Ban lãnh đạo Taliban ẩu đả vì bất đồng việc thành lập chính phủ mới
Nguồn tin từ các quan chức cấp cao Taliban cho biết một vụ ẩu đả lớn đã nổ ra giữa các nhà lãnh đạo của nhóm liên quan đến việc thành lập chính phủ mới ở Afghanistan, BBC ngày 15/9 đưa tin.
Nguồn tin cho biết cuộc tranh cãi tại dinh tổng thống giữa người đồng sáng lập nhóm Mullah Abdul Ghani Baradar và Khalil ur-Rahman Haqqani - bộ trưởng lâm thời phụ trách vấn đề tị nạn và là người có sức ảnh hưởng lớn trong Mạng lưới Haqqani - đã lời qua tiếng lại gay gắt, trong khi cấp dưới của họ lao vào ẩu đả.
Các quan chức cấp cao Taliban nói với BBC rằng, cuộc tranh cãi nổ ra liên quan đến việc thành lập chính phủ mới của nhóm này ở Afghanistan.
Một thành viên cấp cao Taliban ở Qatar và một nguồn thạo tin khác cũng xác nhận cuộc tranh cãi xảy ra vào cuối tuần trước, với nguyên nhân là do phó thủ tướng lâm thời Baradar không hài lòng về cơ cấu chính phủ mới được thành lập.
Tranh cãi được cho là bắt nguồn từ những bất đồng về việc ai trong Taliban nên được ghi nhận công lao cho chiến thắng của tổ chức này ở Afghanistan. Ông Baradar cho rằng những người thực hiện các hoạt động ngoại giao giống như ông cần phải được chú ý tới, trong khi các thành viên Mạng lưới Haqqani và những người ủng hộ tin rằng chiến thắng có được là do chiến đấu.
Ông Baradar là thủ lĩnh Taliban đầu tiên có liên lạc trực tiếp với một tổng thống Mỹ, khi điện đàm với ông Donald Trump vào năm 2020. Trước đó, ông Baradar là người đại diện Taliban ký thỏa thuận Doha về việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
Trong khi đó, Mạng lưới Haqqani có liên quan đến một số vụ tấn công bạo lực nghiêm trọng nhất xảy ra ở Afghanistan nhằm chống lại lực lượng Afghanistan và các đồng minh phương Tây trong những năm gần đây. Mạng lưới này bị Mỹ chỉ định là tổ chức khủng bố. Sirajuddin Haqqani, lãnh đạo Mạng lưới Haqqani, là bộ trưởng nội vụ lâm thời trong chính phủ mới được Taliban thành lập.
Tin đồn về một vụ ẩu đả đã lan rộng từ cuối tuần trước, khi ông Baradar - một trong những gương mặt nổi tiếng nhất của Taliban - biến mất một cách bí ẩn. Trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều đồn đoán về việc có thể ông Baradar đã chết. Tuy nhiên,các nguồn tin Taliban cho biết ông Baradar đã rời Kabul và đến thành phố Kandahar sau vụ ẩu đả.
Trong một đoạn băng ghi âm được công bố hôm 13/9, ông Baradar nói rằng ông "đi công tác xa" và khẳng định bản thân vẫn ổn dù ở bất cứ đâu.
Taliban vẫn khẳng định không có vụ tranh cãi nào và ông Baradar vẫn an toàn, song lại đưa ra các thông tin mâu thuẫn về hoạt động của ông. Một phát ngôn viên cho biết ông Baradar đã tới Kandahar để gặp thủ lĩnh tối cao Taliban, nhưng sau đó lại nói với BBC rằng ông "mệt và muốn nghỉ ngơi một chút".
Nhiều người Afghanistan sẽ cảm thấy họ có lý do chính đáng để nghi ngờ lời nói của Taliban. Vào năm 2015, nhóm này thừa nhận đã che đậy cái chết của thủ lĩnh sáng lập Mullah Omar trong hơn hai năm và vẫn tiếp tục đưa ra các tuyên bố nhân danh ông trong khoảng thời gian này.
Các nguồn tin cho hay ông Baradar dự kiến sẽ trở lại Kabul và có thể xuất hiện trước truyền thông để phủ nhận bất kỳ cuộc tranh cãi nào đã xảy ra. Ngoài ra, vẫn còn nhiều suy đoán về thủ lĩnh tối cao Taliban Hibatullah Akhundzada, người chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng. Ông Akhundzada phụ trách các vấn đề chính trị, quân sự và tôn giáo của Taliban.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao lâm thời hôm 14/9 kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế tái khởi động viện trợ, nói rằng cộng đồng quốc tế không nên chính trị hóa hoạt động giúp đỡ Afghanistan.
Taliban đã giành quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng trước và tuyên bố quốc gia này là một "Tiểu vương quốc Hồi giáo". Nội các lâm thời mới được nhóm công bố hôm 7/9, với các thành viên đều là nam giới và là nhân vật cấp cao của Taliban. Nhiều người trong đó được biết đến với các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào lực lượng Mỹ trong 2 thập kỷ qua.