Moderna cảnh báo vaccine hiện tại có thể không hiệu quả với biến thể Omicron
Người đứng đầu hãng dược phẩm khổng lồ Moderna ngày 30/11 cảnh báo rằng vaccine COVID-19 hiện tại ít có khả năng hiệu quả đối với biến thể Omicron như đối với biến thể Delta, theo Reuters.
Giám đốc điều hành của Moderna, Stéphane Bancel, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times đã đưa ra nhận định rằng “mức độ hiệu quả” của vaccine đối với biến thể Omicron sẽ không còn giống như với Delta.
Ông Bancel cho biết “cần có thêm nhiều dữ liệu hơn” về biến thể Omicron, tuy nhiên, tất cả nhà nghiên cứu mà ông đã tham khảo ý kiến đều bày tỏ thiếu lạc quan về vấn đề này.
Biến thể Omicron, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho là “đáng quan ngại”, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo toàn cầu, khiến nhiều nước ra lệnh đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại, làm lu mờ những nỗ lực khôi phục kinh tế thế giới sau 2 năm chìm sâu trong đại dịch.
Mới đây, chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) đã mở rộng lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ một số quốc gia, bao gồm Angola, Ethiopia, Nigeria và Zambia, kể từ ngày 30/11. Ban đầu, danh sách này bao gồm các nước Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia và Zimbabwe. Thêm vào đó, những người đến từ Australia, Áo, Bỉ, Canada, Đức, …trong vòng 21 ngày qua cũng sẽ không thể đến thành phố này, bắt đầu từ ngày 2/12.
Ngày 30/11, Australia thông báo ghi nhận 5 trường hợp nhiễm biến thể Omicron là du khách đến nước này. Tất cả những người này đã được tiêm chủng và đang được cách ly, không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Singapore cũng cho biết 2 hành khách từ Johannesburg (Nam Phi), đến Sydney (Australia), có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể này từng quá cảnh tại sân bay Changi của Singapore.
Được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi ngày 24/11, Omicron đã lây lan sang hơn 10 nước và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục.
WHO thúc giục các nước có biện pháp ứng phó “dựa trên nguy cơ dịch bệnh”. Những lệnh cấm đi lại do nhiều nước áp dụng cũng làm dấy lên lo ngại về tình trạng bất công bằng vaccine.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, “những người dân châu Phi không có lỗi trong việc tỷ lệ tiêm chủng tại châu lục này thấp, và họ không nên bị trừng phạt vì đã phát hiện và chia sẻ thông tin khoa học và y tế đối với thế giới”.
Ấn Độ, nước có nhà máy sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đã phê duyệt cung cấp vaccine COVID-19 đến nhiều nước châu Phi, đồng thời khẳng định sẵn sàng “khẩn trương” gửi thêm. Trung Quốc cũng đã cam kết cung cấp 1 tỷ liều cho châu lục này.