“Cuộc đấu” giữa các doanh nghiệp kinh doanh ô tô quanh Thông tư 20

Thứ Ba, 26/07/2016, 11:08
Thông tư 20/2011/TT-BCT ngày 12/5/2011 của Bộ Công thương (Thông tư 20) được ví như “rào cản kỹ thuật”, hạn chế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc chưa qua sử dụng vào Việt Nam.

Tại thời điểm ban hành hồi năm 2011, bằng hai quy định cụ thể gồm giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân phối chính hãng và giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng do Bộ Giao thông vận tải cấp, Thông tư 20 đã làm tốt chủ trương hạn chế nhập siêu của Chính phủ.

Trải qua 5 năm áp dụng, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thông tư 20 đã làm méo mó môi trường cạnh tranh và khiến giá xe nhập khẩu đắt hơn. VCCI cho rằng các quy định trong Thông tư 20 không còn phù hợp với yêu cầu tại Điều 7 Luật Đầu tư về loại văn bản được phép quy định về điều kiện kinh doanh.

VCCI cũng cho rằng quy định về giấy ủy quyền nhập khẩu tạo ra ưu thế cho một số thương nhân sở hữu, không mang lại lợi ích từ góc độ quản lý nhưng lại gây khó khăn cho việc nhập khẩu. Vì vậy, VCCI đã đề nghị bãi bỏ Thông tư 20 và nhấn mạnh việc loại bỏ các yêu cầu tại Điều 1 của Thông tư 20.

“Mối lương duyên” giữa doanh nghiệp kinh doanh ô tô với khách hàng còn ràng buộc ít nhất 2-3 năm sau khi ký kết hợp đồng mua bán.

Tuy nhiên, kiến nghị của VCCI đã gặp phải sự phản ứng của hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh ô tô chính hãng. Gần như ngay lập tức, một loạt các tổ chức hiệp hội (như Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu - EuroCham, Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam - GBA và Phòng Thương mại và công nghệ Đức tại Việt Nam - GIC/AK, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam – VAMA, Hiệp hội Các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng - VIVA) và doanh nghiệp ô tô chính hãng đã lên tiếng phản đối và đồng loạt gửi văn bản kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng đề nghị giữ các quy định của Thông tư 20.

Về bản chất, Thông tư 20 giống như những điều khoản của một bản hợp đồng nhằm đảm bảo sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, từ đó gắn liền với chất lượng dịch vụ hậu mãi. Do vậy, nếu doanh nghiệp kinh doanh ô tô đủ năng lực, đáp ứng được các điều kiện của nhà sản xuất thì khả năng ký kết hợp đồng nằm trong tay của họ.

Và điều kiện kinh doanh đó rõ ràng không phải do Thông tư 20 hay Bộ Công thương đặt ra, mà do nhà sản xuất đặt ra. Sự cạnh tranh sòng phẳng diễn ra không chỉ giữa các nhà phân phối, mà chính các nhà sản xuất cũng phải cạnh tranh để được nhà phân phối “để mắt” đến.

Dịch vụ chuyên nghiệp của doanh nghiệp kinh doanh ô tô là cần thiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng.

Để thị trường ô tô tiếp tục phát triển lành mạnh, không chỉ các nhà phân phối mà cả các nhà sản xuất vẫn phải tiếp tục rà soát, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động để giảm giá xe. 

Và, để có thể tồn tại, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô phải tự nâng cao năng lực quản trị, thay đổi công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao,... trước áp lực cạnh tranh khốc liệt khi những Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực cho dù Thông tư 20 tiếp tục giữ hay bỏ.

Anh Nguyễn
.
.
.