Dư luận trái chiều xung quanh Dự thảo Thông tư 20 sửa đổi về nhập khẩu công nghệ cũ

Chủ Nhật, 20/09/2015, 07:59
Để tránh nguy cơ biến Việt Nam thành “bãi rác công nghệ” của thế giới, Bộ Khoa học và Công nghệ đang soạn thảo Thông tư 20 sửa đổi, trong đó quy định, doanh nghiệp không được nhập khẩu công nghệ có tuổi thọ trên 10 năm, kể từ ngày sản xuất tới lúc nhập khẩu. Trong khi các doanh nghiệp lớn ủng hộ thì không ít doanh nghiệp nhỏ lại tỏ ra băn khoăn, lo lắng nếu Thông tư này có hiệu lực.

Năm 2014, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 20/2014/TT-BKHCN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2014. Theo đó, những máy móc, thiết bị, công nghệ… muốn được nhập khẩu phải có thời gian sử dụng không quá 5 năm và chất lượng còn lại trên 80%. Tuy nhiên, sau khi lắng nghe những khó khăn từ phía doanh nghiệp, ngày 29/8/2014, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định 2279/QĐ-BKHCN thông báo dừng thi hành Thông tư 20.

Đến nay, sau quá trình trao đổi với các bộ, ngành… Bộ Khoa học và Công nghệ đã sửa đổi Thông tư 20 với các nội dung trọng tâm như: Tuổi thọ của thiết bị, máy móc không vượt quá 10 năm; phải phù hợp với quy chuẩn kĩ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Công ty đóng tàu Hạ Long có thể lắp ráp được tàu có công suất trên 70.000 tấn.

Mục đích của việc ban hành Thông tư 20 là nhằm thiết lập hành lang pháp lí để ngăn những công nghệ quá cũ kĩ, lạc hậu, gây ảnh hưởng tới môi trường… được nhập vào Việt Nam. Thông tư này được nhiều doanh nghiệp lớn đồng tình, ủng hộ. Ông Quách Đình Phú – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Quảng Ninh cho rằng, chủ trương của Thông tư 20 là hoàn toàn đúng. Công nghệ cũ chỉ nhập trong điều kiện quá khẩn cấp hoặc quá thiếu vốn. Nếu có nhập về, doanh nghiệp cũng phải nâng cấp dần. Đối với những doanh nghiệp đã hoạt động ổn định thì nên đầu tư công nghệ mới.

Ông Lê Văn Hanh – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Phát điện 1 cũng đồng quan điểm: “Tôi rất đồng tình với việc siết chặt nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu. Những năm trước đây, khi nền kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu thì việc nhập khẩu công nghệ cũ với giá thành rẻ là điều dễ hiểu. Nhưng nay chúng ta đã qua giai đoạn khó khăn đó, nền kinh tế đang phát triển nhanh thì phải hết sức cẩn trọng trong việc nhập khẩu công nghệ cũ. Với các nhà máy nhiệt điện, vòng đời của nhà máy thường là 25 năm. Chúng tôi phải lựa chọn công nghệ nào để sau 30 năm vẫn không lạc hậu, mà vẫn phù hợp với túi tiền. Không ai dại gì chọn công nghệ quá cũ, để rồi vài năm lại phải thay thế”.

Trong khi các doanh nghiệp lớn có đủ tiềm lực để nhập khẩu những công nghệ mới thì các doanh nghiệp nhỏ lại tỏ ra lo lắng khi Thông tư 20 có hiệu lực. Ông Cao Sĩ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, Thông tư 20 có tính chất dài hơi, giúp nền khoa học công nghệ trong nước không quá lạc hậu. Tuy nhiên, nên cân nhắc từng hoàn cảnh, từng doanh nghiệp dựa trên tình hình thực tế chứ không nên quá cứng nhắc. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ không đủ điều kiện tài chính để đầu tư dài hơi thì có thể “lấy ngắn nuôi dài”.

Ông Kiêm nói thêm: “Quan trọng nhất vẫn là tính hiệu quả. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Vì vậy, không nên trói buộc doanh nghiệp bằng chính sách, hãy để cho doanh nghiệp quyền tự chủ. Kinh tế thị trường đang phát triển rất nhanh. Doanh nghiệp phải tự quyết định về công nghệ dựa trên nguồn vốn và nhân lực. Chẳng doanh nghiệp nào nhập công nghệ quá lạc hậu để tiêu hao nhiên liệu, năng suất thấp”. Ngoài ra, ông Kiêm cũng cho rằng, cần phải phân định rạch ròi nguồn gốc của công nghệ nhập khẩu. Bởi lẽ, nếu công nghệ của Âu – Mỹ thì tuổi thọ trên 10 năm vẫn hoạt động tốt, trong khi nếu công nghệ của Trung Quốc – Đài Loan thì chỉ 5-7 năm đã xuống cấp.

Trước câu hỏi, Thông tư 20 có gây cản trở hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp FDI, ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá - Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định, trường hợp doanh nghiệp nước ngoài chuyển cả dây chuyền công nghệ đang sản xuất từ nước ngoài về Việt Nam, nếu trong hồ sơ dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đã có kèm theo danh mục máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng thì sẽ được nhập khẩu mà không phải áp dụng các quy định của Thông tư 20.

Tuy nhiên, sau khi nhập khẩu, doanh nghiệp không được phép bán hoặc chuyển nhượng dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng cho doanh nghiệp khác hoặc dự án khác. Trường hợp không liệt kê danh mục thiết bị cũ trong hồ sơ dự án, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện của Thông tư. Trường hợp bất khả kháng mà cần nhập khẩu để duy trì sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp cần nộp hồ sơ về Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Khánh Vy
.
.
.