Bão tin giả tấn công MXH giữa xung đột Nga-Ukraine

Thứ Tư, 02/03/2022, 06:34

Các trang mạng xã hội (MXH) ngập tràn thông tin, hình ảnh và video được mô tả là ghi lại từ Ukraine trong chiến dịch quân sự của Nga. Tuy nhiên, không ít trong số chúng sau đó được xác định là giả mạo hoặc được đăng tải không đúng hoàn cảnh.

Vài giờ sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, trên các MXH Twitter và Facebook hôm 24/2 tràn ngập những mẩu tin và các đoạn video về một nhân vật ẩn danh có tên "Bóng ma Kiev" (Ghost of Kyiv), người được mô tả là một phi công bí ẩn đã bắn rơi 5 chiến đấu cơ và một trực thăng của Nga.

Bão tin giả tấn công MXH giữa xung đột Nga-Ukraine -0
Không ai biết liệu "Bóng ma Kiev" có thật hay không, nhưng những hình ảnh và video thì đều được xác nhận là giả mạo, hoặc đăng tải không đúng ngữ cảnh. 

Đến ngày 25/2, đoạn video được mô tả là ghi lại cảnh "Bóng ma Kiev" truy đuổi và bắn rơi máy bay của Nga ở tầm thấp bất ngờ xuất hiện trên MXH và lập tức được chia sẻ rộng khắp, thậm chí bởi cả những tài khoản của các hãng tin hay một số quan chức Ukraine.

Tuy nhiên, giới chuyên gia sau đó phát hiện ra đoạn video thực chất là một cảnh quay được dựng lên bởi phần mềm máy tính từ trò chơi Digital Combat Simulator: World, phát hành năm 2013. Đại diện người phát hành trò chơi cũng xác nhận điều này với Reuters.

Bão tin giả tấn công MXH giữa xung đột Nga-Ukraine -0
Trên Youtube vẫn còn hàng chục video được mô tả là ghi lại cảnh máy bay MiG-29 Ukraine bắn rơi Su-35 của Nga, dù chúng hoàn toàn không đúng sự thật.

Phản ứng với thông tin trên, MXH Twitter đã gắn cờ một loạt bài đăng chia sẻ video "Bóng ma Kiev" không đúng với mô tả của người đăng bài. Dẫu vậy, một số nguồn tin vẫn quyết định từ chối xóa video, khi nó đã nhận hàng ngàn lượt thích và chia sẻ.

Sự việc "Bóng ma Kiev" không phải hiếm trong 6 ngày qua, khi mà chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vẫn được toàn thế giới quan tâm, còn những thông tin có thể được xác nhận lại quá ít.

Bão tin giả tấn công MXH giữa xung đột Nga-Ukraine -0
Video của người lính dù này không phải được ghi lại trong chiến dịch của Nga ở Ukraine, mà nó đã xuất hiện từ năm 2015.

Hôm 26/2, trên mạng xã hội xuất hiện video được mô tả là do một lính dù Nga tự ghi lại khi anh này đổ bộ xuống Ukraine. Sau vài giờ, đoạn video được lan truyền chóng mặt trên Tiktok và Facebook, nhận hàng chục triệu lượt xem.

Tuy nhiên, theo CNN, đoạn video nói trên đã xuất hiện từ năm 2015.

Bão tin giả tấn công MXH giữa xung đột Nga-Ukraine -0
Trong khi các tài khoản MXH khẳng định hình ảnh trên được ghi lại ở Kiev hôm 25/2, trang tin Gizmodo khẳng định nó có nguồn gốc từ Moscow vào năm 2020.

Một ngày tiếp đó, các hình ảnh và video được cho là ghi lại một nhóm máy bay quân sự Nga bay theo đội hình trên bầu trời Kiev lại được chia sẻ chóng mặt. Cuối cùng, các chuyên gia phát hiện đoạn clip này thực chất được ghi lại ở Moscow từ năm 2020.

Hay như khi trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh một xe quân sự Strela-10 đâm phải một xe hơi trên đường phố Ukraine, khiến một người đàn ông bị thương, nhiều hãng tin đã lập tức kết luận đó là xe quân sự do lực lượng Nga vận hành.

Tuy nhiên, tờ USAToday nói rằng rất khó để xác định ai là người điều khiển chiếc xe. Mẫu Strela-10 được cả quân đội Nga và Ukraine sử dụng.

Bão tin giả tấn công MXH giữa xung đột Nga-Ukraine -0
Hình ảnh mà Zambia News Express đăng tải không phải của Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska.

Cách đây vài hôm, tài khoản Facebook có tên Zambia News Express lại đăng tải hình ảnh một nữ quân nhân kèm chú thích đó là "Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska đang ở tiền tuyến chiến đấu với lực lượng Nga. Cô ấy đã 44 tuổi". Theo USAToday, hình ảnh do tài khoản trên đăng tải không phải của bà Zelenska và nó được ghi lại trong một cuộc diễn tập năm 2021.

Bão tin giả tấn công MXH giữa xung đột Nga-Ukraine -0
Hình ảnh của ông Zelensky lan truyền trên MXH vài ngày qua đã được chụp lại từ tháng 4/2021, không phải sau khi chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu.

Bản thân Tổng thống Ukraine Zelensky cũng là "nạn nhân" của tin giả, khi gần đây nhiều tài khoản mạng xã hội đăng tải hình ảnh ông xuất hiện cạnh các binh sĩ rồi mô tả chúng chỉ vừa được ghi lại từ khi chiến dịch của Nga bắt đầu. Trên thực tế, chúng đã được ghi khi ông tới các đơn vị quân đội từ năm ngoái.

Giới chuyên gia khuyến cáo người dùng MXH nên tìm đến những nguồn tin chính thống để theo dõi thông tin về tình hình chiến sự; đồng thời tự mình kiểm chứng trước khi bấm share bất cứ thứ gì trên MXH, tránh trở thành nạn nhân của nạn "tin giả".

Nga khuyến cáo truyền thông cảnh giác với tin giả

Trong thông điệp ngày 26/2, Bộ Quốc phòng Nga khuyến cáo các phương tiện truyền thông đại chúng nên cảnh giác với việc lan truyền tin giả, thông tin sai lệch về hoạt động của quân đội nước này. 

Cơ quan quốc phòng Nga cũng chỉ đích danh báo Novaya Gazeta, một tờ báo đối lập hàng đầu tại nước này, đang phát tán thông tin giả. Cụ thể, báo này đưa thông tin từ phía Ukraine về việc "Nga tổn thất hàng nghìn quân nhân, hàng trăm xe bọc thép và máy bay bị phá hủy".

Bộ Quốc phòng Nga khẳng định sẽ tiếp tục cung cấp những thông tin đáng tin cậy về tiến trình hoạt động quân sự đặc biệt của các lực lượng vũ trang Nga, đồng thời kêu gọi tất cả các cơ quan báo chí hãy cảnh giác, không trở thành nạn nhân của những tin giả này.

Thiện Nhân
.
.
.