Khí đốt của Nga đối với hai bờ Đông, Tây

Chủ Nhật, 29/05/2022, 09:09

Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã củng cố lập luận của những người ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) độc lập với năng lượng Moscow. Tuy nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Nga. Trong bối cảnh này, Nga đang có kế hoạch tăng lượng dầu thô và than đá xuất sang Trung Quốc, Ấn Độ. Nhưng, những lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ khiến kế hoạch này gặp khó.

Khí đốt Khí đốt 

Châu Âu “phân cực”

Các nước EU nhập khẩu khoảng 40% lượng khí đốt mà họ tiêu thụ từ Nga (155 tỷ m3). Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào nguồn cung này không đồng đều. Tây Âu nhập khẩu lượng khí đốt tối thiểu từ Nga (bao gồm Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ Đào Nha), trong khi Trung và Đông Âu phụ thuộc hơn 50% nguồn cung từ Moscow (gồm Bulgaria, Đức, Ba Lan, Hungary, Slovakia).

Lợi nhuận từ hải quan và thuế đối với khí đốt tự nhiên chiếm khoảng 7% nguồn thu ngân sách của Nga, tương đương với khoảng một nửa ngân sách chi tiêu quân sự của Moscow. Khoảng 2/3 lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang EU.

Có một thực tế là không thể chuyển hướng lượng khí đốt này cho các nước tiếp nhận khác, vì các dòng khí đốt đi đến châu Âu hiện không có mối liên hệ nào với các nước châu Á. Chỉ có một liên kết như vậy là đường ống dẫn khí đốt "Power of Siberia 2", dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng năm 2030.

qt.jpg -0
Hoạt động xây dựng trên tuyến đường ống Siberia dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc.                                                              Ảnh: Bloomberg

Việc thay thế khí đốt của Nga bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở hạ tầng. Số lượng lớn nhất các thiết bị đầu cuối LNG nằm ở các quốc gia nhập khẩu một lượng nhỏ khí đốt của Nga (Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha) nhưng ít nhất ở các quốc gia Trung và Đông Âu (chỉ ở Croatia, Litva và Ba Lan). Khả năng vận chuyển khí đốt từ các nhà ga Tây Âu sang phía Đông cũng bị hạn chế do hạn chế về kết nối. Sử dụng các trạm chứa khí đốt vượt quá 90% công suất của chúng để đáp ứng nhu cầu của EU cũng là một thách thức.

EU có thể tăng nguồn cung từ Azerbaijan khoảng 5 tỷ m3 mỗi năm, từ Bắc Phi khoảng 40 tỷ m3 (mặc dù một phần lớn có thể đến Tây Ban Nha, từ đó khí đốt sẽ không thể chuyển xa hơn về phía Đông) và từ Na Uy, khoảng 20 tỷ m3. Tuy nhiên, việc thay thế khí đốt của Nga trên toàn EU thông qua các đường ống dẫn khí đốt từ một hướng khác ngoài Nga cũng gặp thách thức lớn do thiếu cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, các nước Baltic và Ba Lan đang quyết tâm hạn chế nhập khẩu khí đốt từ Nga. Estonia, Litva và Latvia đã ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga vào ngày 1/4, điều này được thực hiện nhờ việc tăng cường sử dụng trạm nổi (FSRU) ở Klaipeda, Litva. Để đáp ứng nhu cầu lâu dài của các quốc gia Baltic và Phần Lan, quốc gia được kết nối với Estonia bằng đường ống dẫn khí đốt ngầm Balticconnector, các nước đã lên kế hoạch xây dựng FSRU ở cảng Paldiski của Estonia và dự kiến đưa vào sử dụng tháng 11 năm nay.

Ba Lan cũng dự định từ bỏ việc nhập khẩu khí đốt của Nga khi hợp đồng hết hạn (vào ngày 31/12 tới), với khoảng một nửa nhu cầu của họ. Tuy nhiên, ngày 26/4, Nga thông báo tạm ngừng xuất khẩu sang Ba Lan và Bulgaria do từ chối thanh toán tiền khí đốt bằng đồng rúp. Nhờ mức độ dự trữ cao - trên 75% - và các điểm kết nối hiện có (với Litva và Slovakia), Ba Lan có thể tạm thời đảm bảo nguồn cung thay thế.

Trong khi đó, lệnh cấm vận đối với khí đốt của Nga bị Áo, Đức, Hungary phản đối và một số quốc gia, chẳng hạn như Séc, từ chối đưa ra quan điểm rõ ràng.

Nga có thể “nắn dòng” năng lượng

Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga có kế hoạch tăng lượng dầu thô và than đá xuất sang Trung Quốc, Ấn Độ. Nhưng, theo giới chuyên gia, kế hoạch này chỉ có thể thực hiện được nếu Moscow đưa ra lời mời chào giảm giá sâu.

Năm ngoái, Grand Aniva, tàu chở dầu của Nga với bốn bồn chứa khí hóa lỏng (LNG) được làm lạnh ở nhiệt độ âm sâu liên tục có các chuyến đi từ một cơ sở khai thác khí đốt ở miền Đông nước Nga tới Nhật Bản, rồi Đài Loan (Trung Quốc). Nhưng hai ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tàu Grand Aniva đã thay đổi lộ trình, với điểm đến là Trung Quốc.

Hoạt động của tàu Grand Aniva – tàu có chiều dài bằng ba sân bóng đá tiêu chuẩn, cho thấy Moscow vẫn có thể tìm được các khách hàng ở châu Á nhập khẩu các mặt hàng nhiên liệu hóa thạch từ Nga bất chấp việc phương Tây áp lệnh trừng phạt chống Nga. Nhu cầu tìm kiếm khách hàng đối với Moscow ngày một lớn, nhất là trong bối cảnh Liên minh châu Âu có kế hoạch giảm nhập khẩu dầu thô của Nga theo lộ trình.

Hôm 14/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu lãnh đạo các công ty, tập đoàn năng lượng tại Nga phải tìm cách hướng dòng xuất khẩu sang các thị trường đang tăng trưởng mạnh ở châu Á.

Hai điểm đến được Nga coi trọng nhất là Trung Quốc, nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, và Ấn Độ, thị trường tiêu thụ năng lượng đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ. Nhưng việc dịch chuyển xuất khẩu năng lượng của Nga từ châu Âu sang châu Á cũng sẽ gặp phải nhiều thách thức lớn. Nga sẽ cần phải đưa ra mức giá chiết khấu cao đối với dầu thô, than xuất khẩu, đủ để các nhà nhập khẩu cảm thấy bị hấp dẫn, sẵn sàng chấp nhận đối mặt với nguy cơ.

Đối với khí đốt, Nga sẽ phải mất nhiều năm để xây thêm các cảng, tuyến đường ống phục vụ hoạt động xuất khẩu. Để nắn dòng khí đốt từ châu Âu sang châu Á, Nga cần xây dựng các tuyến đường ống rất dài, hoặc là các cảng chuyên dụng như cảng đặt tại đảo Sakhalin, điểm xuất phát của tàu chở dầu Grand Aniva. Nhưng những cảng như vậy phải được trang bị công nghệ làm lạnh đặc biệt, đủ để biến khí thành chất lỏng để có thể chuyển lên các khoang chứa trên tàu.

Muốn vận chuyển dầu sang châu Á cũng cần phải sử dụng tới vận tải đường biển. Do lệnh trừng phạt của phương Tây chống Nga, các hãng bảo hiểm từ chối cung cấp dịch vụ đối với các tàu chở dầu thô có nguồn gốc từ Nga. Ngân hàng cũng từ chối cấp tín dụng với các lô hàng dầu thô mua của Nga. Vì thế, các công ty nhập khẩu tại một số nước như Ấn Độ đã yêu cầu Nga phải chào mời mức giá chiết khấu rất cao, đủ để đầu mối nhập khẩu trang trải chi phí phát sinh cũng như nguy cơ đến từ các lệnh trừng phạt.

Than xuất khẩu của Nga, thường được chở bằng xe tải, tàu đường sắt tới Trung Quốc, ít phải đối mặt với những rào cản về logistics. Nhưng xuất khẩu mặt hàng này chỉ đạt giá trị khoảng 10% và 25% lần lượt so với xuất khẩu dầu thô và khí đốt của Nga. Việc phương Tây cấm giao dịch bằng đồng USD liên quan đến giao dịch, xuất khẩu của Nga khiến nhu cầu nhập khẩu than từ Trung Quốc suy yếu.

Bất chấp những thách thức nêu trên, giới lãnh đạo trong ngành năng lượng toàn cầu dự đoán Nga vẫn có thể tìm ra cách thức thúc đẩy xuất khẩu năng lượng, ít nhất là với mặt hàng dầu thô và than do nhu cầu nhập khẩu đối với hai sản phẩm này tiếp tục tăng cao. Thế giới từng chứng khiến thiếu hụt năng lượng vào mùa thu năm ngoái, khi Trung Quốc hết than, đẩy nền kinh tế nước này rơi vào tình cảnh bị cắt điện, thiếu điện cho sản xuất. Giá khí đốt, dầu thô, than đã tăng mạnh kể từ năm ngoái.

Việc chặn xuất khẩu năng lượng nhằm vào Nga – như cách EU đang lên kế hoạch về trừng phạt dầu thô, sẽ khiến các sản phẩm này tăng cao. Một số lãnh đạo trong ngành dầu mỏ toàn cầu hiện kêu gọi áp dụng các chính sách linh hoạt hơn, theo hướng không chặn hoàn toàn dòng xuất khẩu năng lượng của Nga, thay vào đó khiến Nga phải chật vật xuất khẩu, chỉ có thể xuất được với mức giảm giá sâu, từ đó làm giảm doanh thu.

“Vấn đề không phải là giảm hay chặn xuất khẩu năng lượng của Nga sang châu Âu, mà là giảm nguồn doanh thu từ dầu mỏ, khí đốt. Cần phải phân định rạch ròi hai quan điểm này”, ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan năng lượng Quốc tế (IEA) đặt trụ sở tại Paris, Pháp, nhận định...

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.