Nhiều con nợ bị “tín dụng đen” ép vào tình thế vi phạm pháp luật

Thứ Năm, 18/11/2021, 16:23

Hoạt động “tín dụng đen” biến tướng ngày càng tinh vi không chỉ khiến người vay tán gia bại sản, mà còn có nguy cơ vướng vòng lao lý khi liên quan đến hoạt động này.

Anh N.V.T. (Hà Nội) - một nạn nhân của “tín dụng đen” kể, vì kinh doanh thua lỗ nên mấy tháng trước, anh phải vay nợ một khoản tiền với lãi suất cao. Khi anh làm thủ tục vay, các đối tượng yêu cầu anh ký vào một giấy nhận tiền nhưng với nội dung là anh nhận chạy cho một người con của đối tượng vào làm việc tại một bệnh viện trên địa bàn. Khi anh T. thắc mắc, các đối tượng nói là, hiện cơ quan Công an đang đấu tranh mạnh về việc cho vay lãi nên để đối phó, phải viết giấy nhận tiền dưới hình thức như vậy. Nghe xuôi tai, lại đang cần tiền kinh doanh, anh T. đã đồng ý ký giấy nhận tiền với nội dung “chạy việc làm”.

Thế nhưng, do dịch bệnh bùng phát, việc kinh doanh của anh T. không tiến triển, tiền đổ vào như muối bỏ bể. Đến kỳ hạn không có đủ tiền trả lãi và gốc, anh T. bị bên cho vay gọi điện đe doạ, khủng bố tinh thần. Anh T. không dám nghe điện thoại, không dám truy cập zalo, facebook, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Một ngày, các đối tượng tìm đến tận nhà anh T. Không gặp được anh, số đối tượng này cho người nhà anh xem giấy tờ anh ghi nội dung “đã nhận tiền để chạy việc”. Các đối tượng tuyên bố, nếu anh T. không trả tiền sẽ tố cáo anh có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đường cùng, anh T. và gia đình đành vay mượn và bán tài sản trong nhà để trả nợ.

image001.jpg -0
Cán bộ điều tra lấy lời khai của đối tượng Nguyễn Khắc Tú.

Theo Cục Cảnh sát hình sự, hiện nay hoạt động “tín dụng đen” ngày càng tinh vi. Các đối tượng thường sử dụng công nghệ mời chào người có nhu cầu vay tiền với nội dung quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (thực chất là để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật). Các đối tượng lập ra các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay... Trường hợp của anh T. ở trên là một ví dụ, các đối tượng đã lập chứng cứ để đưa anh vào tình thế vi phạm pháp luật.

Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Phú Thọ đã triệt phá đường dây cho vay lãi nặng do Nguyễn Khắc Tú (SN 1971, trú tại phường Minh Phương, TP Việt Trì) cầm đầu. Các đối tượng trong băng nhóm của Tú thuê một cửa hàng, treo biển cho thuê xe tự lái, luôn có từ 5 đến 10 xe mô tô các loại, tuy nhiên không phải cho khách thuê mà mục đích để ràng buộc khách vay tiền. Khi khách có nhu cầu vay từ 20 đến 30 triệu đồng với lãi suất từ 3 đến 10 nghìn đồng/triệu đồng/ngày, Tú yêu cầu họ viết giấy thuê một trong những chiếc xe mô tô nói trên. Sau đó, những người này lại phải viết giấy bán chính xe mô tô đó cho bọn chúng với giá tiền bằng hoặc lớn hơn số tiền khách vay. Trong trường hợp khách vay với số tiền lớn hơn, Tú yêu cầu họ viết giấy thuê chiếc xe ô tô do Tú sở hữu và sau đó cũng ép người nợ viết giấy bán xe cho bọn chúng với giá tiền cao hơn.

Khi các thủ tục trên hoàn tất, Tú liền cắt lại luôn tiền lãi khoảng 15 đến 30 ngày tùy theo khoản vay và khách vay. Trong trường hợp khách không có khả năng trả nợ, Tú mang giấy thuê xe, ép người vay phải trả tiền. Nếu họ không trả, sẽ làm đơn kiện ra cơ quan Công an về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khiến cho con nợ phải bán nhà cửa, đất đai hoặc tài sản có giá trị để trả nợ cho Tú… Ngoài ra, đối tượng Tú còn có một quyển sổ chữa bệnh động kinh giả để đối phó với cơ quan pháp luật. Đối tượng nói với con nợ, sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự, cho dù có vi phạm pháp luật… Khi khách hàng vay tiền chậm trả nợ, Tú đe dọa sẽ giết họ. Nhiều con nợ bị các đối tượng thúc ép buộc phải sang nhượng lại nhà cửa, ruộng vườn..., có giá trị lớn hơn nhiều số tiền mà họ đã vay.

Để tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các ngành, đoàn thể cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân về quy định của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ; thủ đoạn lợi dụng các dịch vụ này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; hệ lụy do tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật để nhân dân tự phòng tránh và tích cực tham gia tố giác tội phạm…

Nhật Châu
.
.
.