Bất bình đẳng trong phân phối vaccine trở thành trọng tâm tại Liên hợp quốc
Bất công bằng trong việc phân phối vaccine COVID-19 đã trở thành trọng tâm trong phiên thảo luận của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) ngày 23/9 khi vấn đề này được đề cập trong bài phát biểu của đại diện từ một số nước châu Phi, những quốc gia mà tại đây người dân ít hoặc không được tiếp cận với vaccine.
Đến nay, đại dịch COVID-19 là chủ đề nổi bật nhất trong các bài phát biểu của lãnh đạo nhiều nước trước ĐHĐ LHQ. Cũng chính đại dịch đã khiến nhiều bài phát biểu phải được gửi từ xa thay vì trực tiếp trước ĐHĐ. Hết nước này đến nước khác đã nói lên sự chênh lệch lớn trong việc tiếp cận vaccine, vẽ nên một bức tranh ảm đạm đến mức đôi khi khó có thể đưa ra một giải pháp cụ thể nào.
Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cho biết trong một bài phát biểu được ghi hình từ trước rằng: “Một số quốc gia đã tiêm chủng cho phần lớn dân số và đang trên đường phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, tại một số nước nơi thiếu hụt vaccine và hệ thống y tế kém phát triển, các hệ lụy do đại dịch đang nổi lên. Ở châu Phi, cứ 20 người thì chưa đến một người được tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó ở châu Âu, cứ hai người thì có một người được tiêm chủng đầy đủ. Sự chênh lệch này nói lên tình trạng không công bằng đáng báo động”.
Lãnh đạo của một số nước châu Phi đã có bài phát biểu trước ĐHĐ LHQ trong ngày 23/9, từ Nam Phi, Botswana, Angola đến Libya, theo AP. Trong đó đáng chú ý là Zimbabwe, đất nước đang chứng kiến tình trạng khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra, khiến nhiều gia đình phải từ bỏ truyền thống chăm sóc người lớn tuổi có từ lâu đời. Hay như Uganda, nơi làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới đã khiến số giường bệnh ít ỏi trở nên đắt đỏ hơn, dẫn đến quan ngại về việc các bệnh viện tư nhân bị tố “bóc lột” bệnh nhân.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh bàn về vấn đề tiêm chủng COVID-19 toàn cầu hôm 22/9, được triệu tập bên lề cuộc họp của Đại hội đồng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo rằng nước này sẽ tăng gấp đôi số lượng vaccine COVID-19 do hãng dược phẩm Pfizer sản xuất lên một tỷ liều để chia sẻ với các nước khác, với mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số toàn cầu trong năm tới. Tuy nhiên, con số này vẫn nhỏ bé so với 5 hoặc 6 tỷ liều mà các chuyên gia y tế cho là cần thiết để cung cấp cho các nước nghèo. Tuyên bố này của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra khi hàng loạt các nhà lãnh đạo thế giới, các nhóm viện trợ và các tổ chức y tế toàn cầu bày tỏ quan ngại về tốc độ tiêm chủng toàn cầu chậm lại cũng như sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các mũi vaccine giữa cư dân của các nước giàu có và các nước nghèo hơn. Những lô vaccine bổ sung đầu tiên sẽ được giao từ tháng 1/2022.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tính đến nay chỉ có 15% số lượng vaccine được các nước giàu có với nguồn cung dồi dào hứa tặng cho các nước nghèo đã được chuyển giao. WHO cũng bày tỏ mong muốn rằng các nước giàu nên thực hiện cam kết chia sẻ vaccine của mình “ngay lập tức” và cung cấp số lượng lớn vaccine cho các chương trình hỗ trợ các nước nghèo và đặc biệt là ở châu Phi. Tỷ lệ tiêm phòng ở một số quốc gia nghèo nhất thế giới, bao gồm Haiti và Cộng hòa Dân chủ Congo, là dưới 1%. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã chỉ trích các nước về việc phân phối vaccine không công bằng, ví von tình trạng này là “điểm F về đạo đức”.
Trong bài phát biểu hôm 22/9, Tổng thống Felix Tshisekedi của Congo đã chia sẻ một thực trạng đáng buồn rằng chỉ có một trên 1.000 dân ở nước này đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Ông Tshisekedi cho rằng sự chênh lệch nguồn cung vaccine COVID-19 hiện nay “rõ ràng không biểu thị sự công bằng giữa các nước và dân tộc trên thế giới”. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đề cập đến những thất bại trong việc chia sẻ vaccine COVID-19 trong bài phát biểu của mình, nhận định rằng những hy vọng của ông hồi năm 2020 về “chủ nghĩa đa phương hiệu quả và đoàn kết quốc tế hiệu quả” đã tiêu tan một năm sau đó, nhấn mạnh đến việc “chia sẻ mục tiêu và chia sẻ vaccine” đã không thành hiện thực.
Một trong những vấn đề quan trọng khác được thảo luận trong phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 23/9 là biến đổi khí hậu. Đây cũng là vấn đề trọng tâm của ĐHĐ LHQ trong tuần này. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã đề cập đến “những dấu hiệu tiến bộ mờ nhạt” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong phiên họp hôm 20/9, tuy nhiên, không nước nào đưa ra cam kết cắt giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, người sẽ chủ trì COP26 - Hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ năm 2021 sắp tới, đã khẳng định trong phiên họp của ĐHĐ LHQ rằng lãnh đạo quốc tế cần “trưởng thành” và giải quyết biến đổi khí hậu. Ông thúc giục chính phủ các nước có hành động và dành nhiều ngân sách hơn cho chống biến đổi khí hậu trong bối cảnh các chuyên gia nhận định rằng tình trạng nóng lên toàn cầu đang tiến gần đến mức “không thể quay đầu”, theo Al Jazeera.