Đổi mới, phát triển công tác truyền thông chính sách đi trước một bước

Thứ Năm, 24/11/2022, 16:25

Tại Hội nghị trực tuyến về Truyền thông chính sách "Nhận thức - Hành động - Nguồn lực", chiều 24/11, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã trình bày tham luận với chủ đề: "Truyền thông chính sách theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an".

Đưa chính sách, pháp luật vào thực tiễn công tác bảo đảm ANTT

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ, Bộ Công an xác định truyền thông chính sách là quá trình liên tục trao đổi thông tin về chính sách của Nhà nước để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các chủ thể trong xã hội, góp phần thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân, của nhóm người, của cộng đồng và của toàn xã hội.

Trong những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền từ trước, trong và sau khi ban hành chính sách, pháp luật, góp phần giữ vững về ANTT, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và đối ngoại của đất nước.

Đổi mới, phát triển công tác truyền thông chính sách đi trước một bước -0
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ trình bày tham luận tại hội nghị.

Nổi bật, đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước chỉ đạo các cấp, các ngành làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, thực hiện các chính sách, pháp luật về ANTT. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác truyền thông, nhất là thực hiện nghiêm túc Quyết định số 407 ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027"; Chỉ thị số 12, ngày 12/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông.

Đã tổ chức truyền thông, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ ANTT ngay từ khâu dự thảo xây dựng luật, đến ban hành, và tổ chức thực hiện luật; trong đó chú trọng khảo sát, đánh giá cơ sở khoa học và thực tiễn, xác định mục tiêu, nguồn lực, tác động, lợi ích xã hội đối với chủ trương chính sách mới. Các chính sách về ANTT có tác động lớn tới xã hội đều được tổ chức truyền thông, lấy ý kiến rộng rãi, tạo được sự đồng tình, ủng bộ của tổ chức, cá nhân và đại biểu Quốc hội, góp phần đưa chính sách, pháp luật vào thực tiễn công tác bảo đảm ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm...

Xây dựng cơ quan truyền thông, báo chí trong CAND hiện đại, đa phương tiện, ứng dụng công nghệ số

Bên cạnh đó, Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an đã tập trung xây dựng nguồn lực truyền thông, xây dựng các cơ quan truyền thông, báo chí trong CAND theo xu hướng truyền thông hiện đại, đa phương tiện, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, tăng cường tương tác với người dân. Bộ Công an đã thành lập Cục Truyền thông CAND có nhiệm vụ quản lý, tổ chức hiệu quả các hoạt động truyền thông CAND từ Bộ tới địa phương; xây dựng và triển khai "Đề án quy hoạch báo chí trong CAND" theo định hướng "Sắp xếp báo in theo đúng quy hoạch của Chính phủ; nâng cao chất lượng báo hình; đầu tư phát triển báo điện tử CAND", xây dựng Truyền hình CAND là một trong 7 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia, Báo CAND là một trong 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền chủ trương, chính sách về bảo đảm ANTT.

Đổi mới, phát triển công tác truyền thông chính sách đi trước một bước -0
Thiếu tướng, nhà văn Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND với các đại biểu tham dự hội nghị.

Thiết lập và duy trì các kênh thông tin phát ngôn chính thống trong CAND, xây dựng gần 100 Cổng/trang Thông tin điện tử; hơn 4.500 fanpage, tài khoản mạng xã hội... "Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực, nghiệp vụ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tuyên truyền, cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật đến quần chúng nhân dân" - Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ thông tin.

Đồng thời, Bộ Công an thường xuyên duy trì, phát huy hiệu quả mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng, cộng tác chặt chẽ giữa Bộ Công an với các ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí, cơ quan báo chí trong công tác truyền thông chính sách, qua đó đã tạo được sức mạnh về nguồn lực, sự đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong tuyên truyền chính sách pháp luật về ANTT.

Đào tạo đội ngũ cán bộ "dấn thân, cống hiến, miệt mài, sáng tạo, chủ động, tích cực, nỗ lực từng ngày"

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cho rằng, thời gian tới, công tác đảm bảo ANTT và truyền thông chính sách về ANTT có nhiều cơ hội thuận lợi, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức mới. Bộ Công an tiếp tục xác định truyền thông chính sách là một trong những bộ phận quan trọng trong công tác hoàn thiện thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược đã được đề ra tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, có tác động, ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện tới các mặt công tác Công an và đời sống xã hội.

Đổi mới, phát triển công tác truyền thông chính sách đi trước một bước -0
Toàn cảnh hội nghị.

Để làm tốt công tác truyền thông chính sách thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức hơn nữa về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác truyền thông nói chung và truyền thông chính sách nói riêng đối với cấp uỷ, lãnh đạo chỉ huy các cấp, CBCS, nhất là đối với đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên báo chí trong CAND. "Đổi mới, phát triển công tác truyền thông chính sách đi trước một bước, nhanh nhạy, sắc bén, chính xác, nhân văn, tin cậy, kịp thời, hấp dẫn để phản biện và giám sát xã hội, tạo nhận thức, đồng thuận trong xã hội" - đồng chí Thứ trưởng nêu rõ.

Cùng với đó, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống truyền thông trong CAND theo hướng hiện đại, đa phương tiện, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo; chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả các kênh thông tin, phát ngôn chính thống..., để tuyên truyền kịp thời, nhanh chóng, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về ANTT và tăng cường tương tác với nhân dân.

Tập trung xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác báo chí, truyền thông trong CAND có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực, kỹ năng, tính chuyên nghiệp, lương tâm nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, vượt qua mọi sự cám dỗ, có đủ dũng khí, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân theo phương châm "dấn thân, cống hiến, miệt mài, sáng tạo, chủ động, tích cực, nỗ lực từng ngày", thực sự là những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.

Chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí trong việc chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin, tổ chức truyền thông. Kịp thời phát hiện, đề xuất chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực bảo đảm ANTT. Tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xử lý thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; bảo vệ nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của đất nước...

Sự nhầm lẫn báo chí làm công tác truyền thông

Trình bày tham luận tại Hội nghị trực tuyến về Truyền thông chính sách "Nhận thức - Hành động - Nguồn lực", chiều 24/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, báo chí cách mạng thì cách mạng ở chỗ tiên phong, đi đầu, 97 năm qua đã như vậy và sẽ tiếp tục như vậy.

Báo chí phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội nước ta, không biến dòng phụ thành dòng chính. "Dòng chính của chúng ta đang là tốt, bởi vậy phải lan toả cái tốt, tạo ra đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, niềm tin vào chế độ. Niềm tin xã hội là một sức mạnh, làm mất niềm tin xã hội là làm xói mòn sức mạnh quốc gia", Bộ trưởng chỉ rõ.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tham luận tại hội nghị.

Bên cạnh đó, báo chí cũng phải nói cái xấu, phê bình cái xấu trong xã hội. Tỷ lệ tin bài loại này dưới 10% thì không làm xói mòn niềm tin nhưng đủ sức cảnh báo, đấu tranh với cái xấu. Báo chí không chỉ đưa tin mà còn là các bài phân tích, đề xuất các giải pháp, có người gọi là báo chí giải pháp. Tạo ra các không gian cho người dân, chuyên gia tham gia tranh luận, tìm kiếm giải pháp, chính sách để phát triển đất nước. Đây sẽ là đóng góp mới của báo chí.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, tỷ lệ các bài về tuyên truyền chính sách chưa cao, mà tin tức về giải trí đang là cao nhất. "Nếu người dân không biết, không hiểu chính sách của Đảng và Chính phủ thì hoặc người dân không làm, hoặc làm lại không đúng. Chính sách mà không được giải thích, không đến được mọi người dân thì làm sao mà chính sách thành công được", Bộ trưởng nói và cho rằng, còn nhiều truyền thông mà chúng ta chưa làm.

Theo "Tư lệnh" ngành TT&TT, với sự xuất hiện của công nghệ số, của chuyển đổi số, báo chí có xu thể trở thành các nền tảng số để người dân tham gia làm báo. Thay vì làm chủ tờ báo thì làm chủ nền tảng làm báo. Tương tác 2 chiều của tờ báo với người dân chưa bao giờ có cơ hội tốt như bây giờ. Nhưng sau tương tác hai chiều là truyền thông chia sẻ trên mạng xã hội và sau đó là truyền thông cá nhân hoá thông qua sử dụng trí tuệ nhân tạo. Đây là sự thay đổi rất căn bản của báo chí.

Báo chí là phương tiện truyền thông. Còn công tác truyền thông là việc của chính quyền các cấp. Từ trước đến nay vẫn có sự nhầm lẫn là báo chí làm công tác truyền thông và vì thế, chính quyền các cấp không làm công việc này. Do vậy mà hay xảy ra khủng hoảng truyền thông của các cấp chính quyền. Báo chí khi làm tuyên truyền thì thiếu thông tin từ chính quyền, cũng thiếu cả việc đặt hàng từ chính quyền. Tức là, báo chí thiếu cả thông tin và ngân sách để làm tuyên truyền.

Tăng thêm cho truyền thông 0,2% ngân sách là cần thiết

"Nếu gộp lại cả báo đài tự chủ và chưa tự chủ tài chính thì ngân sách nhà nước chỉ chiếm 23% tổng thu thường xuyên của báo đài, 77% còn lại là do báo, đài thu từ dịch vụ. Tức là, cái "dạ dày" của báo chí đang được thị trường nuôi tới 77%. Nhưng vấn đề hiện nay là phần thu dịch vụ của báo chí, nhất là từ quảng cáo, ngày càng bị mất vào tay các nền tảng xuyên biên giới", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

80% quảng cáo trực tuyến đã mất vào tay các nền tảng này, báo chí của chúng ta chỉ còn 20%. Nếu xét toàn bộ thị trường quảng cáo trên các loại phương tiện truyền thông thì báo chí của chúng ta chỉ còn 40%. Nguồn thu đang bị suy giảm mạnh, báo chí đang khó khăn, và vì thế mà cần hơn nữa đặt hàng từ Nhà nước cho báo chí. Từ đó, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chủ quản báo chí phải quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ cho các cơ quan báo chí.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chiến lược Chuyển đổi số báo chí mà Thủ tướng Chính phủ sắp phê duyệt là để hiện thực hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn. Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là tới lĩnh vực truyền thông, nó phá huỷ mô hình truyền thông truyền thống. Báo chí muốn tồn tại được thì phải chuyển đổi số, phải trở thành một tổ chức công nghệ.

"Công nghệ phải chiếm tới 30% hoạt động của một cơ quan báo chí. Đã đến lúc phải đầu tư mạnh mẽ công nghệ cho các báo đài để giữ vững trận địa. Hiện nay, mỗi năm đầu tư cho báo chí là chưa đến 0,2% tổng chi đầu tư của ngân sách, là mức rất thấp", đồng chí nêu quan điểm.

Cùng với đó, chính quyền các cấp phải có bộ phận chuyên trách làm công tác truyền thông, bộ phận này có thể đứng riêng, có thể đưa về một vụ, một sở. Sở TT&TT tại các địa phương quản lý Nhà nước về báo chí, chứ không phải làm công tác truyền thông, tỉnh muốn giao chức năng này về Sở TT&TT thì phải bổ sung chức năng, nhân lực, vật lực.

Đồng thời, chính quyền các cấp phải có ngân sách dành riêng cho truyền thông, cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Tăng thêm cho truyền thông 0,2% ngân sách trong lúc này là cần thiết để báo chí cách mạng nâng cao năng lực cạnh tranh, cả về hạ tầng công nghệ và nhân lực...

Quỳnh Vinh
.
.
.