấn đề là họ cần chinh phục được tấm HCV ở ASIAD 2018 để doanh nghiệp, nhà tài trợ có thể được chi tiền thưởng thay vì “treo lên” rồi lại “hạ xuống”. Tất nhiên, khả năng “hạ xuống” này khó xảy ra khi thực lực của VĐV Việt Nam hiện tại cho thấy có thể hoàn thành được mốc giành 3 HCV ở Á vận hội kỳ này.

Nhiều hình thức thưởng đa dạng

Ngoài mức thưởng nóng từ Đoàn Thể thao Việt Nam, một số doanh nghiệp cũng đặt ra những mức thưởng riêng. Tập đoàn CMG.Asia, ngoài khoản tài trợ với tổng giá trị 600 triệu đồng cho đoàn TTVN tham dự ASIAD 2018 cũng sẽ dành thêm 100 triệu đồng để thưởng cho VĐV Việt Nam giành được HCV đầu tiên và VĐV Việt Nam vượt khó giành thành tích tốt tại Đại hội. Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Long Giang (Long Giang Land) và Công ty Cổ phần sản xuất và công nghệ Nhựa Pha Lê (PLP) ngoài tài trợ gói HCV trị giá 500 triệu đồng cho VĐV Việt Nam tại ASIAD 2018 còn tổ chức tuyển dụng cho người thân VĐV giành huy chương vào làm việc tại doanh nghiệp. Một số nhà tài trợ cũng đặt ra mức thưởng riêng, không trong hợp đồng tài trợ được công bố. Theo lãnh đội một số bộ môn, không thiếu nhà tài trợ sẵn sàng thưởng vài chục triệu đồng cho tấm HCV ASIAD 2018 của VĐV Việt Nam.

Minh Nhật

Minh Khuê
.
.
.