Nga-Mỹ để ngỏ khả năng đối thoại trong bối cảnh căng thẳng chưa hạ nhiệt

Thứ Sáu, 28/01/2022, 08:40

Mỹ đã yêu cầu tổ chức một cuộc họp mở tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine, vài giờ sau khi Nga cho biết “còn rất ít cơ sở để lạc quan” nhưng đối thoại vẫn có thể thực hiện được trong bối cảnh căng thẳng hiện nay.

Nga-Mỹ để ngỏ khả năng đối thoại trong bối cảnh căng thẳng chưa hạ nhiệt  -0
Xe tăng  T-72B3 được triển khai tại khu vực Rostov ngày 27/1. Ảnh Reuters. 

Đặc phái viên Mỹ tại LHQ, Linda Thomas-Greenfield, ngày 27/1 cho biết rằng chính quyền Biden muốn thảo luận về “hành vi đe dọa” của Nga đối với Ukraine. “Nga đang có các hành động gây bất ổn khác nhằm vào Ukraine, gây ra mối đe dọa rõ ràng đối với hòa bình và an ninh quốc tế cũng như Hiến chương LHQ”, đặc phái viên của Mỹ cho biết và đề nghị tiến hành một cuộc thảo luận trực tiếp và có mục đích vào tuần tới, Reuters đưa tin. 

Quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng xấu đi sau khi Moscow triển khai hàng chục nghìn binh sĩ đến khu vực gần biên giới với Ukraine. Điện Kremlin đã lên tiếng bác bỏ kế hoạch xâm lược đồng thời đưa ra nhiều yêu cầu về đảm bảo an ninh, trong đó có việc đề nghị NATO không kết nạp thêm Ukraine.

Đúng như dự đoán, Mỹ và các đồng minh hôm 26/1 gửi đi một phản ứng chung bằng văn bản, trong đó kiên quyết bác bỏ bất kỳ nhượng bộ nào trước Moscow, nhấn mạnh rằng việc triển khai quân và thiết bị quân sự ở Đông Âu là không thể thương lượng.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 27/1 cho biết phản ứng từ Mỹ và đồng minh NATO, để lại “rất ít cơ sở để lạc quan”, tuy nhiên, cũng nói thêm rằng “vẫn còn triển vọng cho một cuộc đối thoại vì lợi ích của cả hai bên”.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng ám chỉ việc “vẫn mở cửa” cho đối thoại, cho rằng còn một số yếu tố có thể dẫn đến “sự khởi đầu của một cuộc đàm phán nghiêm túc về các vấn đề thứ cấp”.

Mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào Tổng thống Vladimir Putin, người sẽ quyết định Nga sẽ phản ứng như thế nào trong bối cảnh lo ngại rằng châu Âu có thể lại chìm vào chiến tranh. Ông từng cảnh báo về “các biện pháp quân sự-kỹ thuật” nếu phương Tây khước từ các yêu cầu từ Nga.

Tiến Dũng
.
.
.