Bịt lỗ hổng để hạn chế tối đa thất thu thuế
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chiều 3/2, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị triển khai giải pháp khởi tạo hóa đơn điện tử từ máy tính tiền đối với một số hoạt động kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng. Đại diện Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã tham dự và chia sẻ một số thông tin tại Hội nghị.
Triển khai Luật Quản lý thuế 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC, từ ngày 1/7/2022 hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã được triển khai trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Theo đó 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp đến người tiêu dùng (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng; ăn uống; nhà hàng; khách sạn; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác) đã sử dụng HĐĐT.
Kết quả đến hết ngày 30/6/2022, 100% doanh nghiệp, tổ chức (851.372 đơn vị) và 100% hộ, cá nhân kinh doanh (65.576 hộ, cá nhân kinh doanh) theo phương pháp kê khai đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Riêng kết quả triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trong hơn 1 tháng kể từ thời điểm chính thức vận hành từ ngày 15/12/2022, đã có 62/63 Cục Thuế báo cáo kế hoạch triển khai giai đoạn 1 (đến hết tháng 3/2023), với tổng số người nộp thuế sẽ triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền là 3.943 cơ sở kinh doanh, trong đó: doanh nghiệp là 1.850, hộ kinh doanh là 2.093.
Chỉ còn Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn chưa lập được danh sách người nộp thuế sẽ triển khai giai đoạn 1 với lý do còn có khó khăn trong việc thuyết phục người nộp thuế chuyển đổi hình thức HĐĐT do đây không phải là quy định bắt buộc.
“Sau 1 tháng triển khai, mặc dù đã có 805 cơ sở kinh doanh được chấp nhận sử dụng HĐĐT từ máy tính nhưng họ vẫn đồng thời sử dụng hình thức HĐĐT khác mà chưa hoàn toàn sử dụng HĐĐT từ máy tính tiền nên trên hệ thống mới chỉ ghi nhận được 544 HĐĐT từ máy tính tiền được gửi về hệ thống. Số liệu này là quá thấp so với yêu cầu cần phải chuyển đổi hình thức hóa đơn điện tử thông thường sang hình thức HĐĐT từ máy tính tiền”, ông Đặng Ngọc Minh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thông tin.
Trước những hạn chế này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã lấy ý kiến góp ý từ các bộ ngành liên quan tại hội nghị, trên cơ sở đó, tháo gỡ các khó khăn để việc triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền được thuận lợi và hiệu quả hơn.
Phía ngành Tài chính cũng đã đề xuất các giải pháp thực hiện, đồng thời đề nghị sự phối hợp chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông…
Đặc biệt, với Bộ Công an- cơ quan triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục phối hợp trong việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu về đăng ký thuế của cá nhân trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành về thuế để thực hiện sử dụng mã số thuế là số định danh cá nhân theo quy định Luật thuế. Hỗ trợ giải pháp kỹ thuật để cho phép đọc thông tin người mua hàng (tên, số CCCD) từ thẻ CCCD giúp cho việc lập và xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhanh chóng, thuận lợi. Thành lập tổ liên ngành, trong đó có thành phần của cơ quan thuế thực hiện kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh đặc biệt là các cơ sở kinh doanh theo mô hình chuỗi, kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ,… đảm bảo việc xuất hóa đơn đầy đủ đối với từng giao dịch không phân biệt giá trị từng lần khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh về những kết quả rất khả thi sau 1 năm thực hiện Đề án 06, bước đầu đánh giá được những hiệu quả trong việc ứng dụng phát triển đời sống kinh tế xã hội, quản trị xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc mà Bộ Tài chính và ngành Thuế đang gặp phải, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng đồng thời nhấn mạnh mục tiêu hạn chế tối đa việc thất thu thuế. Theo Thứ trưởng, để làm tốt công tác thu thuế nói chung, đặc biệt là triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, có một số yêu cầu cần đặt ra.
Thứ nhất là về tính pháp lý, cần phải có sự đảm bảo trong việc áp dụng của cơ quan quản lý cũng như sự chấp hành của các bên tham gia. “Ví dụ việc lắp máy tính tiền thực hiện HĐĐT, chúng ta đang có độ mở, kiểu động viên, khuyến khích, chưa bắt buộc nên có những hạn chế. Hay như việc khoán thu, danh mục đã có, nên chúng ta cần bàn giải pháp thu; Rồi như Đề án không dùng tiền mặt, phía ngành ngân hàng phải có câu trả lời, có lộ trình cụ thể…”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đặt vấn đề và nhấn mạnh về công cụ cho các cơ quan nhà nước, các cá nhân, tập thể thực hiện nghĩa vụ thuế; phải tính đến tiêu chuẩn, lưu hành đối với các máy thanh toán, phải bảo mật, thanh toán được và không bị thất thoát, đảm bảo các dữ liệu của người thanh toán. Hoặc đối với xử lý hành chính trong việc chấp hành phải đáp bảo đúng quy định. Điều quan trọng, nghĩa vụ thuế phải vừa đúng, đủ mà vẫn động viện được người tham gia thuế.
“Riêng về mã số thuế tích hợp vào căn cước công dân, cần phải làm được, theo tôi, rồi đây tất cả công dân việt Nam hoặc công dân nước ngoài đến sống và làm việc tại Việt Nam đều phải có mã số thuế, cần tính toán cấp ở thời điểm nào, cấp luôn chứ không chờ người ta đăng ký. Cũng như định danh điện tử cá nhân, khi sinh ra, mỗi con người đầu được cấp ngay. Mã thuế cá nhân, tài khoản thanh toán và chữ ký điện tử cũng như vậy. Cái này trong Đề án 06 đã đưa ra. Giờ để đảm bảo thuận lợi cho những người tham gia nghĩa vụ thuế, các tổ chức tham gia chấp hành luật thuế, chúng ta trang bị công cụ cho các tổ chức cá nhân thực hiện nghĩa vụ thuế thuận lợi”, Thứ trưởng nói.
Cùng với đó, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu yêu cầu thứ 3 là phải sẵn sàng kết nối các dữ liệu. Các đơn vị, bộ ngành đang đầu tư trang bị hạ tầng công nghệ, nâng cấp, trang bị các giải pháp đảm bảo an ninh an toàn, thu thập, chỉnh sửa các dữ liệu. Kho dữ liệu về thuế sẽ tương ứng với kho dữ liệu doanh nghiệp, lúc bấy giờ, sẽ xác thực với dữ liệu dân cư, tiến tới sẽ quản lý được và chống được tối đa thất thu thuế.
“Chúng ta phải tìm ra các giải pháp, các lỗ hổng để bịt vào, để hạn chế tối đa thất thu. Thủ tướng đã chỉ đạo, một mặt chúng ta phải tuyên truyền, một mặt đặt ra lộ trình. Trách nhiệm của Bộ Công an và Trung tâm dữ liệu sẽ phối hợp chặt chẽ để xay dựng lộ trình, tuyên truyền, tập trung đấu tranh, phòng ngừa, xử lý những trương hợp vi phạm trong thất thu thuế đối với các danh mục thuế theo yếu cầu của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng nói.