Phương Tây “phân cực” trong phản ứng với Nga
Giống như Mỹ, các nước châu Âu khẳng định sẽ thực hiện những biện pháp trừng phạt nặng nề nhằm chống lại Nga nếu nước này tấn công Ukraine. Tuy nhiên, không giống như Washington, Brussels đang tránh đưa ra những lời đe dọa hay tối hậu thư để thuyết phục Nga giảm bớt sức ép quân sự ở biên giới với Ukraine và chấp nhận một lộ trình ngoại giao hướng tới hòa bình và an ninh.
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng chiều 18/2 (giờ địa phương – sáng 19/2 giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden cáo buộc Nga đang tìm cách “tạo cớ” để mở đường can thiệp quân sự, tấn công Ukraine trong những ngày tới đây: “Chúng tôi có lý do để tin rằng lực lượng quân sự Nga đang có kế hoạch và dự định tấn công Ukraine trong tuần tới, trong vài ngày tới”.
Tuy nhiên, khi được phóng viên đề nghị nêu bằng chứng chứng minh việc Moscow đã có kế hoạch tấn công Kiev, người đứng đầu Nhà Trắng đã né tránh trả lời trực tiếp, chỉ nói rằng Washington và đồng minh có tiềm lực tình báo đáng nể trong theo sát động thái, diễn biến từ Nga. Trước đó, các nhà phân tích chính trị Mỹ cho rằng ngày 20/2 mới là mốc thời gian quan trọng để xem Nga có tấn công Ukraine hay không chứ không phải ngày 16/2 như dự đoán trước đó. Họ cũng nói rằng sự “thổi phồng” về cuộc tấn công này đã khiến các quan chức Mỹ tập trung vào sai ngày.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã ngay lập tức lên tiếng bác bỏ thông tin trên, khẳng định những tuyên bố của phương Tây về một cuộc tấn công sắp xảy ra là “một sự giả mạo khác”. Ông nhấn mạnh: “Có vẻ như thông tin giả mạo khác lại được tạo ra. Tôi hy vọng rằng ít nhất bạn và tôi sẽ không tin vào những thông tin giả dối như vậy”. Ông đồng thời cho biết, từng có nhiều đồn đoán về ngày Nga tấn công Ukraine, thậm chí còn cụ thể hơn nhiều. Người phát ngôn Điện Kremlin kết luận: “Tất cả đều là giả dối, tin giả vô trách nhiệm, nhưng không ai trong số các tác giả chịu thừa nhận họ đã sai”.
Và trong văn bản phúc đáp Mỹ và NATO về nội dung dự thảo Hiệp ước giữa Moscow với Washington và NATO liên quan đảm bảo an ninh, Bộ Ngoại giao Nga cũng một lần nữa khẳng định, Moscow không có kế hoạch cho bất kỳ “cuộc xâm lược” nào vào Ukraine, vốn đang được Mỹ và các đồng minh liên tục đưa ra cảnh báo kể từ mùa thu năm 2021. Do đó, “các tuyên bố về trách nhiệm của Moscow liên quan sự leo thang không thể được coi là một nỗ lực nhằm gây áp lực và làm giảm giá trị các đề xuất của Nga về đảm bảo an ninh”.
Trong văn bản này, Nga cũng khẳng định, phía Mỹ đã không đưa ra phản ứng mang tính xây dựng đối với các yếu tố cơ bản của dự thảo hiệp ước do Moscow chuẩn bị về đảm bảo an ninh. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Những điều khoản này có tầm quan trọng cơ bản đối với Moscow”. Văn bản khẳng định, những đòi hỏi gần đây về việc cùng rút quân khỏi một số khu vực trên lãnh thổ Nga, kèm theo lời đe dọa về các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn là không thể chấp nhận được và làm suy yếu triển vọng đạt được những thỏa thuận thực sự.
Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho biết, ông không tin rằng sẽ có một cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng, mỗi bước đi sai lầm hoặc hiểu lầm giữa các nhà lãnh đạo thế giới có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Quan chức chính trị hàng đầu của LHQ Rosemary DiCarlo trước đó cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết của đối thoại trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Theo bà, tình hình ở Đông Ukraine là một mối đe dọa nghiêm trọng và cần phải được giải quyết thông qua ngoại giao.
Về phần mình, ông David Arakhamia, thành viên Quốc hội, đồng thời là lãnh đạo Đảng Người phụng sự nhân dân của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, chia sẻ trên đài phát thanh NV rằng, sức nóng câu chuyện “Nga xâm lược Ukraine” sẽ giảm dần trong vài tuần tới và chỉ trích các hãng truyền thông Mỹ đang thổi phồng nguy cơ, từ đó gây ra những nỗi sợ hãi không đáng có. Ông liệt kê một loạt hãng truyền thông như CNN, Bloomberg, Tạp chí Phố Wall… đều tham gia chiến dịch tung tin giả. Vị chính trị gia này còn tuyên bố các cáo buộc về nguy cơ xâm lược sắp tới của Nga đang khiến Ukraine tổn thất “2 đến 3 tỷ USD mỗi tháng”.
Sau nhiều tháng tăng cường lực lượng quân sự và nhiều tuần đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang ở thời điểm bước ngoặt quan trọng. Cuộc khủng hoảng này có thể biến thành một cuộc đối đầu quân sự hoặc cũng có thể hướng đến một giải pháp ngoại giao thông qua đàm phán. Giống như Mỹ, các nước châu Âu khẳng định sẽ thực hiện những biện pháp trừng phạt nặng nề nhằm chống lại Nga nếu nước này tấn công Ukraine.
Tuy nhiên, không giống như Washington, Brussels đang tránh đưa ra những lời đe dọa hay tối hậu thư để thuyết phục Nga giảm bớt sức ép quân sự ở biên giới với Ukraine và chấp nhận một lộ trình ngoại giao hướng tới hòa bình và an ninh. Mặc dù là những nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba và thứ tư thế giới nhưng cho tới nay, Pháp và Đức vẫn hạn chế hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Điều này từng khiến cho hai nước này bất đồng với Mỹ và Anh, những quốc gia đang tăng cường chuyển các trang thiết bị quân sự cho Ukraine.
Bằng cách dấy lên những cảnh báo, Tổng thống Joe Biden không muốn phương Tây và NATO lơ là cảnh giác hay chấp nhận “sống chung” với Nga. Trái lại, những nhà lãnh đạo thực dụng hơn ở châu Âu, đáng chú ý nhất là Đức, thì lại có quan điểm ngược lại. Điều mà họ nghĩ đến là khí đốt và vũ khí hạt nhân của Nga. Châu Âu phụ thuộc vào Nga về năng lượng và phần lớn chỉ sở hữu những tên lửa hạt nhân tầm ngắn. Liên minh châu Âu (EU) cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Nga khi chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch thương mại.
Tổng thống Vladimir Putin đã khẳng định rõ lập trường của mình trong bài phát biểu năm 2007 tại Hội nghị An ninh Munich - 16 năm sau khi Liên Xô tan rã, theo đó, cáo buộc Mỹ đang “vượt qua biên giới của mình theo mọi hướng” và chỉ trích việc sử dụng vũ lực gần như không hạn chế trong một thế giới mà không ai cảm thấy an toàn.
Trong cuộc họp báo ngày 15/2 với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người đứng đầu Điện Kremlin một lần nữa cảnh báo phương Tây về sự mở rộng của NATO, đồng thời bác bỏ những tuyên bố ngoại giao mơ hồ và những cuộc đàm phán để ngỏ mà không dẫn đến đâu. Hướng tiếp cận của Tổng thống Nga đã khiến cho phương Tây không thể phớt lờ những yêu cầu của Moscow. Châu Âu có lẽ sẽ giúp ích trong việc đàm phán về vấn đề Ukraine nhưng chỉ có Mỹ mới có thể cung cấp cho Nga những đảm bảo an ninh cần thiết liên quan đến việc mở rộng NATO, triển khai tên lửa và an ninh toàn cầu. Có lẽ Nga đã có tính toán này khi tuyên bố rút quân khỏi biên giới với Ukraine, đồng thời để ngỏ cánh cửa ngoại giao - một bước đi có thể khiến phương Tây ngày càng chia rẽ.