Một V.League kỳ lạ

Thứ Hai, 05/10/2020, 10:31
V.League có thể… vẫn thế. Đấy là nhìn từ những lần sa thải HLV liên miên, thậm chí có những trường hợp khác người. Nhưng V.League năm nay vẫn là một giải đấu kỳ lạ và ngược đời. Và cho đến hiện nay, nó cũng không vận hành theo cách người ta thường thấy ở giải đấu này trong vòng 2-3 năm trở lại đây.


Những “cú phốt” quen thuộc

Dịch COVID-19 khiến V.League đảo lộn. Dù Việt Nam có nỗ lực đẩy lùi đại dịch thì nó vẫn 2 lần làm gián đoạn giải đấu. Tất nhiên, trong những lần hoãn giải ấy, VPF vẫn cứ phải đau đầu trước những luồng quan điểm khác người. Ở lần 1, SHB Đà Nẵng, Quảng Nam, SLNA, DNH Nam Định… đòi hủy V.League. Không hủy được, họ cũng đòi V.League năm nay không có đội xuống hạng.

Dễ nhận ra, đây là những CLB nằm trong diện phải tranh đấu trụ hạng. Và sau giai đoạn 1, điều đó lại càng thêm khẳng định cho chi tiết ấy. Lần thứ 2 gián đoạn V.League, thêm những CLB khác nổi loạn. Điển hình nhất là trường hợp của Thanh Hóa. Họ thậm chí còn mạnh dạn hơn khi thẳng thừng gửi công văn lên VPF và VFF đòi xin rút khỏi V.League. Tất nhiên, ý tưởng kể trên không thành hiện thực. Nhưng đó là điển hình của một “cú phốt” mang đúng đặc sản của V.League mà trong 2-3 mùa gần đây, người ta không được chứng kiến. Hay nói theo quan điểm của người trong ngành, V.League sau cùng cũng hết… lành.

Hà Nội FC sau cùng vẫn là ứng viên số 1.

Dịch COVID-19 giới hạn thời gian tổ chức V.League như hoạch định ban đầu. Thể thức chưa từng có cũng được “chắp vá” nhằm đảm bảo cho giải đấu có thể về đích đúng như mong đợi. Nhưng trong cái gấp gáp của giải đấu, các CLB - đặc biệt là nhóm dưới không dám kiên nhẫn để trao trọn niềm tin cho 1 HLV trưởng. Lò “xay” HLV đặc sản của V.League vận hành một cách chóng mặt. Thanh Hóa thay tới 3 HLV trong 13 vòng đấu. Hai lần trong đó là những cú bể kèo đúng chất của bầu Đệ - ông chủ đội bóng, từ việc không bồi thường cho HLV ngoại Fabio Lopez đến cố tình đưa ra những yêu cầu đánh thẳng vào sĩ diện của HLV Nguyễn Thành Công dẫn đến buộc ông phải từ chức trong danh dự.

Bầu Đệ gọi, bầu Đức cũng trả lời. HLV Hàn Quốc - Lee Tae Hoon bật bãi theo kiểu lên ghế Giám đốc kỹ thuật cho đỡ xấu hổ. Nhưng việc bổ nhiệm đồng thời 2 HLV trưởng là 2 trợ lý: Dương Minh Ninh, Nguyễn Văn Đàn lên thay thế thì đúng là chuyện chưa từng có trong lịch sử giải đấu này. Lò “xay” HLV V.League còn có một điểm cực dị trong giai đoạn 1. TP Hồ Chí Minh đã đồng ý chia tay ông Chung Hae Seong. Nhưng rồi vì HLV người Brazil không thể vào được Việt Nam vì dịch COVID-19 mà đội bóng này lại… tái hợp với HLV người Hàn Quốc, trong những cái bắt tay và nụ cười mà trước đó vốn dĩ đã là chia ly.

Mạnh mà không phải mạnh

Đây là điều kỳ lạ của V.League năm nay. Sài Gòn FC, đội bóng vô địch lượt đi và cũng là CLB sở hữu 2 thành tích ấn tượng: Đội có điểm số tốt nhất sau giai đoạn 1 và đội sở hữu hàng thủ vững vàng nhất lại không phải là CLB được đánh giá cao nhất trong cuộc đua đến ngôi vô địch. Rồi HAGL, đội bóng tưởng chừng như mong manh nhất và là kho điểm của 7 đội bóng khác không ngờ lại là CLB đá hay nhất trong những lần đối đầu giữa 8 đội ở giai đoạn 1.

Không chỉ mạnh nhất nếu xét về thành tích đối đầu ở giai đoạn 1 giữa 8 CLB với nhau, HAGL còn sở hữu một chỉ số khủng khiếp. Đó là cực mạnh trên sân nhà. 16/18 điểm tuyệt đối ở Pleiku biến HAGL trở thành một kẻ thách thức. Nhưng ngay cả khi sở hữu hai chỉ số thuộc diện bá đạo ấy, người ta vẫn không thể… tin là HAGL vô địch. Mâu thuẫn lồng trong mâu thuẫn. HAGL tưởng chừng yếu nhưng không phải yếu. Nhưng bảo họ đủ mạnh để vô địch V.League thì lại không đủ mạnh.

Tính ổn định của Sài Gòn FC và sự bùng nổ của HAGL ở giai đoạn 1 nằm trong ngờ vực. Người ta lại dành một niềm tin có lẽ đỡ phiêu lưu hơn dành cho “bệnh viện” Hà Nội FC. Một đội bóng què quặt và có thời điểm chỉ còn 13, 14 cầu thủ lành lặn trong đội hình vẫn kết thúc giai đoạn 1 với vị trí nằm trong top 4. Thậm chí, lực lượng ấy chỉ mất khoảng nửa tháng để vô địch Cúp Quốc gia. Dù những đối thủ mà Hà Nội FC đương đầu ở vòng bán kết lẫn chung kết thuộc diện có chiều sâu lực lượng tốt nhất Việt Nam hiện tại (TP Hồ Chí Minh và Viettel).

Hà Nội FC có thể bất lợi về con người. Nhưng họ lại có lợi thế trời cho về sân bãi. 5/7 trận đấu ở giai đoạn 2, Hà Nội FC được đá tại Hàng Đẫy. Đó là con số trong mơ để Hà Nội FC – ông vua “núp gió” có thể tăng tốc vào cuối mùa. Nên nhớ, trước một năm bất thường như 2020, Hàng Đẫy từng là nơi bất khả chiến bại của Hà Nội FC xuyên suốt 2 năm rưỡi.

Suy cho cùng, người ta vẫn phải nhìn vào Hà Nội FC như ứng viên số 1 cho chức vô địch. Dù ở mùa giải năm nay, họ rơi vào những tình thế khó khăn về lực lượng thi đấu. Nếu như Hà Nội FC kết thúc V.League với chức vô địch thì đó có thể là điều không lạ mà cũng lạ của giải đấu năm nay. Không lạ ở chỗ, Hà Nội FC vẫn vô địch. Nhưng lạ ở điểm, giải đấu này vẫn chẳng có gì đặc biệt, dù xuyên suốt nửa đầu mùa bóng năm nay, người ta đã chứng kiến đủ thứ lạ đến từ những kẻ thách thức Hà Nội FC.

Hấp dẫn ở cuộc đua trụ hạng

Câu chuyện trụ hạng V.League có lẽ sẽ khó đoán hơn. 5 trận đấu còn lại ở giai đoạn 2 chứng kiến những màn đối đầu sinh tử của nhóm DNH Nam Định, Hải Phòng, Quảng Nam và Thanh Hóa. Đây cũng là 4 CLB được khoanh vùng sẽ phải đấu tranh để tránh suất duy nhất xuống hạng mùa này. 

Người ta vẫn nói Quảng Nam sau cùng sẽ được cứu. Thế nhưng, khi khu biệt 6 CLB gồm: SHB Đà Nẵng, Thanh Hóa, SLNA, DNH Nam Định, Hải Phòng và chính Quảng Nam thì may thay có “láng giềng” SHB Đà Nẵng là có thể cứu họ được Quảng Nam một trận đấu. Nhưng điều đó là không đủ để giúp Quảng Nam - đội xếp bét bảng và cách vị trí ngay trên mình tới 4 điểm có thể an toàn. 

Họ cần ít nhất 2 trận đấu mà các đối thủ rơi điểm để vượt qua ranh giới sinh tử. Nhưng xem chừng, vận may của Quảng Nam đã hết! 

An Khánh
.
.
.