Hàn Quốc đặt "dấu hỏi" về tên lửa siêu vượt âm của Triều Tiên
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 7/1 cho rằng, loại tên lửa mà Triều Tiên phóng đi hôm 5/1 có thể không phải là vũ khí siêu vượt âm như nước này tuyên bố và vụ phóng đó "chỉ mang tính tuyên truyền".
Theo Reuters, phía Hàn Quốc nghi Triều Tiên đã phóng đại về tuyên bố thử thành công đầu đạn siêu vượt âm. Các chuyên gia Hàn Quốc nhận định, đó là tên lửa đạn đạo từng được trưng bày tại triển lãm quốc phòng ở Bình Nhưỡng hồi tháng 10/2021 và khẳng định lực lượng Mỹ, Hàn Quốc đủ sức đánh chặn loại đầu đạn này.
Triều Tiên tuyên bố phóng thử tên lửa siêu vượt âm đầu tiên hồi tháng 9 năm ngoái và vụ việc hôm 5/1 là lần thứ 2. Họ tiết lộ đầu đạn siêu vượt âm đã tách khỏi tên lửa đẩy và di chuyển 120 km trước khi đánh trúng mục tiêu cách đó 700 km.
Ông Lee Choon Geun, thành viên nghiên cứu danh dự tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cho rằng, các bức ảnh từ cả hai vụ phóng cho thấy phần trên của hai tên lửa trông khác nhau. Điều này có thể chứng tỏ Triều Tiên đang thử nghiệm hai phiên bản của cùng một tên lửa hoặc hai loại tên lửa. Tuy nhiên, Triều Tiên dường như không có bất cứ phát triển nào thêm kể từ vụ phóng lần 1.
"Các thông số được Triều Tiên công bố dường như để củng cố niềm tin của công chúng với chương trình tên lửa đạn đạo của nước này. Bình Nhưỡng chưa sở hữu những công nghệ cần thiết để phát triển và biên chế vũ khí siêu vượt âm", tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nêu rõ.
Giới học giả cho rằng, nhận xét của Seoul nhiều khả năng sẽ khiến Triều Tiên nổi giận, bởi quốc gia này thường không lên tiếng hoài nghi về những vụ thử vũ khí của Bình Nhưỡng tránh leo thang căng thẳng.
Việc Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa siêu vượt âm đã khiến nhiều quốc gia quan ngại vì loại vũ khí này có thể di chuyển với tốc độ cao và có đường bay linh hoạt và có thể làm khó các lá chắn phòng thủ.