Nga "rắn giọng" với châu Âu sau khi Mỹ nói đưa tên lửa đến Đức

Chủ Nhật, 14/07/2024, 06:09

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo thủ đô của các nước châu Âu có khả năng trở thành "nạn nhân" của các vụ đáp trả của Nga nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm xa tại đây.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 13/7 (giờ địa phương) với đài truyền hình VGTRK về việc liệu Nga có phản ứng hay không nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm xa ở châu Âu, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lập tức trả lời: "Tất nhiên rồi". 

“Luôn luôn xảy ra một tình huống nghịch lý: Mỹ đã triển khai nhiều loại tên lửa có tầm bắn khác nhau ở châu Âu, vốn thường nhắm vào đất nước chúng tôi. Theo đó, chúng tôi đã xác định các địa điểm ở châu Âu sẽ là mục tiêu cho tên lửa của chúng tôi”, ông nói.

Người phát ngôn Điện Kremlin giải thích rằng điều nghịch lý là Mỹ sẽ tiếp tục có được lợi nhuận, trong khi châu Âu lại "ở trong tầm ngắm của tên lửa".

Nga cảnh báo đáp trả việc Mỹ triển khai tên lửa tầm xa ở châu Âu -0
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS

"Đất nước chúng tôi đang nằm trong tầm ngắm của tên lửa Mỹ đồn trú ở châu Âu. Chúng tôi đã từng trải qua điều này trước đây. Chúng tôi có đủ khả năng để ngăn chặn những tên lửa đó. Tuy nhiên, nạn nhân tiềm năng là thủ đô của những quốc gia châu Âu", Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo. 

Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh NATO, Mỹ và Đức thông báo rằng vào năm 2026, Mỹ sẽ triển khai tên lửa tầm xa tới Đức để thể hiện cam kết đối với NATO và tăng cường khả năng phòng thủ châu Âu.

Tuyên bố chung của 2 bên nêu rõ “việc triển khai theo từng đợt” là để chuẩn bị cho quá trình lắp đặt lâu dài tên lửa SM-6, tên lửa hành trình Tomahawk và vũ khí siêu thanh có tầm bắn xa hơn khả năng hiện tại, ở châu Âu. Ông Ryabkov gọi bước đi của Mỹ là một động thái gây leo thang căng thẳng nhằm đe dọa Nga.

Trên thực tế, các tên lửa mặt đất Mỹ muốn đưa đến Đức đều bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân Tầm trung (INF) năm 1988 giữa Mỹ với Liên Xô. INF cấm các bên triển khai khí tài có tầm bắn 500-5.000 km. Mỹ năm 2019 rút khỏi INF, cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước, điều mà Điện Kremlin bác bỏ. Moskva sau đó cũng có động thái tương tự.

Hôm 11/7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov thông báo Nga sẽ có “phản ứng quân sự” sau khi Mỹ tuyên bố sẽ triển khai vũ khí siêu thanh mà nước này đang phát triển tới châu Âu: “Chúng tôi sẽ phát triển một phản ứng quân sự trước mối đe dọa mới, với cái đầu lạnh”.

Bảo Hân
.
.
.