Truyền thông chính sách phải lấy công chúng làm trung tâm

Thứ Năm, 08/11/2018, 14:54

Đây là chủ đề chính được đưa ra thảo luận tại Hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách và năng lực tiếp nhận của công chúng” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Báo Đại biểu Nhân dân, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đồng tổ chức ngày 8-11 tại trụ sở Văn phòng Quốc hội.



Minh bạch hoá thông tin để người dân thực hiện “quyền được biết”.

PGS.TS. Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, truyền thông chính sách là một khâu quan trọng trong quá trình ban hành chính sách. Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phải lấy ý kiến của nhân dân trước khi ban hành. 

Vì vậy, truyền thông chính sách phải lấy công chúng làm trung tâm, chính là nhằm đề cao vai trò của công chúng trong quá trình xây dựng, soạn thảo, ban hành và thực thi chính sách. Vai trò trung tâm của công chúng trong quá trình chính sách thể hiện không chỉ ở việc công chúng là đối tượng của chính sách mà còn là người tham gia quá trình chính sách, phản hồi về các lựa chọn chính sách và đánh giá tác động của chính sách. Để làm được điều này, cần có các mô hình và giải pháp để tiếp nhận, phân tích phản hồi của công chúng như mô hình chính phủ điện tử hay các mô hình truyền thông ứng dụng công nghệ khác.

Nhiều ý kiến trao đổi tại hội thảo tập trung vào điều kiện tiếp nhận chính sách của công chúng hiện nay. Trong đó, minh bạch hoá thông tin là điều kiện cơ bản để người dân có thể thực hiện “quyền được biết” của mình. Chỉ khi người dân tiếp cận được những thông tin đầy đủ và chính xác, họ mới có thể thực hiện “quyền được bàn”. Công tác truyền thông về các kỳ họp của Quốc hội giúp người dân theo dõi các cuộc thảo luận chính sách tại nghị trường.

TS. Lương Ngọc Vĩnh, Trưởng khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, yếu tố quan trọng để truyền thông chính sách đi vào cuộc sống là thông tin phải chính thống, công khai, minh bạch, đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng đối tượng, đúng thời điểm. Tuy nhiên, thực hiện truyền thông chính sách để đạt được hiệu quả cao còn phải bắt kịp xu thế phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại trong kỷ nguyên kỹ thuật số, truyền thông số, toàn cầu hóa về báo chí - truyền thông.

PGS.TS. Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân cho rằng, gắn kết công chúng trong quá trình chính sách là giải pháp quan trọng không chỉ để tăng cường hiệu quả truyền thông chính sách mà còn nâng cao năng lực tiếp nhận, đánh giá và phản hồi chính sách của công chúng. Đây là yêu cầu đối với việc bảo đảm quyền thông tin của người dân và tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan hoạch định chính sách. 

Hội thảo cũng làm rõ tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực tiếp nhận thông tin của công chúng trong bối cảnh bùng nổ công nghệ và truyền thông xã hội như hiện nay. Trong bối cảnh đó, việc bảo đảm công bằng thông tin giữa các khu vực có trình độ phát triển khác nhau trở thành một yêu cầu cấp thiết. Một số đại biểu cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường điều kiện và năng lực tiếp nhận thông tin của người dân ở khu vực nông thôn và miền núi. 

Nhiều ý kiến trao đổi tại hội thảo tập trung vào điều kiện tiếp nhận chính sách của công chúng hiện nay. Trong đó, minh bạch hoá thông tin là điều kiện cơ bản để người dân có thể thực hiện “quyền được biết” của mình. 

Truyền thông chính sách trong kỷ nguyên số

Thực hiện truyền thông chính sách để đạt được hiệu quả cao còn phải bắt kịp xu thế phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại trong kỷ nguyên kỹ thuật số, truyền thông số, toàn cầu hóa về báo chí - truyền thông. Ông Kim Do-Hyon, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, báo chí - truyền thông, ngoài việc đứng trung lập, thì phải có tinh thần yêu nước, lấy mục tiêu giới thiệu phổ biến, quảng bá, truyền thông chính sách công của đất nước tới được càng nhiều công chúng càng tốt.

Để việc truyền thông chính sách đến được đông đảo công chúng và phát huy hiệu quả của những thông điệp truyền thông, TS. Vũ Thanh Vân, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, truyền thông phải xuất phát từ nhu cầu và trình độ tiếp nhận của công chúng, chứ không phải xuất phát từ trình độ và nhu cầu của những người làm truyền thông. Có như vậy, người dân mới tiếp nhận và hấp thụ hết được những thông điệp truyền thông, từ đó chính sách sẽ đi vào cuộc sống.

TS. Se-Hoon Jeong, Phó Trưởng khoa Truyền thông, Đại học Korea, Hàn Quốc cũng cho hay, người làm truyền thông phải lấy công chúng làm trung tâm thông qua việc phải lựa chọn chính xác các kênh truyền tải thông điệp truyền thông phù hợp với nhu cầu tiếp nhận và trình độ nhận thức của từng nhóm công chúng. Có như vậy chu trình truyền thông chính sách mới phát huy hiệu quả...Bên cạnh đó, TS. Seung Yong Uhm- Giám đốc Viện Nguồn lực văn hoá Hàn Quốc cho rằng, lòng tin của chính phủ có thể phụ thuộc vào trải nghiệm của người dân khi sử dụng dịch vụ công. 

Sự tương tác giữa người dân và chính phủ là yếu tố quan trọng của lòng tin vào chính phủ. Vì vậy, chính phủ cần nỗ lực giao tiếp với công chúng theo một cách tích luỹ vốn xã hội và đặt nền tảng cho một môi trường chính sách tích cực trong dài hạn. Với sự tăng trưởng của người dùng mạng xã hội như cấu trúc truyền thông đa diện hiện nay, vốn xã hội đã làm cho truyền thông trở nên hiệu quả hơn ngay cả khi thiếu vốn xã hội. Truyền thông chính sách góp phần quan trọng vào hiệu quả của chính sách công và chính sách công sẽ được thực hiện thành công trong một xã hội có tích luỹ vốn xã hội cao.

Đồng thời, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương đã chỉ ra 4 cơ hội và thách thức hiện nay đối lĩnh vực báo chí - truyền thông của Việt Nam cần phải nắm bắt và vượt qua, đó là: Tình hình thế giới biến động phức tạp khó lường; xu thế toàn cầu hóa về truyền thông đại chúng đang ngày càng mạnh mẽ; an ninh phi truyền thống đang đặt ra nhiều bài toán cần giải quyết cho mỗi quốc gia; sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ truyền thông đang ngày càng tác động và chi phối đến kết quả của hoạt động báo chí - truyền thông. Nếu vượt qua được những thách thức đó thì sẽ là cơ hội tốt để truyền thông chính sách của Việt Nam phát triển.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh theo cấp số nhân đã làm thay đổi bổi cảnh toàn cầu và có tác động ngày một gia tăng đến Việt Nam. Cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đến truyền thông chính sách của chính phủ điện tử. Nếu tận dụng tốt cơ hội  và vượt qua được thách thức này, Việt Nam sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách với các nước tiên tiến, sớm xây dựng được chính phủ điện tử. Muốn vậy, “cần phải tăng cường truyền thông chính sách và sự thay đổi về tư duy của cả bộ máy hành chính nhà nước”. ông Phạm Ngọc Hoà, Học viện Chính trị khu vực IV nhấn mạnh.



Lưu Hiệp
.
.
.