U22 vô địch SEA Games, Việt Nam thống trị bóng đá Đông Nam Á

Thứ Ba, 10/12/2019, 21:28
Giấc mơ Vàng SEA Games của bóng đá Việt Nam là gì? Thật khó để định nghĩa một cách đầy đủ và trọn vẹn, bởi nó thật kỳ lạ. 


Nó giống như một người Hà Nội có thừa điều kiện để du lịch khắp thế giới, nhưng lại ao ước một lần được ra chơi... hồ Gươm, giống như một đại gia thừa tiền vào mọi nhà hàng sang trọng song vẫn luôn mong ngóng một bữa cơm rau. Giấc mơ ấy, hiểu theo cách đơn giản nhất, là một ẩn ức ám ảnh nhiều thế hệ cầu thủ lẫn các CĐV Việt Nam.

Văn Hậu và Neymar

Thật nghịch lý khi bóng đá Việt Nam đã bắt đầu hướng đến World Cup nhưng vẫn khao khát một danh hiệu ở giải đấu được gọi là “ao làng”. Tấm HCV SEA Games có lẽ giống như một tấm bằng tốt nghiệp trung học, trong khi trình độ của cả một nền bóng đá trên thực tế đã vượt xa như thế rất nhiều.

U22 Việt Nam lên ngôi vô địch.

Nỗi ám ảnh SEA Games của bóng đá Việt Nam cũng chẳng khác gì nỗi ám ảnh Olympic một thời của bóng đá Brazil. Dù sở hữu ĐTQG thành công nhất lịch sử với 5 chức vô địch thế giới cùng rất nhiều danh hiệu lớn khác từ Copa America đến Cúp Liên lục địa, cho đến năm 2016, người Brazil vẫn chưa thể chạm tay đến chiếc HCV bóng đá nam Olympic. 

Văn Hậu lập cú đúp giúp U22 Việt Nam chinh phục giấc mơ Vàng SEA Games.

Đội Olympic Brazil đã 3 lần lọt đến chung kết bóng đá nam ở các kỳ Thế vận hội, nhưng họ đều thất bại khi chỉ còn cách vinh quang 1 bước chân (các năm 1984, 1988, 2012). Đó là lý do vì sao năm 2016, khi Olympic được tổ chức ở Rio de Janeiro, người Brazil lại coi đó là cơ hội lịch sử để giúp họ vượt qua nỗi ám ảnh kéo dài gần 1 thế kỷ.

Ngôi sao sáng nhất của bóng đá xứ sở Samba là Neymar thậm chí bỏ cả cơ hội dự Copa America Centenario (giải đấu kỷ niệm 100 năm Copa America) tổ chức ở Mỹ để dự Olympic Rio. Sự quyết tâm của người Brazil được đền đáp khi họ vượt qua Đức sau loạt luân lưu ở trận chung kết. Người đá quả penalty cuối cùng cho Olympic Brazil chính là Neymar. Và khi thành công, ngôi sao sinh năm 1992 còn khóc to hơn cả khi vô địch Champions League cùng Barca. Neymar hiểu rằng, ẩn ức của cả một quốc gia đã được gỡ bỏ.

Khi Đoàn Văn Hậu ký hợp đồng với Heerenveen, có một điều khoản gây tranh cãi là Hậu sẽ được CLB chủ quản cho phép về tham dự SEA Games 30, thậm chí CLB Hà Nội còn phải trả cho đội bóng Hà Lan 40.000 euro (1,2 tỷ đồng) để “lấy người”. Nhiều người cho rằng khi đã sang châu Âu thi đấu, cầu thủ sinh năm 1999 cần tập trung vào phát triển sự nghiệp, không cần thiết phải dự một giải đấu vốn chẳng có nhiều ý nghĩa về mặt chuyên môn.

Nhưng cũng giống như Neymar, Văn Hậu phải trở về. Cầu thủ người Thái Bình là một trong những ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại, và nếu không phải những người như Văn Hậu gánh lấy trọng trách gỡ bỏ đi ẩn ức SEA Games đã tồn tại bao nhiêu năm qua, thì là ai?

Và cũng như Neymar, Văn Hậu chính là nhân tố quyết định đem về vinh quang cho Tổ quốc. Một trận chung kết hoàn hảo của hậu vệ sinh năm 1999 khi anh lập một cú đúp vào lưới U22 Indonesia. Văn Hậu đã có một trận đấu để đời, khi anh chơi một thứ bóng đá ở đẳng cấp vượt trội so với đối thủ. Dù chưa ra mắt trong đội 1 của Heerenveen nhưng quãng thời gian tại Hà Lan rõ ràng đã giúp cầu thủ quê Thái Bình tiến bộ đáng kể. Văn Hậu có thể hình tốt hơn, tư duy chơi bóng khoáng đạt hơn và ngay cả sử dụng tiểu xảo cũng “kín” hơn, tiêu biểu là tình huống làm Evan Dimas, tiền vệ quan trọng nhất trong đội hình U22 Indonesia.

Từ ao làng ra biển lớn

Đoàn Văn Hậu mới chỉ 10 tuổi khi Việt Nam có trận chung kết SEA Games gần nhất. Cậu bé Hậu khi đó chắc cũng đã khóc nức nở khi U23 Việt Nam thất bại trước đối thủ Malaysia. Đó là thất bại thứ 5 của bóng đá Việt Nam trong các trận chung kết SEA Games. Trên SVĐ quốc gia Lào ngày 17-12-2009, Nguyễn Trọng Hoàng là một trong các thành viên của U23 Việt Nam.

Neymar bật khóc sau khi thực hiện thành công loạt luân lưu trận chung kết bóng đá nam Olympic 2016.

10 năm sau, Trọng Hoàng và Văn Hậu cùng sát cách trong trận chung kết thứ 6. Họ hơn kém nhau đúng 10 tuổi (Trọng Hoàng sinh năm 1989), thuộc về hai thế hệ khác nhau. Và khi họ cùng đứng trong hàng ngũ U22 Việt Nam vô địch SEA Games 30, nhận tấm HCV tại Rizal Memorial, mọi thứ giống như cuộc chuyển giao của lịch sử. Một chương đầy những nỗi đau, nước mắt, sự tiếc nuối đã khép lại để mở ra một chương mới với vị thế mới của bóng đá Việt Nam.

Bây giờ không ai có thể nghi ngờ gì về sự thống trị của Việt Nam trong khu vực. Trong vòng 1 năm, thầy Park và các học trò đã đăng quang cả AFF Cup lẫn SEA Games, lần lượt vượt qua tất cả các đối thủ. Đến thời điểm này, HLV Park Hang-seo vẫn bất bại trước các đội bóng Đông Nam Á. Đoàn quân của chiến lược gia Hàn Quốc bây giờ là thách thức cho bất cứ đối thủ nào.

Vượt qua ẩn ức SEA Games, “ao làng” đã ở lại phía sau, giờ là lúc bóng đá Việt Nam yên tâm hướng đến những mục tiêu lớn hơn ở tầm châu lục và quốc tế. Những cầu thủ như Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Tiến Linh, Hà Đức Chinh, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Thành Chung… chính là hiện tại và tương lai. Họ, sau khi đã rũ bỏ nỗi ám ảnh SEA Games của cả một nền bóng đá lại phía sau, chắc chắn sẽ còn tiến rất xa. 

Văn Hậu bị tấn công trên trang cá nhân

Phút 23 trong trận chung kết SEA Games 30 giữa U22 Việt Nam và U22 Indonesia vào tối ngày 10-12, tiền vệ Evan Dimas đã phải rời sân trong nước mắt sau tình huống va chạm với hậu vệ Đoàn Văn Hậu.

Trang Instagram của hậu vệ Đoàn Văn Hậu (ĐT U22 Việt Nam) đã bị các CĐV quá khích của Indonesia tấn công sau khi anh khiến cho tiền vệ Evan Dimas không thể tiếp tục thi đấu ở trận chung kết SEA Games 30.

Với bàn thắng vào lưới U22 Indonesia trong trận chung kết SEA Games 30, Văn Hậu nổ súng trở lại tại đấu trường này sau gần 1.000 ngày. Lần gần nhất Văn Hậu ghi bàn tại SEA Games là vào ngày 15-8-2017 tại SEA Games 29. Đó là trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Đông Timor. Văn Hậu cũng lập một cú đúp giúp U23 Việt Nam giành chiến thắng 4-0.

Đơn Ca
.
.
.