Nhận diện hoạt động "tín dụng đen" ở Thanh Hóa

Thứ Năm, 21/09/2023, 07:27

Những tin nhắn có nội dung quảng cáo như: "Cho vay không cần thế chấp, lãi suất không đồng"; "Vay siêu tốc, nhận tiền sau 30 phút, lãi suất thấp, nhận tiền ngay"; "Vay không cần thế chấp"… là một trong những dấu hiệu của hoạt động "tín dụng đen" đang tồn tại lâu nay trên cả nước nói chung, địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian vừa qua, tại nhiều huyện thị, thành phố trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" núp bóng các cơ sở kinh doanh cầm đồ và cho vay dịch vụ tài chính. Qua kiểm tra của cơ quan Công an cho thấy, nhiều cơ sở cho vay với số tiền lãi "cắt cổ", với mức 5.000 đồng/triệu/ngày.

Điển hình là vụ việc mới đây do Công an huyện Triệu Sơn phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa, Công an TP Thanh Hóa và Công an huyện Thọ Xuân đồng loạt khám xét khẩn cấp 6 điểm (trong đó có 4 điểm trên địa bàn huyện Triệu Sơn, 2 điểm ở TP Thanh Hóa và huyện Thọ Xuân).

Qua khám xét tại các cơ sở này, cơ quan Công an thu giữ 77 xe máy, 2 xe ôtô, hơn 1,2 tỷ đồng tiền mặt, hàng trăm giấy tờ cầm cố, thế chấp khác như sổ đỏ, ôtô, xe máy các loại; hồ sơ mua bán nhà đất…  Đáng chú ý, tại thị trấn Triệu Sơn, kiểm tra điểm kinh doanh của đối tượng Hà Quang Hậu cơ quan Công an phát hiện cơ sở này đã cho khoảng 200 bị hại vay với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng, lãi suất dao động từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/triệu/ngày.

Nhận diện hoạt động
Công an huyện Hà Trung khám xét một cơ sở hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn.

Thực tiễn cho thấy, hoạt động "tín dụng đen" đã để lại những hệ lụy rất phức tạp, khi "con nợ" không có khả năng trả nợ hoặc mất khả năng trả nợ sẽ là mầm móng phát sinh tội phạm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ANTT. Từ hoạt động "tín dụng đen" có thể dẫn tới hành vi cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, thậm chí giết người…

Trước tình hình hoạt động "tín dụng đen" diễn biến phức tạp, thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hoá đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp tấn công, truy quét mạnh hoạt động kinh doanh cầm đồ, cho vay tài chính trên địa bàn. Theo kết quả kiểm tra bước đầu, trong số 735 cơ sở đã kiểm tra, lực lượng Công an đã phát hiện 405 cơ sở vi phạm các quy định như không đủ tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy; sổ sách ghi chép không đảm bảo; cầm cố xe chính chủ không có giấy ủy quyền… Qua đó, cơ quan điều tra tạm giữ hơn 600 phương tiện ôtô, môtô và các tài liệu khác có liên quan đến việc vi phạm trong hoạt động cầm cố và tài chính "tín dụng đen".

Công an tỉnh Thanh Hoá cho chỉ ra một số phương thức, thủ đoạn hoạt động của "tín dụng đen", như: Các đối tượng cho dán quảng cáo, phát tờ rơi nhưng không mở văn phòng, điểm giao dịch, giao dịch thông qua điện thoại (Zalo, Facebook), không yêu cầu cung cấp giấy tờ tùy thân, không viết giấy vay nợ, chỉ yêu cầu cung cấp hình ảnh cá nhân, số điện thoại của người thân; một số đối tượng khác hoạt động cá nhân cho vay thông qua quan hệ quen biết…

Đáng chú ý, có một thủ đoạn tinh vi, biến tướng nguy hiểm của "tín dụng đen" là lập các hợp đồng "giả cách",  đây là hình thức các bên tham gia hợp đồng tạo ra một giao dịch dân sự khác nhằm che giấu thực chất của giao dịch chính với người vay tín chấp, thế chấp. Người vay cần vay số tiền lớn trong thời gian ngắn để sử dụng và chấp nhận trả lãi suất rất cao đến khi mất khả năng chi trả sẽ bị buộc chuyển quyền sở hữu tài sản đã thế chấp cho các đối tượng cho vay.

Gắn liền với thủ đoạn trên là thủ đoạn "mua bán nợ". Chủ nợ lập hợp đồng với công ty "mua bán nợ" (một hình thức biến tướng của công ty đòi nợ thuê) liên hệ người vay cố tình chây ỳ không trả nợ thì sử dụng các thủ đoạn quấy rối, khủng bố (tạt sơn, tạt chất bẩn, nước thải…) để đòi nợ theo hợp đồng.

Để không "sập bẫy" hoạt động "tín dụng đen", Công an tỉnh Thanh Hoá khuyến cáo người dân: Không cung cấp thông tin, hình ảnh, dữ liệu cá nhân lên các trang mạng như: Facebook, Zalo…, cũng như không tham gia vay mượn tiền qua các app điện thoại phổ biến hiện nay. Không tham gia vào các hoạt động "tín dụng đen", cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự; khi phát hiện trên địa bàn mình cư trú có các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" thì kịp thời tố giác với Cơ quan Công an các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các công ty luật núp bóng đòi nợ, cưỡng đoạt tài sản, cửa hàng cầm đồ, kinh doanh tài chính có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen", đối tượng nghi vấn liên quan đến hành vi đòi nợ thuê, đổ chất bẩn, chất thải,…

Trong trường hợp người thân có vay nợ của các đối tượng "tín dụng đen", khi bị các đối tượng gọi điện thoại cho những người thân trong gia đình "khủng bố" đòi nợ thì phải bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập.

Đồng thời, hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình. Nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng; thông báo, hướng dẫn cách xử lý cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình khi bị các đối tượng đòi nợ gọi điện, nhắn tin làm phiền với nội dung như trên; sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ.

Đối với các trang facebook cá nhân, có thể khóa các bình luận của người lạ. Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị "khủng bố" điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ, như: Thông tin về giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống…

Trần Thắng
.
.
.