Hợp tác Trung - Ấn thay đổi thế giới?

Thứ Hai, 30/12/2024, 11:23

Ấn Độ và Trung Quốc là hai gã khổng lồ về dân số và kinh tế. Mặc dù từng có nhiều mâu thuẫn trong một thời gian dài, nhưng họ đang bắt đầu các hoạt động hợp tác. Nếu liên minh Bắc Kinh - New Delhi thành công, điều này sẽ làm thay đổi rất nhiều thứ trong trật tự thế giới.

Sau những vận động nội bộ và từ quyết định mở cửa năm 1978, Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ đến mức hiện đứng đầu trong bảng xếp hạng các nền kinh tế thế giới do Ngân hàng Thế giới (WB) thiết lập, và nước này tiếp tục dẫn trước, trong khi Liên minh châu Âu (EU) tụt xa phía sau. Quả thực, Trung Quốc đã thay đổi chế độ tăng trưởng và dường như đang tiếp tục lộ trình tăng trưởng khoảng 5% hằng năm - vào thời điểm mà mọi thứ đang báo hiệu một cuộc suy thoái trong EU năm tới.

1.jpg -0
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SOC), Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS)... là những cái tên nổi tiếng nhất trong số nhiều tổ chức (không dưới 20 tổ chức) mà Trung Quốc là trụ cột. Ngoại giao Trung Quốc đã trở nên rất tích cực, đến mức vào năm 2023 đã thành công trong đàm phán một thỏa thuận giữa Riyadh và Tehran, hay nói cách khác là giữa lửa và nước. Và, từ khoảng 1 năm qua, những người quan tâm đến New Delhi và Bắc Kinh đều nhận thấy những chuyến công du qua lại thường xuyên và kín đáo giữa đại diện của hai nước.

Có nhiều lý do: Một chuyên gia Trung Quốc là khách mời tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về Phật giáo (9/2024), các nhà nghiên cứu Ấn Độ gặp gỡ các đối tác Trung Quốc tại Hong Kong, trong khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đàm phán các thỏa thuận, thậm chí cả những chủ đề nhạy cảm cũng được đặt lên bàn phím; vấn đề thị thực, thông tin, điện ảnh... Tại Diễn đàn An ninh Á - Âu tổ chức tại Minsk hồi cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua, sự hiện diện của các chuyên gia Ấn Độ đến từ Mumbai cùng các chuyên gia đến từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), dưới cái nhìn thiện cảm của các nhà ngoại giao Đại học Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO), Nga và Belarus, đã được chú ý - như đã được chú ý tại Hội nghị thượng đỉnh Taskkent (Uzbekistan) về sự phát triển của Trung Á thông qua các hành lang giao thông (5/2024).

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết “75% các vấn đề biên giới” ở phía Tây, gần Pakistan, đã được giải quyết. Đó là kết quả cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan (Nga), tiếp đến là cuộc gặp của hai Ngoại trưởng Vương Nghị và Jaishankar bên lề Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Rio de Janeiro (Brazil), sau đó là các cuộc trao đổi tại Viêng Chăn (Lào) giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh và Dong Jun.

Ngày 19/11 vừa qua, một thông cáo báo chí thông báo về việc rút quân khỏi đường biên giới trên dãy Himalaya, và trên hết là việc nối lại cuộc hành hương Kailash dành cho các tín đồ đạo Hindu, với các chuyến bay thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc, cùng các điều kiện xin thị thực thuận lợi.

Chiều hướng thì thận trọng, nhưng rõ ràng, hơn 5 năm sau Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - Trung Quốc không chính thức được tổ chức vào năm 2019 tại Mahabalipuram, địa điểm mang tính biểu tượng của sự hình thành Ấn Độ bởi dòng sông Hằng chảy ra từ mái tóc của Đấng tạo hóa, một thỏa thuận về tất cả các vấn đề biên giới đang mở ra cơ hội cho các nỗ lực mở rộng hợp tác giữa hai nước. Và, báo chí của cả hai bên đều đề cập đến một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ giữa hai nước.

Hai nước đều là đầu tàu tăng trưởng toàn cầu, trong đó Trung Quốc đã đóng góp gần 40% vào tăng trưởng toàn cầu trong 20 năm qua và Ấn Độ, với mức tăng trưởng hằng năm gần 8% hiện nay, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thương mại toàn cầu, dù là năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp hay tài chính. Nếu các công ty của cả hai nước hợp tác, các trung tâm cấu trúc thương mại toàn cầu sẽ chuyển động.

Dưới góc độ kinh tế, chính sách liên tục của Ấn Độ về “đa liên kết” đã tạo hiệu quả. Nước này hiện đang “giám sát” các khoản đầu tư quan trọng của các quỹ của Mỹ ở bang Gujarat, đặc biệt cho chế tạo vi mạch và AI, đồng thời giám sát sự chuyển dịch một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ (như của Hãng Apple...) và sẽ nhận ra rằng với năng lực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc, nếu chúng phục vụ nhu cầu thiết bị và cơ sở hạ tầng to lớn của Ấn Độ, thì sẽ mang lại cho cả hai nước một mức tăng trưởng đáng kể hơn nữa.

Trên góc độ tài chính, sự hợp tác giữa Trung Quốc và Ấn Độ, vốn ít nợ nần nhau nhưng lại có nguồn dự trữ ngoại hối đáng kể, nước này có USD, nước kia có vàng, và cả 2 đều là khách hàng lớn mua năng lượng của Nga, còn có thể mang lại sự nhất quán hơn nữa trong việc né tránh các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ từ một khối các quốc gia quyết tâm sử dụng mọi biện pháp, kể cả bằng cách sử dụng đồng USD chống lại Mỹ, nhằm thoát khỏi một “tiêu chuẩn kép”, không công bằng và không thể chịu đựng được.

Cần nhớ rằng, Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia đông dân nhất thế giới, và Ấn Độ đã vượt Trung Quốc kể từ năm 2023 với dân số 1 tỷ 470 triệu người. Với 3 tỷ dân của cả 2 nước và lần lượt là các nền kinh tế thứ 1 và 3 thế giới về sức mua tương đương, Ấn Độ gần đây đã vượt qua Vương quốc Anh và dự kiến sẽ vượt qua Đức, Nhật Bản vào năm 2028. Một khi họ chuyển động thì thế giới cũng sẽ di chuyển.

Huy Thông
.
.
.