Pháp tuyên bố chấm dứt hiện diện quân sự tại Niger
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 24/9 tuyên bố nước này sẽ chấm dứt sự hiện diện quân sự cũng như phái đoàn ngoại giao ở Niger sau cuộc đảo chính lật đổ tổng thống ở đất nước châu Phi này.
Thông báo của Tổng thống Macron đánh dấu một bước chuyển mới trong chính sách của Pháp ở châu Phi, khi quân đội Pháp đã rút khỏi các nước lân cận của Niger như Mali và Burkina Faso sau những cuộc đảo chính tại những nước này. Hàng nghìn quân Pháp đã đồn trú tại các nước ở khu vực Sahel theo yêu cầu của các nhà lãnh đạo châu Phi nhằm chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Pháp đã duy trì khoảng 1.500 quân ở Niger kể từ cuộc đảo chính tháng 7/2023 và đã nhiều lần từ chối yêu cầu của chính quyền mới về việc rút phái đoàn ngoại giao. Pháp không công nhận những người lãnh đạo cuộc đảo chính là hợp pháp.
Thông báo của ông Macron được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính tại Niger cùng ngày 24/9 đưa ra tuyên bố rằng họ sẽ đóng cửa không phận của Niger đối với các máy bay thương mại và quân sự của Pháp, để ban lãnh đạo mới có thể “giành lại toàn quyền kiểm soát bầu trời và lãnh thổ của nước này”.
Ali Sekou Ramadan, trợ lý của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum tại Niger, cho biết ông Bazoum đã yêu cầu Tổng thống Macron triệu hồi Đại sứ Pháp Sylvain Itte về nước “để giảm bớt căng thẳng”.
Ông Macron cho biết đã nói chuyện với ông Bazoum ngày 24/9 và khẳng định “Pháp đã quyết định triệu hồi đại sứ của mình”. Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ chấm dứt hợp tác quân sự với chính quyền Niger vì họ không muốn chiến đấu chống khủng bố nữa”.
Theo Tổng thống Macron, việc rút quân sẽ được tiến hành dần dần, có thể hoàn thành vào cuối năm nay.
Ông nhấn mạnh sự hiện diện quân sự của Pháp là để đáp lại yêu cầu của chính phủ Niger vào thời điểm trước đó. Tuy nhiên, sự hợp tác quân sự giữa Pháp và Niger đã bị đình chỉ kể từ cuộc đảo chính.
Chính quyền quân sự tại Niger hiện đang chịu lệnh trừng phạt của các cường quốc phương Tây và khu vực châu Phi.
Ông Macron năm ngoái đã rút quân Pháp khỏi Mali do căng thẳng với chính quyền cầm quyền sau cuộc đảo chính năm 2020, và gần đây là khỏi Burkina Faso, vì những lý do tương tự. Cả hai nước châu Phi đều yêu cầu quân Pháp rời đi.