Ông bầu và trọng tài V.League

Thứ Tư, 19/09/2018, 16:40
Trong lịch sử V.League, từng có nhiều ông bầu đã dùng tầm ảnh hưởng của mình với mong muốn cải tổ công tác trọng tài V.League. Thế nhưng, câu chuyện này vẫn dường như chưa có lối thoát.

Năm 2011, khi bầu Kiên tạo ta “cú đấm thép” nhắm vào VFF đã nêu ra hàng loạt các góc khuất của công tác trọng tài V.League. Trong đó có việc yếu kém trong công tác trọng tài lẫn những vấn đề tiêu cực đang tồn tại ở sân chơi số 1 quốc qia.

Sau đó, chính ông là người đã khởi xướng việc thành lập ra VPF để trực tiếp điều hành, quản lý các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia.

Bầu Đức là người đấu tranh mạnh mẽ với công tác trọng tài. Ảnh: T.L..

Đó là bước ngoặt của việc thu nhập của các trọng tài. Bởi theo bầu Kiên, VFF đối xử không công bằng, đãi ngộ chưa tốt với các trọng tài. Để hạn chế tình trạng tiêu cực thì cần phải đảm bảo mức thu nhập để các trọng tài yên tâm làm việc, tránh các vấn đề liên quan đến tư tưởng và tiêu cực. Tuy nhiên, sau khi bầu Kiên rơi vào vòng lao lý, VPF đã không còn đi đúng theo con đường đã được định hướng ban đầu. Ban trọng tài dưới sự quản lý của VFF vẫn xuất hiện đầy rẫy những vấn đề nổi cộm.

Sau bầu Kiên, bầu Đức chính là người có những phản biện gay gắt nhất về công tác trọng tài V.League. Bầu Đức cũng từng dùng sự ảnh hưởng của mình trong vai trò Phó Chủ tịch VFF để cải tổ công tác trọng tài. Bầu Đức từng hơn một lần đăng đàn tuyên bố muốn công tác trọng tài tốt lên cần phải cách chức Trưởng Ban trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi. Bởi theo bầu Đức thì việc mất kiểm soát từ thượng tầng Ban trọng tài cùng với sự tại vị quá lâu của ông Mùi đang khiến cho đội ngũ trọng tài đang tồn tại lợi ích nhóm.

Bầu Đức đã đề xuất vấn đề này với Thường trực VFF và được đưa ra bàn luận, biểu quyết tại Hội nghị Ban chấp hành VFF lần thứ 8. Tuy nhiên, khi bỏ phiếu lấy ý kiến cách chức ông Nguyễn Văn Mùi có trên 16/21 phiếu ủng hộ ông ở lại. Chính vì vậy mà bầu Đức đã bị “việt vị”. Dù rất muốn loại bỏ ông Mùi nhưng bầu Đức buộc phải theo ý kiến chung của ban chấp hành. Ông Mùi tiếp tục được tại vị.

Thực tế, sau khi lên nắm quyền trong vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPF, bầu Tú từng muốn thâu tóm Ban trọng tài. Bởi trong suốt quá trình vận hành của hệ thống trọng tài trong thời gian qua, bầu Tú thừa hiểu rằng những gì đã diễn ra có nhiều bất ổn. Bầu Tú từng có ý tưởng muốn thành lập tiểu Ban trọng tài cùng tiểu Ban kỷ luật trực thuộc sự quản lý của VPF.

Tuy nhiên, theo quy định của FIFA thì  cả hai bộ phận này phải do VFF quản lý trực tiếp, VPF không thể can thiệp. Thế nên, Ban trọng tài vẫn hoạt động độc lập với VPF. Những gì mà bầu Tú và VPF có thể làm chỉ là việc có ý kiến không được mời những trọng tài cụ thể làm việc tại V.League nếu cảm thấy có vấn đề.

Thực tế, chuyện các ông bầu phản ứng trực tiếp với trọng tài ngay tại sân không hiếm ở V.League. Trong đó có cả phản ứng có lý nhưng cũng có cả những phản ứng mang tính chất cảm tính. Tuần qua, người ta nhắc nhiều đến trường hợp phản ứng trọng tài của ông bầu Doãn Văn Phương.

Sau trận Thanh Hoá bị Nam Định cầm hoà 2-2 tại vòng 22 V.League 2018, bầu Phương đã có những lời lẽ khiếm nhã, thiếu kiềm chế dành cho trọng tài Hoàng Ngọc Hà. Ông cho rằng trọng tài người Hà  Nội đã thiếu công tâm trong việc đưa ra những quyết định trong trận đấu. Tuy nhiên, theo nhận định của Ban trọng tài cũng như thông qua băng hình thì trọng tài Hà đã làm đúng.

Điều mà dư luận tiếp tục bàn tán là việc bầu Phương không bị nhận bất cứ án phạt nào từ phía Ban kỷ luật VFF. Bởi HLV Đức Thắng với những phát ngôn trong phòng họp báo đã bị cấm chỉ đạo 3 trận. Bầu Phương không bị kỷ luật có thể sẽ tạo ra hệ luỵ xấu về sau.

Câu hỏi mà nhiều người thắc mắc là: điều gì khiến bầu Phương thiếu kiềm chế một cách cảm tính như vậy? Trong khi đó, Thanh Hoá cũng không còn nhiều mục tiêu quan trọng ở phần còn lại của mùa giải khi Hà Nội đã sớm vô địch 5 vòng đấu. Còn với các trọng tài, giờ đây khi làm nhiệm vụ ở sân Thanh Hoá cũng sẽ đối mặt với nhiều áp lực.

Ông bầu luôn có ảnh hưởng lớn đến trọng tài trong lịch sử V.League. Kể cả từ ảnh hưởng trực tiếp đến từng trận đấu như lời “tố cáo” của bầu Kiên đến việc có thể thay đổi cả hệ thống như sự quyết liệt của bầu Đức, bầu Tú.

Còn với bầu Phương, câu chuyện xuống sân và chửi trọng tài có lẽ chỉ là sự bức xúc nhất thờitrong một mùa giải có thể coi là thất bại với Thanh Hoá. Để tìm chỗ đổ lỗi, có lẽ chỉ trích trọng tài là điều dễ dàng hơn cả.

Thu nhập của trọng tài bao nhiêu?

V.League 2018 có 26 trọng tài chính, 31 trợ lý làm việc tại V.League và 28 trọng tài, 26 trợ lý làm việc tại giải hạng Nhất Quốc gia - họ đều làm việc cho Ban trọng tài VFF dạng… part-time (làm thêm). Bởi lẽ, họ chỉ tham gia công tác trọng tài khi có giải và vào các dịp cuối tuần, nghề nghiệp chính của đa số đều ở các Sở VHTT, các trường học.

Thu nhập theo trận đấu của trọng tài chính ở V.League là 8 triệu đồng, hạng Nhất là 6 triệu đồng; trợ lý ở V.League (6 triệu đồng), hạng Nhất (4 triệu đồng), giám sát ở V.League (6 triệu đồng), hạng Nhất (4 triệu đồng). Đây là mức thu nhập chưa tính thuế.

Trung bình, một trọng tài chính (cấp FIFA) có thể bắt chính tối đa 1 tháng 3 trận và làm trọng tài bàn 1 trận, thu nhập sẽ rơi vào khoảng hơn 30 triệu đồng (trước thuế). Đây được xem là mức thu nhập khá trên mặt bằng xã hội hiện nay, đó là còn chưa kể mức thu nhập của các trọng tài này tại các cơ quan mà họ đang biên chế.

H.H.

Hưng Hà
.
.
.