Sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ góp phần hạ nhiệt “tín dụng đen”

Thứ Năm, 18/11/2021, 20:10

Tại Hội thảo “Cảnh báo tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức” do Báo Lao động và Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức, kết luận Hội thảo, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra một số giải pháp nhằm đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”.

Một trong những giải pháp mà ông Đào Minh Tú đưa ra, đó là về phía Bộ Công an, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng tham gia đường dây, có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” hoặc các đối tượng tham gia giới thiệu, tuyên truyền cho “tín dụng đen”. Đồng thời, Bộ Công an có giải pháp phù hợp cho phép sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc xác thực khách hàng để giúp các tổ chức tín dụng giảm chi phí, hạ lãi suất, tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người dân thuộc nhóm dễ bị ảnh hưởng của “tín dụng đen”.

Sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ góp phần hạ nhiệt “tín dụng đen” -0
Cán bộ Công an đang triển khai thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư .

Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã ký Quyết định số 1911/QĐ-TTg về việc thực hiện kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Theo Quyết định này, việc kết nối, chia sẻ thông tin công dân giữa các cơ sở dữ liệu phải được bảo đảm bảo mật, an ninh, an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Việc sử dụng thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tuân thủ theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29.3.2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31.12.2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chia sẻ thông tin về công dân cho cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện công tác quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu về y tế và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác cung cấp thông tin về công dân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật để bảo đảm thống nhất, đầy đủ, chính xác, kịp thời của thông tin. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chia sẻ dữ liệu thông tin công dân thuộc lĩnh vực quản lý để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và công tác quản lý Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu khác. Đồng thời, chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá, kiểm tra lỗ hổng bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin khi thực hiện việc kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu khác. Quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trong việc kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng, lưu trữ dữ liệu thông tin công dân để giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế -xã hội.

Được biết, sau khi Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cùng Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đưa vào vận hành, khai thác, đã có thông tin của gần 100 triệu công dân được quản lý tập trung, thống nhất; đồng thời thực hiện thu nhận, cấp căn cước công dân gắn chíp cho 60 triệu công dân cũng như cấp trên 45 triệu thẻ căn cước công dân và dự kiến trong tháng 10 sẽ hoàn thành mục tiêu cấp đổi 50 triệu thẻ căn cước công dân cho công dân trên toàn quốc.

Sau một thời gian triển khai áp dụng, việc triển khai hiệu quả các ứng dụng phần mềm, tiện ích tích hợp trên thẻ căn cước công dân kết nối, xác thực với Cơ sở dữ dữ liệu quốc gia về dân cư đã đạt được kết quả tích cực, góp phần phòng, chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội, được người dân và các lực lượng chức năng, các cơ quan quản lý đánh giá rất thuận tiện, nhanh chóng, dễ thực hiện và giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Ngoài ra, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn được ứng dụng trong quản lý công dân diện chính sách đã cập nhật thông tin cho trên 1.300.000 trường hợp; thực hiện giải quyết chế độ cho 1.195.079 trường hợp, tổng số tiền đã hỗ trợ là gần 1.900 tỷ đồng…

Chính vì những hiệu quả ứng dụng như vậy, hy vọng, khi được chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc xác thực khách hàng, giúp các tổ chức tín dụng giảm chi phí, hạ lãi suất, tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người dân thuộc nhóm dễ bị ảnh hưởng của “tín dụng đen” như giải pháp mà ông Đào Minh Tú đưa ra sẽ là một trong những giải pháp giúp hạ nhiệt vấn nạn “tín dụng đen” đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp như hiện nay.

Quang Nhật
.
.
.